Cây đèn đường và con phố của chúng tôi
7:39', 25/11/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của AZIT NEXIN (Thổ Nhĩ Kỳ)

Cư dân ở con phố của chúng tôi luôn ta thán rằng họ không sao hiểu nổi việc cứ bốn năm một lần phải đi bầu các tham nghị viên. Xin mọi người chớ nghĩ rằng chúng tôi đã có tham nghị viên để đại diện cho mình làm chủ mọi thứ ở đây. Làm gì có chuyện hay ho ấy… Cũng đừng cho rằng tham nghị viên chính là người của con phố chúng tôi cử ra. Đó là chuyện mơ giữa ban ngày mà thôi! Tham nghị viên căn bản không xuất thân từ con phố của chúng tôi, còn nếu có một người từ nơi khác lỡ bước đi vào đây thì ông ta sẽ không bao giờ trở ra được. Từ trước tới giờ xe ô tô chưa khi nào vào đây, tàu điện không có, xe lớn cũng không, ngay cả xe do lừa kéo cũng không vào được.

Anh đừng có mà cao hứng đi qua con phố của chúng tôi, bảo đảm với anh, ngay cả chiếc đồng hồ quả quít của anh cũng sẽ ngừng chạy. Một người văn minh sống tại một thành phố lớn chỉ cần nhìn thấy con phố của chúng tôi cũng khiến cho đầu óc ông ta trở nên trục trặc!

Nhưng chúng tôi thì hàng ngày vẫn phải đi lại trên con phố ngay cả xe lừa kéo cũng không đi được đó. Cánh đàn bà con gái kéo lê những đôi guốc gỗ lộc cộc; những đứa bé chân đất chạy nhảy lung tung. Có cách nào khác đâu, chúng tôi sinh sống ở ngay con phố này sao có thể không qua lại trên con đường ấy?

Có điều, dù cư dân trên con phố của chúng tôi chẳng hiểu trời cao đất dày là gì, song lại phải lo những chuyện thuộc về quốc gia đại sự. Rõ ràng là mọi người rất bất mãn về việc cứ bốn năm lại phải bầu tham nghị viên một lần.

- Các vị làm sao thế hả? Các vị có hiểu tuyển cử là thế nào không?

Tôi đã cố giải thích cho dân ở đây hiểu, nhưng xem ra chỉ vô ích mà thôi. Họ chẳng hiểu gì cả. Họ vẫn cho là mình thông minh nhưng thực ra là chẳng hiểu một chút đạo lý nào cả. Kể cũng lạ, hàng ngày họ vẫn thản nhiên qua lại trên con phố ngay cả xe lừa kéo cũng không qua được đó mà chẳng hề kêu ca phàn nàn gì.

- Thôi được! Nếu mọi người không tán thành bốn năm bầu tham nghị viên một lần thì tám năm bầu một lần vậy, được không? Tôi hỏi.

- Không! Phải tuyển cử nhiều lần hơn mới phải chứ! Mọi người nhao nhao trả lời.

- Thế thì hai năm một lần vậy nhé?

- Không đâu người anh em! Mỗi đêm ta nên bầu cử một lần!

- Ôi! Các vị điên hết rồi sao? Tôi thở hắt ra, hỏi.

Con phố mà chúng tôi đang nói đây thật là quái lạ: ai ai cũng đều mắc nợ! Chỗ này, chủ nhà đuổi khách trọ vì đến hạn mà không chịu trả tiền; chỗ kia, chủ nợ đập cửa những người thuê trọ đòi tiền. Trên các cánh cửa đầy những chỗ khắc bậy vẽ bậy, cho nên chẳng còn chỗ đâu để các ông bà chủ cửa hàng bán sữa bò, bán nước giải khát, bán bánh mì khắc các ký hiệu về những khoản nợ chưa đòi được. Dân ở đây phải thức dậy từ lúc trời chưa kịp sáng và làm việc quần quật để kiếm sống, mệt mỏi phát khiếp lên được. Từ trưa cho tới lúc đọc lời sám hối lần thứ ba trong ngày, đó là lúc mẹ đánh mắng con; khi màn đêm buông xuống, đó là thời gian cho những cuộc cãi vả, thậm chí đánh nhau giữa cánh đàn ông, kể cả đám đàn bà con gái. Từ khuya cho tới sáng là lúc các mụ vợ cãi nhau với người đàn ông của mình!

