Nói đến Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, người ta thường đề cập đến những giá trị về các tác phẩm văn thơ, những vở tuồng hát bội xếp vào hàng kinh điển. Trong số đó, vở tuồng “Hát bội Bả trạo” được Nguyễn Diêu sáng tạo trên cơ sở điệu hát múa Bả trạo dân gian là một tác phẩm đặc biệt, nhưng hiện chỉ có rất ít người biết đến.
Hát múa Bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, thường diễn ra trong Lễ hội Nghinh Ông (còn gọi là Lễ hội cầu ngư), với nội dung ca ngợi công đức của thần Nam Hải (tức cá Ông, cá Voi) đối với ngư dân. Tất cả các vạn chài ở Bình Định nói riêng, duyên hải Nam Trung bộ nói chung đều có Bả trạo, nhưng mỗi vạn chài gọi tên khác nhau: chèo Cầu ngư, hát Bả trạo, múa Bá trạo, hò chèo Bả trạo…
|
Đội Bả trạo xã Phước Thuận (Tuy Phước) biểu diễn phục vụ nhân dân tại Lễ hội cầu ngư. Ảnh: VĂN LƯU |
Từ điệu hát múa dân gian tế thần của vạn chài
Cảm kích trước tấm lòng của ngư dân làng chài Nhơn Ân (quê cụ Nguyễn Diêu) đối với vị “Nam Hải thần ngư”, trên cơ sở của điệu hát múa Bả trạo dân gian, Nguyễn Diêu đã viết nên chỉnh thể một vở tuồng “Hát bội Bả trạo” với những lớp lang bài bản, hòa quyện giữa tâm linh và nghệ thuật.
Tuồng “Hát bội Bả trạo” gồm ba hồi: Trình thần (ra khơi đánh bắt); Gặp bão tố và Hát mừng khải hoàn. Các nhân vật chính trong tuồng hát gồm: Tổng Mũi (còn gọi là Tổng tiền, Tổng sanh, là người phụ trách con trạo); Tổng Khoan (còn gọi là Tổng thương, phục vụ chung trên thuyền như tát nước, xem thời tiết, ăn uống…); Tổng lái (còn gọi là Tổng hậu, người chỉ huy); cùng các nhân vật phụ: Lồng đèn Cà Tiêu (người dẫn lối); Tàu Hổ (được hóa trang khuôn mặt rằn, lưng đeo kiếm, có nhiệm vụ chống đạo tặc, thủy tặc, thủy quái…); Cờ hiệu (nhân vật hề); Con Trạo (16-20 tay chèo). Các nhân vật ăn mặc, hóa trang theo lối tuồng cổ, riêng đội Trạo mặc đồng phục cùng màu.
Nội dung và bố cục tuồng “Hát bội Bả trạo” hoàn thiện như một vở tuồng hát bội truyền thống, nhưng không gian và trình thức biểu hiện được ước lệ những hoạt động trên một chiếc thuyền. Các nhân vật được khắc họa sống động, đậm chất hát bội truyền thống với các làn điệu: Giáo tuồng, Bạch, Nam, Khách, Tẩu mã, Ngâm, Vịnh, Bài ban, nói lối…
Đặc biệt, ở tuồng “Hát bội Bả trạo” của Nguyễn Diêu, chúng ta thấy được tài viết tuồng của ông với đoạn cao trào khi gặp giông bão. Tính xung đột được đẩy lên, tính ước lệ về không gian đậm nét sân khấu hát bội truyền thống. Hay cảnh thanh bình, sóng yên biển lặng, cùng hát khúc khải hoàn nhẹ nhàng với nhân vật Tổng Mũi và trạo phu rập ràng mái chèo đưa đẩy. Lời tuồng ca ngợi công đức Nam Hải thần ngư đã phù hộ cho ngư dân ra khơi đánh bắt bình an. Tổng Mũi điều khiển qua tiếng sanh, tất cả trạo phu cùng nhau vừa hò vừa chèo, rồi kết thúc bằng câu hát nam xuân: “Nguyện cầu công đức Thủy thần/Hộ dân no ấm, sóng lành trời êm”.
