Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam:
Xác định đúng không gian Tử cấm thành của vương triều Tây Sơn
22:26', 23/11/ 2012 (GMT+7)

Trong tháng 11.2012, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khảo cổ di tích Tử Cấm Thành, thuộc Thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn, tồn tại từ cuối thế kỷ XVIII. Nhân ngày Di sản thế giới (23.11), phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc chuyện trò với Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã nhiều năm theo đuổi Công trình khảo cổ Thành Hoàng Đế về những thông tin mới nhất từ cuộc khai quật lần này.

 

Tiến sĩ Lê Đình Phụng chỉ huy khảo cổ tại khu vực Tử cấm thành thuộc Thành Hoàng Đế.

 

* Thưa Tiến sĩ, những hiện vật được tìm thấy trong đợt khai quật này đã đem lại thông tin gì về kinh đô cổ của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc?

- Tiến sĩ Lê Đình Phụng: Trong đợt khai quật này chúng tôi đã phát hiện nhiều đồ gốm sứ Trung Quốc, có niên đại từ các thế kỷ (TK) 16, 17, và 18. Đây là loại gốm sứ dùng cho hoàng gia, nhiều mảnh gốm còn đọc rõ chữ "nội phủ", hoặc một số mảnh gốm tam thái có mạ vàng. Đây rất có thể là những thứ đồ ngự dụng do triều đình phong kiến Việt Nam đặt Trung Quốc làm để sử dụng trong hoàng cung, được Nguyễn Nhạc đem về từ kinh thành Thăng Long. Ngoài những đồ gốm sứ Hoa, Việt, đợt khảo cổ này còn phát hiện nhiều đồ gốm Chămpa TK13, 14. Thành Hoàng đế vốn dĩ là kinh thành của Chămpa kéo dài qua 5 thế kỷ (TK11 – TK 15), thì việc tìm thấy nhiều đồ gốm sứ Chămpa trong khu vực kinh thành cũ này đã xác tín thêm những điều được lịch sử ghi nhận là Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc đã sử dụng kinh thành Viyaja của người Chăm xưa để xây dựng kinh thành cho triều đại của mình.

* Khi quan sát những hiện vật lấy lên từ lòng đất, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước những mảnh vỏ sò, san hô…, ông có thể giải thích sự hiện hữu có phần khác lạ này ?

- Tiến sĩ Lê Đình Phụng: Cuộc khai quật vùng Tử cấm thành lần này cung cấp cho chúng ta thêm những thông tin khác về nhiều lĩnh vực ở thời Tây sơn. Vào thời kỳ này, về mặt xây dựng, ngoài các loại gạch ngói, người ta đã biết xẻ đá dùng trong xây dựng với trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao… Tại đây cũng phát hiện nhiều loại đạn với nhiều chất liệu như chì, gang, đá và nhiều kích cỡ khác nhau. Điều đó cho thấy, vũ khí của nhà Tây sơn rất phong phú, đa dạng. Ngoài ra, khảo cổ còn phát hiện một số đồ trang trí mỹ thuật như đôn, chậu hoa; vật dụng cá nhân như trâm cài tóc; hoặc đồ chơi dân gian như các con đáo ghè từ gạch, đá, gốm, sứ… Điều đó cho thấy những nét văn hóa riêng của nhà Tây sơn, đó là tính chất dân gian trong văn hóa sinh hoạt cung đình. Trong đợt khai quật này chúng tôi còn thu được nhiều mẫu quặng sắt, khi liên hệ với thực tế là vùng xung quanh Tử cấm thành ngày nay còn duy trì làng nghề luyện sắt đúc đồng, ta có thể phán đoán nghề thủ công có thể đã có tại đây từ thời Tây Sơn và cùng góp sức tạo nên “đất trăm nghề” nơi kinh kỳ thời Thái Đức.

 

Tìm thấy góc bắc phía đông bắc Tử cấm thành, nơi kết thúc giới hạn tường phía Đông và phía Bắc của Tử cấm thành.

