Tiểu phẩm, kịch ngắn phong trào lâu nay vẫn được dùng như một hình thức tuyên truyền phổ biến và sinh động, mang lại những hiệu quả nhất định. Đằng sau mỗi tiểu phẩm và thông điệp tuyên truyền là sự lặng lẽ sáng tạo, cống hiến và tâm huyết của người sáng tác, dàn dựng.
|
Một cảnh trong vở kịch ngắn dân ca “Hết giận rồi thương” của tác giả Nguyễn Đức Bảo - đoạt giải tác giả xuất sắc tại Liên hoan đàn và hát dân ca 2012.
|
Với từng nội dung tuyên truyền cụ thể và khá khô khan như vận động kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống sốt rét, giữ gìn tài nguyên rừng - biển, nói không với tệ nạn mại dâm, ma túy… trong một thời lượng có hạn (tiểu phẩm biểu diễn tuyên truyền khoảng 30-45 phút, tiểu phẩm dự thi khoảng 15 phút), những người sáng tác tiểu phẩm phong trào phải đảm bảo hài hòa hai yếu tố: hiệu quả tuyên truyền và tính nghệ thuật.
Phục vụ tuyên truyền
Sáng tác một kịch bản tiểu phẩm hay hoạt cảnh dân ca, kịch ngắn phần lớn bắt nguồn từ việc phục vụ nhu cầu tuyên truyền cụ thể. Ông Lê Văn Tình, một người viết và dàn dựng tiểu phẩm phong trào thâm niên của huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Hầu hết kịch bản mà tôi đã sáng tác, dàn dựng đều do các cơ quan, đơn vị, ngành “đặt hàng” để biểu diễn tuyên truyền hoặc tham gia hội diễn. Nhiều năm trong nghề, tôi nhận thấy chủ đề, nội dung tuyên truyền của tiểu phẩm phong trào ngày càng đa dạng, yêu cầu cao, buộc người viết, dàn dựng luôn phải nỗ lực đầu tư cho chất lượng”.
Để làm “mềm” những chủ đề khá khô khan, các tác giả thường pha thêm yếu tố hài hước. Song, “đó phải là cái hài duyên, không lố lăng, kệch cỡm. Người viết kịch vì thế mà phải luôn biết tiết chế, cẩn trọng”, ông Nguyễn Đức Bảo - ở Cát Hanh, Phù Cát - chia sẻ. Việc kết hợp kịch nói với dân ca bài chòi, hay tuồng trong một kịch bản khiến tác phẩm thêm sinh động, hấp dẫn, được đông đảo người dân đón nhận. Trước đó, ông Nguyễn Đức Bảo đã tìm đến tận nhà những nghệ sĩ lão thành, như: Nguyễn Kiểm, Thế Kỷ, Phan Ngạn để hiểu về dân ca, bài chòi. Bây giờ, ông đã có thể sử dụng những làn điệu dân ca bài chòi vào tiểu phẩm một cách rành rọt: lúc nhân vật vui thì dùng điệu lý ghẹo, hò Quảng…; đến cảnh buồn, chia ly thì dùng điệu xuân nữ, xàng xê, vọng kim lang…; hay khi tức giận thì nên sử dụng điệu lía phôn…
Cũng như ông Tình, để có được sở trường đưa tuồng vào tiểu phẩm tuyên truyền, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về ngôn ngữ, làn điệu tuồng và bước đầu đã thành công.
Năm 2007, tiểu phẩm tuồng Nỗi khổ Diêm vương của ông đã giúp LĐLĐ huyện Hoài Nhơn giành giải Nhất trong hội thi an toàn giao thông cấp tỉnh và tiếp tục giành giải Nhì hội thi toàn quốc. Năm 2010, tiểu phẩm tuồng Nghịch cảnh chốn âm cung của ông viết cho Công an huyện giành giải Nhất tại hội diễn của ngành; cũng trong năm này, tiểu phẩm tuồng Nơi gửi niềm tin cũng mang về giải Nhất cho Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Hoài Nhơn trong hội thi của ngành…
Thông thường, tác giả kịch bản cũng là người được đơn vị đặt hàng tin tưởng giao đảm đương khâu dàn dựng tiểu phẩm. “Những tác giả có năng khiếu dàn dựng cũng muốn trực tiếp hoàn chỉnh “đứa con tinh thần” của mình”, ông Nguyễn Trọng Sang, một tác giả ở huyện Vân Canh, chia sẻ.
|
Một tiểu phẩm tuyên truyền trong chương trình truyền thông về bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển của Bộ đội Biên phòng tỉnh.
|
Đào tạo để nâng cao chất lượng
Có năng khiếu và niềm đam mê, song để xây dựng tiểu phẩm ngày một “lên tay”, người viết phải luôn học hỏi để nâng cao. Chưa được học qua về sân khấu, ông Lê Văn Tình nghiên cứu kịch bản của những tác giả chuyên nghiệp trong tỉnh như Tấn Hào, Việt Thanh, Đào Minh Tâm… để học hỏi. Là người công tác trong ngành văn hóa, ông có nhiều cơ hội trau dồi khả năng sáng tác.
Còn ông Nguyễn Đức Bảo, trau dồi tay nghề từ việc rút kinh nghiệm chính những tác phẩm của mình. Hay như ông Sang vẫn duy trì thói quen viết đều đặn, bất cứ khi nào có cảm hứng, ý tưởng. Trước đây, khi mục “Câu chuyện truyền thanh” của Đài Phát thanh huyện Vân Canh còn phát sóng 1 số/tuần, ông Sang là cộng tác viên đắc lực của chương trình và xem đó là cách rèn khả năng quan sát cuộc sống, nhạy bén và giữ nhịp cảm xúc cho sáng tác.
“Một nhược điểm phổ biến của tiểu phẩm tuyên truyền hiện nay là chất lượng nghệ thuật của các thể loại kịch sân khấu bị “lép vế” so với dung lượng nội dung tuyên truyền. Đây là điều những người xây dựng tiểu phẩm chúng tôi rất băn khoăn. Một mặt vì năng lực sáng tác, dàn dựng của chúng tôi có hạn, phần nữa do các đơn vị đặt viết tiểu phẩm thường quá chú trọng đến tính tuyên truyền, ôm đồm nhiều nội dung mà xem nhẹ chất lượng nghệ thuật của kịch”, ông Nguyễn Trọng Sang trăn trở.
Các loại hình tiểu phẩm sân khấu xuất hiện phổ biến trong đời sống, vừa phục vụ tuyên truyền vừa gây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Trong khi đó, đội ngũ sáng tác, dàn dựng tiểu phẩm tại nhiều địa phương trong tỉnh đều làm nghề từ năng khiếu, quá trình tự học nên rất cần được hỗ trợ, đào tạo chuyên môn để nâng cao chất lượng sáng tác.
|