Những câu thơ tỏa hương
6:22', 22/11/ 2012 (GMT+7)

Trong lúc nhiều người đang chờ đợi ở nhà giáo Trần Thanh Phương một tuyển tập các bài phê bình văn học từng đăng rải rác trước đây của ông, những ngày đầu tháng 11 này ông lại “ra mắt” bằng tập thơ “Hương nắng”…

Có thể gọi tập thơ “tỏa hương” từ hai phía, bởi bố cục hai phần của nó. Phần đầu với đề tựa là “Thiên thần”, bao gồm một lượng lớn những bài thơ mang tứ trong trẻo, ngôn ngữ giàu hình ảnh. Phần thứ hai lấy tên chung là “Hương rừng” thiên về phía “người lớn” với những tâm trạng và nỗi niềm riêng của nhà thơ.

Bốn mươi lăm bài thơ của phần đầu hầu hết được viết ở thể thơ năm chữ, với lối diễn đạt trong sáng và khúc chiết. Các bài thơ ấy phong phú về đề tài nhưng đều kéo người đọc về với góc nhìn của con trẻ. Mọi sự vật, sự việc được nhắc đến cuối cùng rồi cũng được quy chiếu, đối chứng lại với góc nhìn trẻ thơ, như: “Cả Trăng - Sao - Trái Đất/ Đều sinh trong bụng trời/ Một đàn con đông đúc/ Không ai bị bỏ rơi!.../ Mẹ sinh ra con cái/ Ơn Mẹ to bằng trời/ Không ra ngoài lòng Mẹ/ Dẫu đi về muôn nơi” (Mẹ và trời); hay “Bờ tre làm đẹp sông/ Bông hoa trông đẹp mắt/ Phấn son tô đẹp mặt/ Chòm râu làm đẹp ông” (Làm đẹp). 

Không chỉ kích thích trí tưởng tượng phong phú trong đầu óc trẻ thơ, nhiều ý thơ còn để lại những dấu lặng bất ngờ, khiến người trẻ hay già đều phải trầm ngâm, nghĩ ngợi: “Bóng ai che khuất người/ Em còn chưa hiểu hết/ Lớn lên rồi em biết/ Bóng người che khuất ai?” (Bóng); “Có con không dám nhận/ Con cũng thành con rơi/ Nhưng con không chịu vỡ/ Vì con là CON NGƯỜI!” (Rơi).

Sang phần thứ hai, dễ thấy các bài thơ đều được tích góp suốt hành trình từ một anh lính chiến đến một giảng viên đại học của nhà thơ (hiện ông đang giảng dạy Văn học Việt Nam ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn). Đến với những bài thơ trong phần này, có lúc ta như lạc vào tiếng thở dài trong tâm hồn tác giả: “Lang thang lạc bước bên hồ/ Đồi thông còn lại một mồ hồng nhan/ Người đâu sao quá đa đoan/ Bao nhiêu thương tiếc có hoàn lại không?” (Bên hồ Than Thở). Nhưng rồi đọc kỹ, đọc mãi ta mới nhận ra rằng, phía sau những câu thơ là một trái tim yêu đất trời, yêu con người đến rạo rực: “Ánh đèn sáng cho lòng người trẻ lại/ Chú gà ngỡ bình minh lên tiếng gáy/ Bài lượng giác anh làm đáp số bỗng lung linh” (Anh bộ đội với ngọn đèn)…

Tập thơ được khép lại bằng một dấu chấm hỏi mà tôi tin không riêng gì tôi, chắc chắn bạn cũng sẽ phải tự vấn lòng mình về những tháng ngày đã đi qua: “Đất thương ta chịu trăm nghìn trận pháo/ Ôm ta vào lòng đất đỏ thắm màu hoa/ Năm đánh giặc ngủ trong hầm địa đạo/ Phải đất hồng hay chính máu tim ta?” (Đất).

  • LÊ VĂN ĐỒNG

(*) Đọc tập thơ Hương nắng” của Trần Thanh Phương, NXB Văn học năm 2012.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy  (21/11/2012)
Thêm 21 ca khúc của Phạm Duy được phép phổ biến  (21/11/2012)
Dế mèn- 70 năm vẫn “điều độ” đi khắp thế giới  (21/11/2012)
Hoa quen trên đất lạ  (20/11/2012)
Ấn tượng về một thôn văn hóa  (19/11/2012)
Nét vẽ tri ân   (19/11/2012)
Tổ chức gameshow “Giờ thứ 9” tại huyện An Lão  (19/11/2012)
Mũ và gậy của Vua hề Chaplin đạt giá 62.500 USD  (19/11/2012)
Hội thi vẽ và triển lãm tranh thiếu nhi tỉnh Bình Định  (18/11/2012)
Lặng lẽ đóng góp  (17/11/2012)
Bụi phấn  (17/11/2012)
Ký họa về bà  (17/11/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt đoạt 3 giải tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 2- Belgrade Photo Autumn  (17/11/2012)
Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích tháp Thủ Thiện  (17/11/2012)
Sức hút từ những điệu nhảy  (15/11/2012)