Kho tàng di sản văn hóa Bình Định với giá trị cao, góp phần làm nên bản sắc của vùng đất Võ. Thời gian qua, công tác bảo tồn di sản luôn được chú trọng với nhiều động thái tích cực.
|
Hội Đổ giàn An Thái (Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn). Ảnh: HIỆP MỸ
|
Luật Di sản văn hóa đã xác định, di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác.
Trên những lộ trình di sản
Bộ sưu tập công cụ đá cũ La Vuông được phát hiện tại vùng núi La Vuông (Hoài Sơn, Hoài Nhơn) năm 2010 khẳng định người tiền sử từng sinh sống trên mảnh đất này. Các loại hình công cụ đá mới đa dạng trong các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh sớm và những bộ sưu tập hiện vật Tiền Sa Huỳnh, đặc biệt là việc khai quật một khu mộ táng khá lớn, có niên đại vào khoảng thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên đến đầu Công nguyên, cùng 16 chiếc trống đồng Đông Sơn có ý nghĩa lịch sử rất lớn.
Thời cổ trung đại, nền văn hóa Chăm phát triển rực rỡ, hiện ở Bình Định còn 8 cụm tháp với tổng số 14 tháp tương đối nguyên dạng; còn có nét văn hóa mang yếu tố Việt như Thành Hoàng Đế - dấu ấn cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Thời cận-hiện đại có những bộ hiện vật sưu tập khá phong phú, từ những tài liệu giấy đến các hiện vật gắn liền với các nhân vật cụ thể.
Bình Định là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau nên đa dạng di sản văn hóa làng. Di sản võ cổ truyền Bình Định là nét đặc trưng riêng của đất Võ. Lễ hội được xem là đặc sản văn hóa độc đáo của Bình Định, với lễ cầu ngư, lễ hội chiến thắng Đống Đa, lễ hội Chợ Gò, lễ hội Đổ giàn... Bình Định còn được biết đến là vùng đất đa dạng nghề và làng nghề thủ công truyền thống, như: nghề làm gốm, nổi danh với gốm Gò Sành, có từ thời Champa (thế kỷ XIV - XV); nghề rèn, nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở Nhơn Hậu (Đập Đá, An Nhơn); nghề làm nón (Phù Cát); nghề nấu rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn)...
Những nỗ lực bảo tồn
Những năm qua, ngành văn hóa đã nỗ lực rất nhiều để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản. Hệ thống di tích lịch sử-văn hóa được quan tâm đầu tư, nổi bật là hệ thống di sản tháp Chăm được khai quật khảo cổ, trùng tu, tôn tạo phục vụ cho hoạt động du lịch, nghiên cứu. Còn các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng, có giá trị bậc nhất của Bình Định là nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền đã được gìn giữ tương đối tốt, với những chuyển động tích cực trong nghiên cứu, đầu tư.
Giải pháp số hóa di sản văn hóa-một xu hướng bảo tồn văn hóa phổ biến trên thế giới bằng cách áp dụng công nghệ thông tin trong lưu trữ dữ liệu-được Sở VH-TT&DL triển khai từ năm 1999 và thực hiện hiệu quả nhiều dự án văn hóa phi vật thể với 4 sản phẩm chính là báo cáo khoa học; phim tư liệu; tập ảnh khảo tả và chương trình ghi âm. Trang web của Thư viện tổng hợp tỉnh (www.thuvienbinhdinh.com) trở thành cơ sở lưu trữ sản phẩm của các dự án này, có tên gọi Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể Bình Định. “Bảo tàng mở” này được cập nhật, bổ sung hằng năm.
Đến nay, một số huyện, thành phố, thị xã, như: Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn… đã có báo cáo sơ bộ về công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.
Sở VH-TT&DL cũng tiến hành lập hồ sơ khoa học cho các di sản phi vật thể tiêu biểu như hát bội, bài chòi, không gian văn hóa võ cổ truyền, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa trình Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Điều tra nghiên cứu lập hồ sơ khoa học một số di sản phi vật thể tiêu biểu Bình Định”, thực hiện từ nay đến năm 2014.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Bình Định là một trong những địa phương phong phú và đa dạng về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thời gian qua, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa ở cả hai loại hình nói trên được triển khai khá tốt. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy di sản được thực hiện và thu được những kết quả bước đầu. Trong kế hoạch, các tỉnh miền Trung sẽ phối hợp thực hiện Chương trình con đường di sản miền Trung, nhằm đẩy mạnh việc phát triển du lịch di sản trong khu vực”. |
|