 

Trong cuộc khai quật Thành Hoàng Đế chúng tôi còn phát hiện rất nhiều những sản vật từ biển, như san hô, vỏ sò, được gắn với các kiến trúc cung đình. Phát hiện này cho phép chúng ta hình dung về một kinh thành - đô thị biển. Có thể thấy vương triều Tây sơn khởi nghiệp từ vùng đất ven biển. Từ khi bắt đầu khởi nghĩa đến khi hoàn toàn thống nhất đất nước, thì thủy binh luôn là lực lượng quân sự quan trọng của nhà Tây sơn. Vùng đất này lại có một địa hình rất đặc biệt. Một bên gắn với núi, một bên gắn với biển. Sức mạnh của Tây Sơn được tạo nên một phần từ tiềm lực biển, họ đã coi kinh tế biển là phần trọng yếu. Sử có ghi lại: Khi vào Nam bộ, Nguyễn Lữ có mang ra kinh đô vua Thái Đức 200 thuyền chở thóc gạo. Nghĩa là trong thời kỳ này, ở nơi đây, kinh tế nông nghiệp không phải là trọng yếu mà phải kết hợp với kinh tế biển mới đủ sức tồn tại. Sự hưởng ứng của những cư dân biển trong khởi nghĩa Tây Sơn cũng tạo nên một tiền đề về kinh tế, văn hóa, quân sự cho nhà Tây Sơn phát triển và kinh thành Hoàng đế của vua Thái Đức nằm bên cảng Thị Nại thực sự là một đô thị mang dấu ấn biển.

* Rất nhiều khách tham quan cũng như người dân vùng này không biết chính xác di tích mà chúng ta đang khai quật là Tử cấm thành của triều Tây Sơn hay là lăng Võ Tánh của triều Nguyễn; vậy cuộc khảo cổ lần này có làm rõ được nghi vấn không?

Điều đặc biệt của đợt khai quật là chúng tôi đã cố gắng bóc tách lớp kiến trúc của nhà Nguyễn mà hàng trăm năm nay đã che phủ lớp kiến trúc của nhà Tây Sơn tại khu vực kinh thành cũ này. Tiếp nối cuộc khai quật trước từ năm 2006, cuộc khai quật lần này đã làm rõ hơn dấu vết của kiến trúc xưa mà sử sách gọi là Cung Quyền Bổng - một kiến trúc lớn nhất trong khu vực Tử cấm thành - chính là nơi Thái Đức Nguyễn Nhạc thiết triều, nằm đối diện cửa Nam lâu, phía trước Điện Bát Giác.

 

Những mảnh gốm sứ Trung Quốc (thế kỷ XVI – XVIII), là đồ ngự dụng được tìm thấy trong đợt khai quật.

 

Nền móng Điện Bát Giác - nơi Nguyễn Nhạc trị vì điều hành vương triều Tây Sơn cũng được tìm thấy, nằm dưới lớp kiến trúc công trình lăng mộ Võ Tánh do nhà Nguyễn xây dựng khi phá bỏ thành Hoàng đế. Nền móng công trình Điện bát Giác được xây bằng đá xanh theo hình bát giác, rộng khoảng 120 mét vuông. Điều cần lưu ý là công trình Điện Bát giác của nhà Tây Sơn hoàn toàn khác biệt với công trình Nhà Bát giác do nhà Nguyễn xây dựng sau khi phá bỏ Thành Hoàng đế, để tưởng niệm hai vị công thần nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu .

