Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, khoa Ngữ văn của Trường Đại học Quy Nhơn đã thành lập CLB văn nghệ trẻ và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thực tế điền dã, giao lưu thi ca… để bồi đắp tâm hồn văn chương cho những giáo sinh.
|
Sinh viên khoa Ngữ văn với cuộc thi Ấn tượng văn khoa.
|
Đất lành
Để góp phần làm đời sống học tập của sinh viên thêm sinh động, hiệu quả, khoa Ngữ văn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu với sinh viên trường bạn và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đặc biệt, CLB văn nghệ trẻ của khoa được thành lập, hoạt động hiệu quả đã góp phần bồi đắp, phát huy năng khiếu thơ ca của sinh viên. Nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân, Chi hội phó Chi hội Văn học, thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật (vh-nt) tỉnh, nhận xét: “Nhờ quan tâm thường xuyên đến việc gầy dựng phong trào, bồi dưỡng năng khiếu văn chương của sinh viên thông qua các sinh hoạt thơ ca thường kỳ, các cuộc thi sáng tác... khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn giới thiệu được nhiều cây bút tài năng về văn chương. Nhiều cây bút sinh viên của khoa trở thành lực lượng nòng cốt của CLB sáng tác trẻ, Hội VH-NT tỉnh”.
Tiếp bước những thế hệ đi trước, những cây bút trẻ Đặng Thiên Sơn, Khổng Vĩnh An Vi, Hoàng Thanh Hải, Lê Xuân Thọ, Lê Văn Đồng, Phạm Nguyên Chi… đã và đang gây được sự chú ý về tiềm năng sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Bình Định số ra tháng 11.2012, đã giới thiệu về những tác phẩm của cây bút mới Tiểu Mục Đồng (tên thật là Lê Văn Đồng, sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn khóa 34), với lời nhận xét của nhà văn Lê Hoài Lương: “Đọc thơ Đồng, tôi thật ngạc nhiên về độ cảm, về những suy tư, về cách thể hiện. Nó thật chững chạc, và riêng. Cứ nghi hoặc ngó lại chàng trai nhỏ rụt rè mới tin đó là thơ của một sinh viên”. Còn Lê Văn Đồng tâm sự: “Được các thầy cô tận tâm giảng dạy, lại được hòa mình trong phong trào sáng tác văn thơ tiếp sức qua nhiều thế hệ, tôi đã học hỏi được nhiều để có những sự trưởng thành trong sáng tác”.
|
Sinh viên khóa 31 của khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn, đi sưu tầm văn nghệ dân gian ở Cẩm Châu (Hội An, tỉnh Quảng Nam).
|
“Nhặt vàng” trong dân gian
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, khoa Ngữ văn đã chú trọng tổ chức cho sinh viên đi thực tế điền dã sưu tầm văn học dân gian. Thầy Nguyễn Xuân Nhân, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, nhớ lại: “Tôi đã tổ chức cho các em sinh viên khóa đầu tiên đi sưu tầm văn học dân gian ở vùng Tây Sơn thượng đạo, hạ đạo. Nhiều năm sau đó, tiếp tục cho sinh viên mở rộng sưu tầm ở các huyện khác trong tỉnh. Đời sống kinh tế khi ấy còn khó khăn, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ một phần. Nhờ sự yêu thương của người dân địa phương lo cho chỗ ở, cung cấp thực phẩm, thầy trò chúng tôi mới có thể hoàn thành tốt việc sưu tầm, thu được số lượng tác phẩm văn học dân gian phong phú như truyền thuyết, giai thoại lịch sử, bài chòi, tuồng cổ dân gian…”.
Sau khi nghỉ hưu, thầy Nguyễn Xuân Nhân tiếp tục có nhiều cống hiến cho hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian tỉnh nhà. Các tác phẩm Văn học dân gian Tây Sơn, Chuyện cổ thành Đồ Bàn, Những ngôi sao nhà Tây Sơn, được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân hoàn thành từ sự điều tra, chỉnh lý, biên tập lại dựa trên những tư liệu sưu tầm trước đó của sinh viên khoa Ngữ văn.
|
Các lưu học sinh Lào của khoa Ngữ văn biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày 20.11.
|
Năm 1984, khoa Ngữ văn đã tổ chức thành công Hội nghị Văn học dân gian miền Trung lần II. Đã thành truyền thống, những năm qua, khoa Ngữ văn đều tổ chức cho sinh viên đi thực tế điền dã sưu tầm văn học dân gian tại các tỉnh Nam Trung bộ. Thạc sĩ Trần Xuân Toàn, Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, cho biết: “Công tác sưu tầm văn học dân gian rất quan trọng trong việc tìm hiểu văn học dân gian của Việt Nam nói chung và văn học dân gian địa phương nói riêng. Nó giúp củng cố, mở rộng và đào sâu những kiến thức của sinh viên về văn học dân gian đã được thu nhận, để rèn luyện những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản của nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm văn nghệ dân gian”.
Trên cơ sở khối tư liệu lớn đã sưu tầm được, khoa Ngữ văn đã thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đang tiến hành biên soạn để công bố trong thời gian tới. Riêng thầy Trần Xuân Toàn, hiện là Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian tỉnh Bình Định, đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu văn nghệ dân gian như Một số phương pháp điền dã sưu tầm văn học dân gian, Vè Chàng Lía…
Được thành lập năm 1977, khoa Ngữ văn là một trong những khoa đầu tiên của Trường Đại học Quy Nhơn. 35 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa hiện có 28 cán bộ, giảng viên, trong đó có 8 tiến sĩ, 16 thạc sĩ (có 5 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Tiến sĩ Nguyễn Văn Đấu, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, chúng tôi luôn chú trọng các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy và các hoạt động nghiệp vụ. Các giảng viên thường xuyên tham gia bồi dưỡng hè cho giáo viên THPT ở một số tỉnh, thành trong khu vực, tham gia nhiều hội nghị khoa học chuyên ngành”. |
|