Đến vở tuồng duy nhất về Bả trạo
Nguyễn Diêu sau khi viết xong tuồng “Hát bội Bả trạo” giao cho học trò là Dương Đồng Luân, nhưng người đầu tiên dàn dựng là hai anh em ruột Ma Văn Tiết và Ma Văn Đại, ở Phước Thuận thuộc vạn chài làng Nhơn Ân. Ông Tiết làm chủ bầu lấy tên là bầu Đê, lưu diễn các làng chài trong vùng, rồi phát triển đến Phước Lý, Phước Hải, Phước Châu, nay là Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Châu (Quy Nhơn).
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình ngược xuôi đánh bắt, những nghệ nhân làng chài Bình Định đã góp phần phổ biến vở tuồng này khắp trong và ngoài tỉnh. Trong đó có ông Bính, một nghệ nhân tiêu biểu của gánh hát bội Bả trạo bầu Đê, vào lập nghiệp tại làng chài Cửa Bé (tỉnh Khánh Hòa) và lập gánh hát, lấy nghệ danh là bầu Thừa. Gánh “Hát bội Bả trạo” của bầu Thừa ngoài diễn tại lễ hội cầu ngư vạn chài Cửa Bé, ông còn được các làng chài trong vùng mời diễn vào các dịp lễ hội cầu ngư.
Qua bao thăng trầm, kịch bản “Hát bội Bả trạo” cũng phần nào bị tam sao thất bản. Nhưng, điều nhất quán ở tất cả đội Bả trạo các tỉnh miền Trung là trong biểu diễn đều giữ các chương hồi, các nhân vật chính, các lớp tuồng trong vở tuồng “Hát bội Bả trạo” của cụ Nguyễn Diêu.
“Hát múa Bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, thường diễn ra trong Lễ hội Nghinh Ông (còn gọi là Lễ hội cầu ngư), với nhiều tên gọi khác nhau: chèo Cầu ngư, hát Bả trạo, múa Bá trạo, hò chèo Bả trạo…” |
Hiện nay, Bình Định có gần 50 đội Bả trạo, nhưng chỉ có chừng 3-4 đội giữ được tương đối tuồng Bả trạo gốc, như: các đội Bả trạo Nhơn Ân, Bình Thái (Phước Thuận, Tuy Phước); Hưng Lương (Nhơn Lý, Quy Nhơn).
Mỗi vạn chài có 1 đội tuồng Bả trạo và họ chỉ diễn trong lễ hội cầu ngư của vạn chài làng mình; các đoàn hát bội chuyên và không chuyên của tỉnh không diễn tuồng Bả trạo mà chỉ diễn hát án (trình thần) những vở tuồng cổ, thường là những vở có nhân vật Quan Công như: Huê Dung lộ, Cổ thành, Tam Anh chiến (của thời Tam quốc bên Tàu). Trong 2 kỳ liên hoan Văn hóa miền biển toàn tỉnh tổ chức tại Phù Mỹ (năm 2008) và Phù Cát (năm 2012), có đưa vào thi hát Bả trạo. 5 đội Bả trạo đại diện cho Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn cho thấy sự phong phú, đa dạng và cả những biến cải, đặt lời mới của một số đội, song vẫn giữ được cốt cách “chất cổ” và các trình thức biểu diễn của tuồng “Hát bội Bả trạo” Nguyễn Diêu.
Nội dung sinh động, làn điệu phong phú, tính biểu hiện đa dạng, sức sống của tuồng “Hát bội Bả trạo” đối với ngư dân chính là gắn liền với nghi lễ, văn hóa tâm linh. Tính quần chúng được thể hiện trong trình diễn tuồng này là khi tham gia, tất cả mọi người từ nghệ nhân cho đến người xem đều cầu mong sự bình yên, thịnh vượng từ lòng thành kính.
Tuồng “Hát bội Bả trạo” của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đã, đang sống mãi với các vạn chài. Đây là một trong những di sản văn hóa phi vật thể, loại hình văn hóa dân gian đặc trưng cần được bảo tồn và phát huy.
|