Nghe nói trên trái đất của chúng ta chiến tranh đã kết thúc, nhưng chuyện đó có can hệ gì đến chúng tôi? Chiến tranh ở con phố của chúng tôi vẫn đang tiếp diễn.

Có thể khái quát một câu là: Cư dân trên con phố của chúng tôi có không biết bao nhiêu là chuyện để u sầu, bi thương, chán nản… khiến cho ai ai cũng như phát điên lên.

Tôi cố thuyết phục cư dân ở đây lần nữa:

- Hỡi các công dân khả kính. Chuyện bầu cử tham nghị viên là chuyện quốc gia đại sự, đâu phải chuyện đùa, làm sao có thể mỗi đêm bầu một lần được?

Không ngờ, vấn đề căn bản không phải là ở chỗ đó. Nó ở chỗ khác cơ!

Trên con phố của chúng tôi có một cây đèn đường. Không giấu gì các bạn, cây đèn ấy là hữu danh vô thực, bởi nó không còn bóng, không có chao đèn, không có cả cổ đèn nữa! Tóm lại, ở đây chỉ còn độc một cây trụ sắt, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi nó là cây đèn đường.

Dân ở phố tôi từ lâu đã quên mất một chân lý giản đơn rằng, đèn đường là phải chiếu sáng con đường. Dù sao, cái trụ sắt trơ trọi kia cũng là thứ tô điểm phần nào cho con phố nghèo nàn của chúng tôi. Chính cái trụ sắt ấy lại là nơi lý tưởng cho tụi trẻ con thích thú đuổi nhau chạy vòng quanh. Lúc khác, khi thấy chim bay tới đậu trên đầu trụ sắt thì chúng lại thi nhau giương ná lên mà bắn.

Vậy, trụ đèn đường này ai đã dựng nên? Một nhà từ thiện? Một tổ chức từ thiện hay là Nhà nước? Hoặc giả là chính quyền địa phương? Chúng tôi không ai biết cả. Thế nó có từ lúc nào? Tại sao lại có? Thực ra, biết những thứ này để làm gì chứ? Chúng tôi chỉ nghe các cụ già “cổ lai hi” kể lại, ngọn đèn này khi Leisadest đăng quang có sáng một lần. Về sau, khi công bố Hiến pháp, đèn sáng được một hai đêm. Thế nhưng, ngay cả khi thành lập nước cộng hòa, đèn có sáng không, đến nay vẫn còn là một câu đố. Có người nói có, có người lại nói không, chẳng biết ai đúng ai sai.

Một vấn đề đặt ra là, chuyện cây đèn đường và việc bầu cử tham nghị viên có liên quan gì với nhau? Một ông già bộc trực và mau miệng giải thích:

- Mọi người có nhớ lần tuyển cử gần đây nhất không? Trong ngày bầu cử đó, cây đèn đường của chúng ta được lắp bóng, chao, cổ đèn mới và đêm đó nó được thắp sáng bằng khí than. Con phố của chúng ta tức thời náo nhiệt hẳn lên! Thế nhưng, qua đêm hôm sau và cho mãi đến bây giờ đèn vẫn không sáng thêm lần nào nữa!

Cám ơn Thượng đế, đến lúc này thì tôi đã rõ. Tôi hiểu vì sao dân phố này hy vọng đêm nào cũng có bầu cử. Thật lòng mà nói, tôi cũng rất đồng tình với ý nguyện của cư dân nơi đây!    

  • TRÀ LY (dịch từ bản Trung văn của Thân Dậu)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thả khói đốt đồng   (24/11/2012)
Khẳng định tính vương triều của một công trình kiến trúc  (24/11/2012)
Công đoàn ngành Y tế đoạt giải Nhất tập thể   (24/11/2012)
Nhiều phát hiện mới về Tử Cấm Thành  (23/11/2012)
9 đơn vị tham gia  (23/11/2012)
Xác định đúng không gian Tử cấm thành của vương triều Tây Sơn  (23/11/2012)
Những nỗ lực để các di sản “lên tiếng”  (22/11/2012)
Tu bổ, phục hồi di tích tháp Bình Lâm  (22/11/2012)
Những câu thơ tỏa hương  (22/11/2012)
Một di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy  (21/11/2012)
Thêm 21 ca khúc của Phạm Duy được phép phổ biến  (21/11/2012)
Dế mèn- 70 năm vẫn “điều độ” đi khắp thế giới  (21/11/2012)
Hoa quen trên đất lạ  (20/11/2012)
Ấn tượng về một thôn văn hóa  (19/11/2012)
Nét vẽ tri ân   (19/11/2012)