Ký họa về bà
21:25', 17/11/ 2012 (GMT+7)

Từ ngày bà nội ở quê vô thăm chơi, An thấy nhà mình đầm ấm hẳn lên. Mẹ càng vui vì ba bỏ thói quen “làm vài chai giải khát”. Sau giờ tan sở, ba về nhà đúng giờ, ăn cơm tối ở nhà. Bếp ngày nào cũng đỏ lửa ba bận, còn ăn bữa xế, bữa khuya khi nồi chè đậu đen, hạt sen, hay rổ khoai lang luộc.

Song cũng có lúc bà làm con dâu bực mình, cũng bởi tính tiếc của. Câu cửa miệng của bà mỗi khi xuống bếp hay trên bàn ăn cũng là: “Thức ăn đổ đi là mang tội”. Như tối qua, cả nhà đề xuất buổi cơm trưa mai phải có món rau muống luộc, lấy nước luộc làm canh. Mẹ An đã chế biến một tô nước luộc rau muống xanh ngắt. Lúc dọn cơm, con dâu tá hỏa khi nhìn tô nước canh ngả màu vàng, loang loáng mỡ, mà mẹ chồng thì tủm tỉm cười: “Con nếm xem nước canh giờ ngon hơn không? Mẹ đã nêm chén nước thịt kho vào đó, lúc nãy con nêm nếm thế nào mà nước canh trong tần, chua loét!”. Bà cười hài lòng, cả nhà cũng cười méo xẹo, xì xụp húp hết nồi canh “ngon hết ý” của bà.

Có bà, ông con trai vui như trẻ con, nằn nì đưa mẹ đi chơi khắp nơi. Con trai lập nghiệp thành phố hơn ba mươi năm, nhà cửa đề huề, đây là lần đầu bà chịu rời làng lên thăm. Bà nói với mấy bà bạn ở quê lý do chuyến đi của mình: “Lên xem cơ ngơi chúng nó thế nào, về nhắm mắt cũng yên lòng”. Khỏi nói niềm vui của cha An khi đón bà lên thăm nhà, an dưỡng. Lúc đề nghị đưa bà đi chơi, bà lắc đầu quầy quậy. Đã chịu leo ngồi sau yên xe, đội cái mũ bảo hiểm lên đầu, bà vẫn không thôi cằn nhằn ra chiều miễn cưỡng. Nhưng vòng về, ngồi phịch xuống nền nhà, bóp bóp cái chân mỏi là bà bắt đầu kể, huyên thuyên không dứt. Xem phim, kịch, bài chòi, hát bội. Đi siêu thị, bảo tàng, nhà sách, công viên… Thành phố có bao nhiêu điểm tham quan, vui chơi nào không quá ồn ào, cha An đều đưa bà đến. Anh em An biết chuyện cha đưa bà nội đi ăn hăm-bơ-gơ, gà rán và uống xá xị thì tròn mắt ngạc nhiên, cười ngất.

Chuyến lên phố dự định chỉ một tuần của bà kéo dài đến hai tháng. An để ý thấy bà luôn ghi chép lại mọi việc bà làm, mọi điều xảy ra trong ngày. Bà có những cuốn vở học sinh dày, trang đầu bà ghi to, đồ đậm dòng chữ “Nhật sự ký”. Lên nhà An, bà cũng mang theo một cuốn, cất trong chiếc giỏ mây cũ, nằm lẫn cùng với bịch đựng trầu-cau-vôi-thuốc, khăn xéo, kính lão…

An đọc dòng chữ “Nhật sự ký, tập 7”. Ngày… tháng… năm Canh Dần, bà viết: Quả quyết gà rán không ngon bằng gà luộc, gà kho sả ở ngoài mình. Nhưng cái nước chấm sền sệt màu sữa mà cha thằng Bình, con An gọi là sốt, có vị rất lạ - beo béo, chua chua, ngọt ngọt, không giống với loại nước chấm nào ở quê. Ngày… tháng… năm Canh Dần Cái nước màu bã trầu đổ ra ly cứ kêu xì xèo những bọt là bọt mà chúng gọi là xá xị quả không thơm ngon bằng nước râu bắp non…

