Gìn giữ cho muôn đời sau
20:36', 29/11/ 2012 (GMT+7)

Ngày 5.12 tới, huyện An Lão sẽ khai mạc Liên hoan (LH) cồng chiêng - nhạc cụ dân tộc và hát dân ca toàn huyện lần thứ I năm 2012. Đây là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 48 năm Chiến thắng huyện An Lão (7.12.1964 – 7.12.2012); đồng thời là nỗ lực bảo tồn và phát huy những nét văn hóa dân gian độc đáo trong cộng đồng người Kinh, H’re, Bana sinh sống trên địa bàn huyện.

 

Các nghệ nhân ở thôn 2, xã An Vinh đang tập diễn tấu chiêng 3.

 

Những ngày cuối tháng 11 này, đi đến đâu ở huyện An Lão cũng nghe vang vọng tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tốc chinh xen lẫn những lời ca, điệu hát ca lêu, ca choi của đồng bào chuẩn bị cho LH. Anh Đinh Văn Cung, Chủ tịch UBND xã An Vinh, cho biết: “An Vinh là địa phương có đông người H’re sinh sống, hay tin huyện tổ chức LH, bà con rất phấn khởi. Nhiều ngày qua, dưới sự chỉ dẫn của các nghệ nhân, bà con hăng say tập luyện với mong muốn mang đến LH tất cả những nét văn hóa dân gian đặc sắc nhất của đồng bào mình. Lâu nay, huyện rất quan tâm và thường xuyên nhắc nhở bà con nỗ lực bảo tồn và phát huy nét văn hóa dân gian. Dân làng cũng ý thức tốt việc này, nhất là lớp trẻ. Nhưng tổ chức được một LH như thế này, bà con có cơ hội giao lưu, trình diễn, chắc chắn ý nghĩa tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong dân làng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Tại LH lần đầu tiên này, An Lão đặc biệt chú trọng đến việc khuyến khích các nghệ nhân tìm tòi, phục chế và sử dụng những loại nhạc cụ truyền thống có nguy cơ mai một và thất truyền, chẳng hạn như: loại nhạc cụ sử dụng sự cộng hưởng từ tiếng vỗ tay của người chơi được gọi là vin vút. Ngoài ra, Ban tổ chức còn khuyến khích các xã “trẻ hóa” dàn diễn viên biểu diễn nhạc cụ hoặc tham gia hát các làn điệu dân ca. Chị Đinh Thị Tâm ở xã An Trung chia sẻ: “Tôi sống và làm việc ở xa, nhưng biết huyện tổ chức LH cồng chiêng - nhạc cụ dân tộc và hát dân ca, tôi liền về làng đăng ký tham gia. Tôi có sở trường về hát dân ca, từng đoạt giải Nhất tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi cấp tỉnh, nên lần này, tôi sẽ tiếp tục phát huy sở trường, góp phần lan tỏa phong trào hát dân ca tại LH”.

Ông Bùi Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão, thành viên Ban tổ chức LH, cho biết: “LH là hoạt động được đề ra từ đầu năm 2012. Nguồn kinh phí thực hiện cũng đã rót về các xã từ đầu năm, dù khá eo hẹp nhưng bà con rất hăng hái và hồ hởi tham gia tập luyện để đem đến LH những “đặc sản” của địa phương”.

Rút kinh nghiệm từ một số hoạt động văn hóa trước đây trên địa bàn huyện chỉ tổ chức trong hội trường và công diễn cũng tại hội trường, nên hiệu quả xã hội và sự lan tỏa không được như mong muốn, Ban tổ chức LH lần này bổ sung chương trình giao lưu giữa nghệ nhân, diễn viên với học sinh Trường THPT số 2 huyện An Lão- nơi có đông con em đồng bào H’re, Bana học tập và ở nội trú - vào tối 6.12. Nhiều nghệ nhân tỏ ra “ưng cái bụng” vì chương trình giao lưu này không chỉ hứa hẹn tạo ra một không gian diễn tấu cồng chiêng đầy ý nghĩa, mà còn giúp lớp trẻ đồng bào Bana, H’re có thêm một cơ hội tiếp xúc với những nét văn hóa dân gian đậm chất truyền thống, để hiểu và cảm thụ những nét đẹp văn hóa của cha ông, thông qua đó kế thừa, phát huy, góp phần gìn giữ những nét văn hóa tinh túy của dân tộc mình cho muôn đời sau.

Tham gia LH có gần 300 diễn viên, nghệ nhân đến từ 10 xã, thị trấn trong huyện. Mỗi đơn vị sẽ biểu diễn khoảng 30-35 phút, nếu có tiểu phẩm thì không quá 40 phút. Đối với các xã đồng bằng không bắt buộc diễn tấu cồng chiêng, còn các xã miền núi không bắt buộc dàn dựng tiểu phẩm dân ca.

  • CÔNG TÂM
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Klol Pok xây dựng làng văn hóa  (28/11/2012)
Những đóng góp thầm lặng  (28/11/2012)
Body painting chưa dám ra triển lãm  (28/11/2012)
Tục thờ “Cá Ông” tại Lý Sơn trong mắt phương Tây  (27/11/2012)
Hiệu quả thiết thực từ một đề án  (26/11/2012)
Ðể thêm nhiều ý nghĩa hơn  (26/11/2012)
Khai mạc LHP quốc tế Hà Nội - Kỳ vọng dấu ấn riêng  (26/11/2012)
Bảo tồn di sản nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc  (25/11/2012)
Cây đèn đường và con phố của chúng tôi  (25/11/2012)
Thả khói đốt đồng   (24/11/2012)
Khẳng định tính vương triều của một công trình kiến trúc  (24/11/2012)
Công đoàn ngành Y tế đoạt giải Nhất tập thể   (24/11/2012)
Nhiều phát hiện mới về Tử Cấm Thành  (23/11/2012)
9 đơn vị tham gia  (23/11/2012)
Xác định đúng không gian Tử cấm thành của vương triều Tây Sơn  (23/11/2012)