Khai quật khảo cổ di tích Thành hoàng đế lần thứ V:
Khẳng định tính vương triều của một công trình kiến trúc
19:29', 24/11/ 2012 (GMT+7)

Cuộc khai quật khảo cổ di tích Thành Hoàng Ðế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) lần thứ V, do Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh và Viện Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành từ ngày 3.10-3.12.2012. Kết quả khai quật đã mang lại nhiều nhận thức mới về khu vực Tử Cấm Thành, góp phần làm rõ tính vương triều của Thành Hoàng Ðế.

Thành Hoàng Đế đã được khai quật lần đầu tiên vào năm 2004. Kết quả khai quật của 4 lần trước là tiền đề quan trọng để tiến hành lần khai quật thứ 5, với mục đích tìm kiếm tư liệu chân xác phục vụ cho việc lập luận chứng, cơ sở khoa học để trùng tu, tôn tạo hạng mục di tích Tử Cấm Thành. Lần khai quật này được tiến hành ở 5 địa điểm thuộc vùng đất Tử Cấm Thành xưa với tổng diện tích khai quật 530m2.

 

Các hiện vật thu được từ cuộc khai quật Thành Hoàng Đế lần thứ V.

Tính vương triều của Thành Hoàng Đế

Qua quá trình khai quật, dấu vết của 4 góc không gian phần phía Bắc Tử Cấm Thành đã lộ rõ. Cứ liệu thu được cho phép các nhà khảo cổ khẳng định không gian Tử Cấm Thành có mặt bằng hình chữ nhật, dài 312m, rộng 126m. Tử Cấm Thành được chia thành 2 phần không đều nhau, có tường ngăn cách. Phần phía Nam dài 174m, rộng 126m, cửa chính mở về hướng Nam, trong lòng có các di tích được xây dựng từ thời Tây Sơn như điện Bát Giác, Thủy hồ trang trí, cung Quyền Bổng, các dãy nhà làm việc của quan lại thời Tây Sơn. Phần phía Bắc hẹp hơn, dài 138m, rộng 126m, trong vùng đất này còn dấu tích các nền cung cũ, nền hậu cung. Đây là không gian sinh hoạt của gia đình vua Thái Đức Nguyễn Nhạc.

Một kết quả đáng chú ý khác, cuộc khai quật đã làm rõ cấu trúc mặt bằng cùng hiện trạng Thủy hồ phía Đông trong lòng Tử Cấm Thành. Đây là công trình kiến trúc trang trí cung đình thời Tây Sơn, được xây dựng đăng đối với Thủy hồ phía Tây qua điện Bát Giác - trung tâm của Tử Cấm Thành trong lịch sử.

Bên cạnh đó, cuộc khai quật cũng đã thu được lượng hiện vật vô cùng phong phú với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Hiện vật xây dựng có thể kể đến gạch Champa, gạch ngói thời Tây Sơn, đá lát nền, gạch trang trí. Trong nhóm đồ gốm sứ, có 381 hiện vật thu được là các mảnh của nhiều loại hình đồ sứ Trung Hoa, 225 hiện vật từ các vật dụng gốm Champa, 32 hiện vật là mảnh sứ Celadon, ngoài ra còn có đồ sành, đồ gốm Việt. Cùng với đó là các hiện vật khác như đạn súng thần công, trâm cài tóc, tiền đồng... Trong số các hiện vật ấy, đáng chú ý loại ngói ống thời Tây Sơn được dùng để kết thúc diềm mái, có hoa văn trang trí sắc sảo.

Theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Trưởng Phòng Khảo cổ lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, chủ trì cuộc khai quật, chính sự hoàn chỉnh trong quy hoạch, sự phong phú của các chủng loại kiến trúc, tính đăng đối của các hạng mục công trình, cùng giá trị mỹ thuật cao của các vật liệu đã cho phép chúng ta nhìn nhận Thành Hoàng Đế như một công trình kiến trúc mang tính vương triều.

Cẩn trọng trong trùng tu, tôn tạo

Chính sự hoàn chỉnh trong quy hoạch, sự phong phú của các chủng loại kiến trúc, tính đăng đối của các hạng mục công trình, cùng giá trị mỹ thuật cao của các vật liệu đã cho phép chúng ta nhìn nhận Thành Hoàng Đế như một công trình kiến trúc mang tính vương triều

Cuộc khai quật đã mang lại đầy đủ tư liệu về không gian vùng đất Tử Cấm Thành. Đó là không gian lõi, hạt nhân của thành Hoàng Đế, nơi diễn ra các hoạt động của một vương triều trong lịch sử. Tiến sĩ Lê Đình Phụng khẳng định: “Với dấu tích hiện biết của Tử Cấm Thành, chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học để tiến hành bảo vệ, tôn tạo Tử Cấm Thành. Đặc biệt, nên tôn tạo lại toàn bộ hệ thống tường bao khuôn viên Tử Cấm Thành để thấy rõ không gian Hoàng cung của một vương triều trong lịch sử. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch nghiên cứu và bảo vệ, tôn tạo tổng thể khu di tích, biến nơi đây thành một di tích lịch sử văn hóa có giá trị”.

Theo các nhà khảo cổ, diện tích không gian của Tử Cấm Thành hiện thấy lớn gần gấp đôi so với nhận thức trước đây. Thực tế này cũng đặt ra những vấn đề mới trong công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Chúng tôi sẽ lập hồ sơ toàn bộ kết quả khai quật lần này báo cáo và mời Cục Di sản văn hóa, thuộc Bộ VH-TT&DL, về kiểm tra thực tế. Từ việc kiểm tra đó mới xem xét, điều chỉnh lại hồ sơ di tích, lên kế hoạch trùng tu, bảo vệ. Việc trùng tu chỉ thực hiện với phần tường bằng đá ong để góp phần bảo vệ Thành Hoàng Đế, các hạng mục khác thì rất khó, bởi chúng ta chỉ biết vị trí các công trình chứ chưa biết đặc điểm kiến trúc cụ thể của chúng”.  

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công đoàn ngành Y tế đoạt giải Nhất tập thể   (24/11/2012)
Nhiều phát hiện mới về Tử Cấm Thành  (23/11/2012)
9 đơn vị tham gia  (23/11/2012)
Xác định đúng không gian Tử cấm thành của vương triều Tây Sơn  (23/11/2012)
Những nỗ lực để các di sản “lên tiếng”  (22/11/2012)
Tu bổ, phục hồi di tích tháp Bình Lâm  (22/11/2012)
Những câu thơ tỏa hương  (22/11/2012)
Một di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy  (21/11/2012)
Thêm 21 ca khúc của Phạm Duy được phép phổ biến  (21/11/2012)
Dế mèn- 70 năm vẫn “điều độ” đi khắp thế giới  (21/11/2012)
Hoa quen trên đất lạ  (20/11/2012)
Ấn tượng về một thôn văn hóa  (19/11/2012)
Nét vẽ tri ân   (19/11/2012)
Tổ chức gameshow “Giờ thứ 9” tại huyện An Lão  (19/11/2012)
Mũ và gậy của Vua hề Chaplin đạt giá 62.500 USD  (19/11/2012)