An khóc khi đọc đến trang bà viết cho ông. Trong gia đình ai cũng biết, mấy chục năm rồi từ ngày ông mất, bà có thói quen viết thư cho chồng. Những lá thư được gởi xuống lòng đất mỗi năm một lần vào ngày giỗ ông - “Như thư trước tui đã báo cáo với ông chuyện tui đi thăm tụi nhỏ, đến nay ở nhà chúng nó gần hai tháng trời rồi. Tui mừng hung ông ơi, nhà cửa, công ăn việc làm, vợ chồng cha con chúng nó đầm ấm lắm! Hổng biết chừng nào, hễ xuống dưới gặp, tui kể ông nghe tường tận…”.

***

Người cha vẫn thường khoe với các con, rằng mẹ ông - bà nội chúng - là cô gái cá tính nhất Xóm Trên thời ấy. Khi cha bà định gả cho con trai người bạn môn đăng hộ đối, bà tìm gặp người con trai mình thầm thương trộm nhớ, nhắm làm chồng mà bảo: “Mau đến nhà hỏi cưới tôi đi, tôi bị cha ép duyên. Nếu cha mẹ không đồng ý cứ bảo tôi và ông đã lỡ…”.

Trong khi ông và bà chưa một lần nắm tay. Ông bà thắng cuộc, ông cố đành gả bà cho ông nội vì tin rằng hai đứa trẻ đã trót dại với nhau. Mãi hai năm sau bà mới sinh con, ông cố lúc ấy ra mặt giận nhưng trong ruột thì mãn nguyện trước thằng con rể khẳng khái, nghĩa tình.

Cha còn bảo, nếu bà sinh ra không phải thuộc phận “thập nữ viết vô”, nếu bà được cho học hành, thi cử, bà cũng sẽ làm được ông này bà kia. Hai anh em An biết bà ghiền đọc sách. Hôm rồi, thằng anh thanh lý tủ sách gia đình, bà ngồi mân mê mớ giáo trình triết học, mỹ học, đống báo, tạp chí cũ, tác phẩm văn học kim cổ đông tây… rồi bảo gói hết lại để bà mang về quê. Ở quê bà cũng có hẳn một giá sách, sách nhiều nhất mà bà có là Truyện Kiều, Lục Vân Tiên và văn học cách mạng. Thật chưa thấy giá sách nào thập cẩm như giá sách của bà! Bây giờ thì giá sách của bà được nâng cấp, cả chiếc giá đựng, lẫn sách. Từ khi bác Hai gọi vào nói bà vừa lập giá sách cho mình, bà xin mấy miếng ván bỏ của đám thợ mộc trên nhà, nhờ họ đóng thành giá, mang về nhà bảo bác đóng lên tường, tỉ mẩn lau chùi, xếp vào giá mấy cuốn đạo đức, văn học cũ mà mấy hôm trước đám cháu định mang bán đồng nát. Nghe điện thoại xong, cha An lẳng lặng đi nhà sách và rất nhiều sách, đóng thùng cẩn thận và bảo con mang ra bến xe gởi về biếu bà.

***

“Con này, đêm mai mẹ muốn đi vũ trường xem nó ra thế nào”, bà rụt rè nói với con trai trong bữa cơm tối. Cha An ậm ừ: “Mẹ muốn đi xem trường học à, trường học phải đi ban ngày chứ mẹ, mà phải đi xem trường quốc tế thì mới khác nhiều với trường ở quê mình”. Bà rành rọt: “Không, mẹ nói vũ trường, cái nơi nhảy nhót, nhạc ầm ầm mà tụi choai choai hay đến đấy. Mẹ đọc báo thấy nói mà nghĩ mãi không biết nó ra sao. Đi vũ trường xong là mẹ mở mắt hết về thành phố rồi, xong mẹ về quê, khi đọc báo sẽ không phải băn khoăn xem cái vũ trường nó là gì nữa”.

