"Làn sóng Hàn" sẽ chảy về đâu?
19:9', 1/12/ 2012 (GMT+7)

Đại nhạc hội giao lưu âm nhạc trẻ Việt - Hàn mang tên: K-pop Festival 2012 vừa qua (29.11) tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã để lại nhiều dư âm khác nhau trong lòng công chúng Thủ đô. Và "hiện tượng" này cũng thể hiện ý thức rất cao của người Hàn Quốc trong việc "xuất khẩu văn hóa" Hàn tới các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Và mức độ ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới Việt Nam trong những năm vừa qua và những năm tiếp theo vẫn là điều đáng lưu tâm. Để làm rõ vấn đề này, TT&VH có cuộc trao đổi với TS Lý Xuân Chung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Việt Nam.

 
TS Lý Xuân Chung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Việt Nam.

Tôn sùng thần tượng không phải là cách tiếp cận văn hóa

* Ông nghĩ sao về tác động của chính phủ Hàn Quốc tới "Làn sóng Hàn" (Hallyu) hiện nay?

- Mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc là đưa nền văn hóa Hàn tới khắp nơi nên họ đã xây dựng cả một chiến lược quảng bá văn hóa. Và điều này được giới nghệ sỹ cũng như kiều bào ở nước ngoài của Hàn Quốc rất hưởng ứng. Và họ đã thực hiện rất tốt công việc trong từng giai đoạn của chiến lược quảng bá này.

Hơn nữa, ngay từ khi bước vào công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã ý thức rất cao việc "xuất khẩu văn hóa". Họ sớm chú tâm đào tạo và nâng niu sự sáng tạo của lớp nghệ sỹ trẻ. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị nghiêm túc trong truyền hình, đào tạo nghệ sỹ, quảng bá… Thậm chí, họ nghiên cứu, tìm chọn những "thị trường" thích hợp để ưu tiên quảng bá trước. Và họ đã chọn: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… những nơi có nền văn hóa tương đồng để làm "bàn đạp" quảng bá văn hóa Hàn Quốc tới toàn châu Á và thế giới.

* Ở Nhật, thậm chí còn có cả những cuộc phản đối rầm rộ yêu cầu Đài truyền hình ngừng chiếu phim Hàn Quốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Việc tôn sùng thần tượng ở Nhật Bản tới mức rất cao. Chạy theo lợi nhuận, các đài truyền hình, hãng truyền thông Nhật chiếu phim và quảng bá văn hóa Hàn rất rầm rộ. Điều này khiến người dân Nhật cảm tưởng như họ đang sống ở Hàn Quốc chứ không phải quốc gia mình. Nên sau đó, nhiều người Nhật đã biểu tình yêu cầu truyền hình không chiếu phim Hàn, không cổ súy cho văn hóa Hàn.

Còn ở Việt Nam, "Làn sóng Hàn" chưa mạnh như Nhật Bản nên không có những phản ứng gay gắt đến vậy.  

* Có nhiều người quan ngại rằng nếu không ra tay ngăn cản, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ người Việt mang cốt cách Hàn?

- Cần phân biệt rõ hai khái niệm: tôn sùng thần tượng Hàn Quốc và tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc.

Một bộ phận giới trẻ tôn sùng thần tượng Hàn Quốc thái quá không thể coi đó là cách tiếp cận văn hóa Hàn Quốc của Việt Nam. Còn tiếp cận văn hóa là tiếp cận cách ứng xử, thời trang, điệu bộ, lối sống… Và tôi thấy, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta tiếp cận văn hóa Hàn Quốc vẫn rất ổn.

 
Giới trẻ hâm mộ sao Hàn tại Đại nhạc hội Kpop 2012

Sau Kpop là ẩm thực Hàn?

* Suốt từ quá trình văn hóa Hàn Quốc xâm nhập vào Việt Nam tới nay, ông thấy cách tiếp cận của giới trẻ Việt với văn hóa này như nào?

- Hơn 10 năm vào Việt Nam, những bộ phim Hàn Quốc không chỉ dành cho giới trẻ mà tất cả mọi người. Và chúng ta tiếp nhận sâu sắc tính nhân văn trong những bộ phim Hàn. Đó là: con người yêu thương nhau, anh em trong một gia đình chia sẻ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn…

Sau đó, khi âm nhạc Hàn Quốc nổi lên, các bạn trẻ đó nhận khá nồng nhiệt. Đây cũng không phải là những biểu hiện xấu. Vấn đề tiêu cực chỉ là việc hâm mộ thái quá dẫn tới lố bịch của một bộ phận người trẻ.

* Theo dự đoán của ông, trong tương lai, liệu "Làn sóng Hàn" có còn "làm mưa làm gió" ở Việt Nam và trên thế giới?

- Báo giới đang nhận định "Làn sóng Hàn" đến nay là thoái trào và dần sẽ đi tới tàn lụi. Nhưng tôi không tán thành ý kiến đó. Theo tôi, làn sóng văn hóa Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục phát triển ở những hình thức khác nhau.

* Vậy theo ông, chúng ta có thể học hỏi điều gì từ việc "xuất khẩu văn hóa" của Hàn Quốc?

- "Làn sóng Hàn" phát triển theo 3 giai đoạn chính: phim truyền hình, âm nhạc và ẩm thực. Sau họ có phát triển thêm các bước khác như: phim hoạt hình, game và văn học…

Vì mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau và trên sự tiếp thu đó ta phải có sự sáng tạo. Ví như Hàn Quốc đi từ phim truyền hình tới âm nhạc đại chúng rồi tới ẩm thực và một số bước sau nữa. Nhưng ở Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt lại rất mạnh và đã được các quốc gia trên thế giới ghi nhận (kể cả Hàn Quốc). Cụ thể, ở Soul có rất nhiều quán phở Việt. Và người Hàn cũng rất thích ăn phở, nem Việt Nam.

Nên theo quan điểm của tôi, ta nên bắt đầu quảng bá từ văn hóa ẩm thực, chứ không phải phim truyền hình hay nhạc pop Việt Nam (Vpop).

. Theo Thethaovanhoa.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam được trao 2 giải thưởng tại LHP quốc tế Hà Nội  (30/11/2012)
50.000 người sôi động trong đêm nhạc “K-pop Festival 2012”  (30/11/2012)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (29/11/2012)
Klol Pok xây dựng làng văn hóa  (28/11/2012)
Những đóng góp thầm lặng  (28/11/2012)
Body painting chưa dám ra triển lãm  (28/11/2012)
Tục thờ “Cá Ông” tại Lý Sơn trong mắt phương Tây  (27/11/2012)
Hiệu quả thiết thực từ một đề án  (26/11/2012)
Ðể thêm nhiều ý nghĩa hơn  (26/11/2012)
Khai mạc LHP quốc tế Hà Nội - Kỳ vọng dấu ấn riêng  (26/11/2012)
Bảo tồn di sản nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc  (25/11/2012)
Cây đèn đường và con phố của chúng tôi  (25/11/2012)
Thả khói đốt đồng   (24/11/2012)
Khẳng định tính vương triều của một công trình kiến trúc  (24/11/2012)
Công đoàn ngành Y tế đoạt giải Nhất tập thể   (24/11/2012)