Tuy Phước là địa phương đầu tiên trong tỉnh sáp nhập 25 đài truyền thanh hợp tác xã thành 13 đài truyền thanh xã, thị trấn. Từ đó, mạng lưới truyền thanh từ huyện đến cơ sở được thống nhất quản lý, nâng cao nội dung tuyên truyền.
Từ tháng 3.2009, Huyện ủy Tuy Phước đã ban hành Đề án 02 về “Củng cố và phát triển ngành truyền thanh huyện giai đoạn 2009-2010 và đến 2012”. Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư theo Đề án 02 đã lên đến 1,1 tỉ đồng, tập trung cho việc tu sửa nâng cấp trang thiết bị máy móc cho hệ thống đài truyền thanh của 8 xã, thị trấn. Riêng đài truyền thanh 5 xã: Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Thuận, Phước Thắng và thị trấn Diêu Trì được đầu tư chuyển đổi công nghệ từ truyền thanh hữu tuyến sang vô tuyến, sử dụng công nghệ phát sóng FM và bộ thu kỹ thuật số. Qua đó, nâng tổng số đài truyền thanh không dây của huyện từ 8 xã năm 2008 đến nay lên 13/13 xã, thị trấn.
|
Cán bộ kỹ thuật Đài Truyền thanh huyện Tuy Phước đang thực hiện thu phát chương trình. |
Nhờ đó, tỉ lệ người dân nghe đài 4 cấp trên địa bàn huyện Tuy Phước tăng từ 70% (năm 2009) lên 85% (năm 2012). Riêng tỉ lệ dân nghe đài ở 8 xã, thị trấn được đầu tư theo Đề án 02 đạt 85% trở lên. Nhiều khu dân cư ở xa như Cồn chim (Phước Sơn); Huỳnh Giản Nam, Huỳnh Giản Bắc (Phước Hòa); Đông Điền (Phước Thắng) được tiếp cận thông tin qua đài nhờ hệ thống truyền thanh không dây.
Đặc biệt, cùng với vốn đầu tư của huyện và xã, Dự án Giảm nhẹ thiên tai thảm họa của Chính phủ Na Uy cũng đã hỗ trợ 75 triệu đồng cho Đài truyền thanh Phước Thắng và hơn 35 triệu đồng cho Đài truyền thanh Phước Hòa đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh địa phương. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở xã, thị trấn, từ năm 2009 đến nay, Tuy Phước đã đầu tư gần 200 triệu đồng trang bị một máy camera và bộ dựng hình phi tuyến cho Đài Truyền thanh huyện.
Đi đôi với việc đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến xã, thị trấn, hơn 3 năm qua, đội ngũ cán bộ đài truyền thanh cơ sở từng bước củng cố về số lượng, chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ đài có chuyển biến, chú trọng nâng cao chất lượng tác nghiệp, đổi mới chương trình thời sự và chuyên đề ở địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân.
Dù vậy, tỉ̉ lệ người dân được nghe đài vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Một số hạn chế khác, như: thiếu trang thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ đài truyền thanh cơ sở chưa đạt yêu cầu, việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ đài chưa đồng bộ…
Trước tình hình trên, Huyện ủy Tuy Phước quyết định tiếp tục triển khai Đề án 02 về “Củng cố và phát triển ngành truyền thanh huyện giai đoạn 2012-2015”. Theo đó, tiếp tục đầu tư theo hướng hoàn thiện từng bước cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các đài truyền thanh xã, thị trấn. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 1.005 xóm có loa phát thanh và từ 90% dân số trở lên được nghe đài 4 cấp. Trước mắt, UBND huyện sẽ hỗ trợ 50% kinh phí nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cho 5 xã, thị trấn: Tuy Phước, Phước Lộc, Phước Quang, Phước Sơn, Phước An. Riêng Đài truyền thanh huyện Tuy Phước sẽ đầu tư nâng công suất máy phát sóng lên 500W, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ phát thanh, truyền hình.
|