Hiện nay, tại nhiều bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống trong tỉnh lưu giữ nhiều hiện vật quý. Ẩn đằng sau những hiện vật đó là sự tâm huyết, tận tụy đóng góp của những cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật.
Phòng Nghiên cứu sưu tầm ở Bảo tàng Tổng hợp (BTTH) tỉnh hiện có 6 cán bộ đều có trình độ chuyên môn tốt và giàu tâm huyết cống hiến. Để có hiện vật bổ sung thường xuyên cho bảo tàng, các cán bộ Phòng nghiên cứu sưu tầm đã lặn lội đi khảo sát thực tế, nghiên cứu tài liệu để có thể đề xuất 2 mảng đề tài sưu tầm hiện vật phù hợp với điều kiện của đơn vị.
|
Hiện vật sưu tầm về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng gây xúc động cho người xem. |
Thầm lặng cống hiến
Ông Bùi Tĩnh, Trưởng Phòng Nghiên cứu sưu tầm, BTTH tỉnh, cho biết: “Ngoài việc kinh phí sưu tầm hiện vật còn ít, những người làm công tác sưu tầm hiện vật còn phải đối mặt với nhiều trường hợp hiện vật nặng giá trị tinh thần gắn với truyền thống của một dòng họ, người thân trong gia đình đã mất đi… Điều này đòi hỏi người sưu tầm phải có sự gần gũi, kiên trì vận động để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc cung cấp hiện vật cho bảo tàng. Nhiều lúc từ khi phát hiện được hiện vật đến khi đem được về bảo tàng chúng tôi phải đi lại hàng chục lần để thuyết phục”.
Ông Tĩnh nói thêm, trong một số trường hợp phát hiện hiện vật có giá trị trong nhân dân, những người làm công tác sưu tầm BTTH tỉnh cũng kịp thời đề xuất lên Sở VH-TT&DL xem xét cấp thêm nguồn kinh phí hợp lý để mua hiện vật, không để thất thoát khỏi địa phương.
Vất vả là vậy, nên ngoài việc phải nắm vững chuyên môn, còn đòi hỏi ở người làm công tác sưu tầm sự tâm huyết với công việc. Trải qua 30 năm gắn bó với nghề, ông Võ Bá Thắng, cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm hiện vật, còn nhớ những kỷ niệm: “Khi chưa có xe máy, chuyện phải đạp xe hàng trăm cây số đi sưu tầm hiện vật khắp nơi trong tỉnh là bình thường. 4 chiếc xe đạp đã bị mục gãy khung phải bỏ lại cơ quan, còn xe honda thì cũng thường xuyên “trở chứng” vì cày đường liên tục. Thời bao cấp còn khó khăn, đi công tác xa nhiều ngày có lúc áo bị mục rách, không có áo thay nên dù trời nắng vẫn phải trùm áo mưa ở ngoài để đến nhà dân”.
Đồng cảm và chia sẻ
Những người làm công tác sưu tầm hiện vật đều có chung chia sẻ, muốn làm tốt công việc phải có tâm hồn đồng cảm, chia sẻ với những hiện vật sâu sắc kỷ niệm đối với chủ sở hữu. Ông Võ Bá Thắng chia sẻ: “Nhiều khách đến tham quan bắt gặp những hiện vật đơn sơ nhưng gần gũi như chiếc võng, chiếc đèn dầu mỗi đêm các bà mẹ thắp lên tia hy vọng ngóng tin chồng, con của một thời chiến tranh ác liệt đã rơi nước mắt. Những lúc ấy, chúng tôi càng thấy trách nhiệm lớn lao”.
Không chỉ sưu tầm hiện vật phục vụ cho hoạt động trưng bày tại đơn vị, những người làm công tác sưu tầm ở BTTH tỉnh còn trợ giúp đi sưu tầm hiện vật để trưng bày cho các nhà lưu niệm, nhà truyền thống ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Chỉ tính riêng trong năm nay, BTTH tỉnh đã tổ chức sưu tầm gần 50 hiện vật, trong đó có 25 hiện vật liên quan đến võ cổ truyền Bình Ðịnh, 17 hiện vật gốm và 5 hiện vật các loại. Còn suốt trong mấy chục năm qua, đã có rất nhiều hiện vật có giá trị được sưu tầm về BTTH tỉnh, đóng góp hiệu quả cho việc trưng bày hiện vật ở Bảo tàng thêm đa dạng, thu hút khách tham quan. |
Đợt sưu tầm hiện vật cho Nhà lưu niệm Chi bộ Đề pô Diêu Trì (khánh thành cuối tháng 8.2012) có nhiều điều đáng nhớ bởi những người tham gia sáng lập, cống hiến cho Chi bộ phần lớn đều ở miền Bắc. Lần ấy, bà Nguyễn Thị Huyền Mai, Phó Giám đốc BTTH tỉnh cùng một cán bộ nghiệp vụ lên đường dựa theo những thông tin chung chung về quê hương của họ. Sau gần nửa tháng lần tìm khắp các nơi từ Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình vào đến Đà Nẵng, Quảng Nam, các cán bộ BTTH tỉnh đã gặp được một số người thân của các nhân vật lịch sử để sưu tầm một số hiện vật. Nhưng, cũng có trường hợp lặn lội cả ngày đi tìm, nhưng chỉ thu được thông tin về nhân vật qua vài dòng giới thiệu trong gia phả của dòng họ.
“Nhớ nhất là lần chúng tôi tìm đến gia đình ông Kiều Ngọc Cương, ở xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Cương là một trong những người đầu tiên có nhiều đóng góp công sức xây dựng Chi bộ Đề pô Diêu Trì, nhưng khi về lại quê hương bị mang tiếng là đi làm cho Tây. Khi gặp chúng tôi, con trai của ông đã khóc nức nở khi cha mình đã được minh oan. Ngày khánh thành Chi bộ Đề pô Diêu Trì, gần 20 người con, cháu của ông Cương từ khắp nơi về dự, xúc động khi thấy hình ảnh, hiện vật của cha ông mình đã được trưng bày trang trọng”, bà Nguyễn Thị Huyền Mai tâm sự. Không dừng lại ở việc sưu tầm hiện vật, những người làm công tác sưu tầm cũng đã tìm gặp Bí thư Đảng ủy xã Lê Hồ cung cấp tài liệu, đề nghị Huyện ủy Tuy Phước chứng nhận, để có chế độ đối với ông Kiều Ngọc Cương, sau nhiều năm ông mất đi trong thầm lặng.
|