Trong lần khai quật trước, chúng tôi phát hiện thủy hồ phía tây Điện Bát Giác và lần này lại tiếp tục phát hiện thủy hồ phía đông Điện Bát giác. Đây là hai công trình có cùng mặt bằng kiến trúc, cùng kích thước, cùng hình dáng, cùng kỹ thuật xây dựng, được bố trí đối xứng qua điện Bát Giác - trái tim của vương triều Tây sơn. Có thể nói trong thời trị vì của Nguyễn Nhạc từ năm 1776 đến 1793 - một thời gian không dài, trong điều kiện suy thoái kinh tế, lại trong hoàn cảnh chiến tranh, rất hao tiền tốn của, thì việc xây dựng kinh đô với quy mô tương đối lớn và quy chuẩn đã chứng tỏ sự cố gắng của triều Tây Sơn trong việc xây dựng vương triều mới với dấu ấn văn hóa và mỹ thuật mới. Điều đó cho thấy kinh đô của Thái Đức Nguyễn Nhạc được quy hoạch theo chuẩn tắc kiến trúc cung đình. Phía sau Điện Bát Giác đến nay vẫn công trình hòn non bộ, với 2 cây cổ thụ sum suê tỏa bóng. Khu non bộ này là điểm giữa phân chia 2 khu vực: Chánh điện - là nơi làm việc của triều đình, hậu cung - là nơi sinh hoạt của hoàng gia. Việc Nguyễn Nhạc chọn nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Tây sơn làm nơi định đô của mình, cho thấy đây là nơi định đô xa nhất về phía Nam của người Việt. Thành Hoàng đế cũng là tòa thành lớn nhất trong các kinh đô ở Việt nam cho đến thời điểm ấy.  

 

Những mảnh gốm Chămpa có niên đại TK13, 14. được tìm thấy trong khu vực Thành Hoàng Đế.

 

* Phát hiện lớn nhất của cuộc khai quật lần này là gì, thưa Tiến sĩ?

- Tiến sĩ Lê Đình Phụng: Những ghi chép của lịch sử về Tử cấm thành của Thành Hoàng Đế đều tìm được dấu vết trong cuộc khai quật này, từ Cung Quyền Bổng, Điện Bát Giác, nhà làm việc của quan lại ở phía Nam, cho đến phần hậu cung ở phía Bắc, với các công trình dân dụng phục vụ cho hoàng gia … đều được phát lộ.

Trước đây, khi nghiên cứu Thành Hoàng Đế, một số nhà nghiên cứu cho rằng, quy mô của Tử cấm thành rất hẹp, chiều dài khoảng 137m, người ta cho rằng Tử cấm thành chỉ là khu vực phía Nam hòn non bộ. Còn trong đợt khảo sát lần này, chúng tôi đã phát hiện trong lòng đất của phần phía Bắc Tử cấm thành, tính từ hòn non bộ vẫn còn giữ nguyên nền móng của phần hậu cung. Do đó, chúng tôi tìm được mặt bằng tổng thể hoàn chỉnh của khu Tử cấm thành. Mà đặc biệt là chúng tôi tìm thấy góc bắc phía đông bắc Tử cấm thành, nơi kết thúc giới hạn tường phía Đông và phía Bắc của Tử cấm thành. Điều này cho thấy Tử cấm thành thực sự có diện tích lớn gần gấp đôi phần di tích mà chúng ta thìn thấy lâu nay, với chiều dài 237m. Cứ liệu này cũng giúp chúng ta xác định lại chính xác không gian Tử cấm thành trong hệ thống Thành Hoàng Đế - Đây là điều đáng kể nhất trong đợt khảo cổ lần này.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ dành cho chúng tôi buổi trò chuyện đầy bổ ích này!

  • Minh Châu (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những nỗ lực để các di sản “lên tiếng”  (22/11/2012)
Tu bổ, phục hồi di tích tháp Bình Lâm  (22/11/2012)
Những câu thơ tỏa hương  (22/11/2012)
Một di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy  (21/11/2012)
Thêm 21 ca khúc của Phạm Duy được phép phổ biến  (21/11/2012)
Dế mèn- 70 năm vẫn “điều độ” đi khắp thế giới  (21/11/2012)
Hoa quen trên đất lạ  (20/11/2012)
Ấn tượng về một thôn văn hóa  (19/11/2012)
Nét vẽ tri ân   (19/11/2012)
Tổ chức gameshow “Giờ thứ 9” tại huyện An Lão  (19/11/2012)
Mũ và gậy của Vua hề Chaplin đạt giá 62.500 USD  (19/11/2012)
Hội thi vẽ và triển lãm tranh thiếu nhi tỉnh Bình Định  (18/11/2012)
Lặng lẽ đóng góp  (17/11/2012)
Bụi phấn  (17/11/2012)
Ký họa về bà  (17/11/2012)