Anh em An và mẹ ngơ ngác trước đề nghị của bà. Chỉ có cha là không cười, ông quắc mắt nhìn các con và quay về phía bà chăm chú lắng nghe. Bà nói đến đâu, mắt ông rưng rưng đến đó, đầu thì cứ gật gật, nói nhỏ, phải lắng tai lắm An mới nghe được: “Dạ dạ, con sẽ đưa mẹ đi, đi vũ trường. Thằng Bình, con An, tụi nó đi vũ trường nhiều lần rồi. Từ hồi lên đây đến giờ, con cũng chưa đi lần nào. Con và mẹ sẽ cùng đi. Ăn cơm xong ta đi ngay, không phải đợi đến mai”. Ông rời bàn ăn, mang chén cơm ăn dở bỏ vào thau rửa, lúc này thì ba người, trừ bà lãng tai, đều nghe rõ, ông thôi không rưng rưng mà khóc ầng ậc. Năm ấy đứa con tròn 60, còn bà 85 tuổi.

***

Rốt cuộc bà không đi vũ trường như dự định. Thằng cháu nói cứng: “Cháu cam đoan vũ trường không vui bằng cái chợ chiều trước nhà bác Hai ta ở quê!”. Bà “dẫy na” một cái, đôi mắt mờ đục mơ màng về cái chợ chiều chồm hổm trước nhà, chợ bán chỉ vài mớ cá rô, cá cửng, bầu bí vườn nhà mà chiều nào cũng nhóm, từ xế chiều đến tối mịt, bán mua ít mà chuyện phiếm tào lao thì nhiều. Hai đứa cháu mở mạng để bà mục sở thị vũ trường, biết trước là nó rất ồn ào, nhưng mới xem một lúc bà đã bảo: “Thôi, không xem nữa, không đi nữa, ồn ào quá tụi bay!”.

Mãi sau này, bà mất đã lâu, An mới hiểu cái khóc ầng ậc của cha mình. Ông bảo, trước khi chạm tuổi 85, bà vẫn còn rất tinh tường, minh mẫn, khỏe mạnh. Ông bảo, chẳng hiểu sao, khi nghe những vòi vĩnh của bà, miếng đeo tang hình thoi màu đen ông vẫn thường thấy trên ngực áo của bạn bè, đồng nghiệp ở đâu kéo đến như đám mây đen, ám ông.

Thỉnh thoảng hai anh em họ lại thấy cha mình ngồi thu mình trong phòng tối, mái tóc chớm bạc lòa xòa, ngồi giở từng trang những cuốn Nhật sự ký của bà, đọc lâu như đứa trẻ đánh vần trong đầu.

  • TƯỜNG MINH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NSNA Đào Tiến Đạt đoạt 3 giải tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 2- Belgrade Photo Autumn  (17/11/2012)
Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích tháp Thủ Thiện  (17/11/2012)
Sức hút từ những điệu nhảy  (15/11/2012)
Bình Định cử đoàn diễn viên, nghệ nhân người Chăm H’roi  (14/11/2012)
An Lão: Nỗ lực thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể   (15/11/2012)
Hỗ trợ hiệu quả hoạt động văn hóa tại địa phương   (14/11/2012)
Diễm Hương được chọn thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012  (14/11/2012)
Tổ chức Hội thi vẽ và triển lãm tranh thiếu nhi  (13/11/2012)
“Râm ran chuyện giữa cõi người” (*)  (12/11/2012)
Thêm 2 di tích cấp tỉnh được công nhận  (12/11/2012)
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ở Vân Canh  (12/11/2012)
Một trái tim lương thiện  (10/11/2012)
Hoa cau vườn nhà  (10/11/2012)
Tiếng đàn nặng tình cha con  (10/11/2012)
Làng Tà Ðiệt tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”  (09/11/2012)