Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (gọi tắt là Chương trình) về văn hóa trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả nhất định trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, phát triển hoạt động văn hóa tại nhiều địa phương.
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình theo đúng mục tiêu đã đặt ra, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, hàng năm, Bộ VH-TT&DL đều hướng dẫn việc phân bổ kinh phí chương trình cho từng dự án, từng nội dung công việc cụ thể. UBND tỉnh căn cứ vào việc hướng dẫn các mục tiêu, danh mục dự án được phân bổ kinh phí và định mức chi cho từng nội dung để chỉ đạo các sở, ngành cân đối, bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ từ Trung ương, cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để hoàn thành tốt các mục tiêu của Chương trình. Năm 2012, UBND tỉnh đã giao vốn Chương trình về văn hóa 8,365 tỉ đồng, bao gồm 4 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển và 4,365 tỉ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp.
|
Lễ hội cầu ngư ở vạn chài Bình Thái - một lễ hội được hưởng lợi từ Dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. |
Việc thực hiện chương trình đã mang lại những hiệu quả trong việc chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh, cho biết: “Những năm qua, nhờ nguồn vốn đầu tư rất lớn từ Chương trình về văn hóa, chúng tôi mới có điều kiện thực hiện hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quan trọng trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2012, đã có đến 6 tỉ đồng được cấp từ nguồn vốn Chương trình đầu tư cho các dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo các di tích tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, thành Hoàng Đế”.
Hệ thống thiết chế, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh vốn nghèo nàn và thiếu thốn. Chương trình đã đem đến những hỗ trợ thiết thực trong nhiều năm qua. Số kinh phí đầu tư của chương trình tăng hàng năm. Đơn cử, năm 2010, Chương trình đã đầu tư 880 triệu đồng cho xây dựng đời sống văn hóa, thông tin cơ sở. Cụ thể: 280 triệu đồng để cấp trang thiết bị cho 14 làng văn hóa; 180 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cho 12 thôn, làng ở 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; 90 triệu đồng để mua sách cho Thư viện tỉnh, 70 triệu đồng cấp sách cho các thư viện huyện; 50 triệu đồng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở...
Đến năm 2012, khoản kinh phí đầu tư của chương trình đã tăng lên 2,165 tỉ đồng cho các dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cho các địa bàn khó khăn. Trong đó, Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão được hỗ trợ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng với kinh phí 80 triệu đồng. Đội thông tin lưu động huyện Vân Canh được hỗ trợ 120 triệu đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động. Hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa cấp xã, thôn. Cấp sách cho hệ thống thư viện miền núi, vùng sâu với kinh phí 360 triệu đồng; đồng thời cấp sản phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, các trường dân tộc nội trú với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Lâu nay, việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể luôn gặp phải vấn đề khó khăn về kinh phí. Nhờ có Chương trình, nhiều dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được thực hiện thành công. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó phụ trách Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH-TT&DL, cho biết: “Nhờ chương trình, tỉnh ta đã thực hiện thành công nhiều dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể, như lễ hội cầu ngư ở vạn chài Bình Thái (Phước Thuận, Tuy Phước); lễ hội Đổ Đầu của người Chăm H’roi (Vân Canh); Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định… góp phần khơi gợi được ý thức của cộng đồng dân cư cùng tham gia bảo tồn và phát huy các loại hình di sản quý báu của cha ông. Năm nay, Bình Định được đầu tư thực hiện dự án bảo tồn di sản phi vật thể làng nghề dệt chiếu Chương Hòa (Hoài Nhơn)”.
Việc triển khai có hiệu quả các Chương trình về văn hóa giúp đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh được nâng lên, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa đã có ý thức hơn trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, vươn lên thoát nghèo.
|