* Truyện ngắn của MỘC ANH
Không như mọi người ở phố núi này, Hạnh có thói quen ăn cơm tối xong sẽ không ra khỏi nhà nữa. Cô chăm chú vẽ tranh truyện cho đến tận giờ đi ngủ. Có lẽ vì vậy, những buổi chiều tản bộ thường rất sớm và kéo dài ít nhất vài tiếng. Hạnh thích đi chầm chậm dọc theo những lùm cây dại um tùm của con đường phía sau bờ sông. Con đường nhỏ nhưng rất sạch, bóng mát của những cây cổ thụ lá kim khiến bất cứ ai cũng dễ bị xiêu lòng. Hạnh thường mang theo một cuốn sách, khi nghỉ mệt có thể tựa lưng dưới bóng mát vắng người và đọc trong yên tĩnh. Những ai chưa từng đọc sách ngoài trời sẽ không thể biết rằng nó thực sự tuyệt vời như thế nào.
Một lần đang say sưa đọc dưới gốc phi lao già, Hạnh giật mình bởi tiếng còi xe tinh nghịch. Từ buồng lái chiếc xe tải nhỏ, Hưng nhảy xuống, với một chùm dâu da trĩu nặng trên tay “Tôi cho Hạnh này”. Hạnh nheo mắt “Anh làm gì ở đây?”. “Tôi đi lấy cây giống hoa cho công ty?”, Hưng ngượng ngùng trả lời. “À! Ra anh chuyển ngạch rồi à?”. Sự tinh nghịch của Hạnh không làm Hưng bối rối như cô đã nghĩ. “Hạnh nghĩ sao? Có hợp với dáng tôi không?”. Hạnh cười ngất, với tay kéo mạnh cánh cửa buồng lái, cửa giật mở làm cô chúi về đằng sau, may mà có Hưng và Hạnh ngã nhào vào đôi tay anh.
* *
*
Mới đó mà Hạnh đã ở đây được ba tháng. Tính cả thời gian ở Nha Trang với gia đình dì là đã tròn nửa năm. Còn nhớ hôm nào lên tàu cùng Dung - em con cậu, cô bé có đôi chân dài miên man và hầu như ngủ suốt cuộc hành trình gần nghìn cây số. Ngày ấy, Hạnh cũng mang theo sách để đọc, nhưng không tài nào tập trung nổi. Ký ức về thời thơ ấu với những lần xuôi ngược vào Nha Trang bỗng lần lượt hiện về như mới vừa qua.
Đến tuổi cập kê, ai cũng bảo tướng dì Huyên cao số. Mang nỗi mặc cảm ấy, dì vào Nam làm ăn khi Hạnh vừa mới tròn năm tuổi. Năm năm sau, dì gá nghĩa với một người đàn ông góa vợ, có một con trai riêng. Hạnh phúc muộn màng đến với dì khi sinh được cậu con trai kháu khỉnh, giống bố như đúc. Dì dượng làm ăn, buôn bán phát đạt, kinh tế khá giả, vợ chồng thương yêu nhau hết mực, chẳng còn lời ong tiếng ve nào có thể làm dì tủi phận nữa. Ngay từ ngày bé, đời sống khó khăn, đường sá xe cộ còn chưa thuận tiện như bây giờ, mẹ Hạnh đã cố gắng sắp xếp đều đặn hai năm vào thăm dì một lần, về sau giãn ra đến tận năm năm, lần nào Hạnh cũng được bám đuôi, đến lần cuối cùng, năm mười tuổi, Hạnh chưa có dịp quay lại.
* *
*
Lần ấy, tưởng chỉ đi chơi trong nửa tháng, thành ra Hạnh ở lại luôn. Những lời năn nỉ của dì Huyên đã hạ gục sự yếu đuối của Hạnh. Cô không muốn quay lại chốn ồn ào mà mình luôn muốn trốn chạy ấy. Nghĩ lại sự đời, lắm lúc có những sự ngẫu nhiên có quyết định thật lớn lao đến cuộc sống của mỗi người.
Điều khiến Hạnh ngạc nhiên nhất khi tới Nha Trang không phải là cậu em họ lớn vổng sắp lên cấp ba, không phải là ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của dì dượng mà chính là ở Hưng - cậu con trai riêng của dượng Vũ - chồng dì Huyên. Hưng hơn Hạnh hai tuổi. Ngày bé, lần nào Hạnh vào, cũng ấn tượng bởi sự lầm lì, ít nói của cậu con trai cũng gọi dì Huyên là dì. Nhiều khi đang chơi một mình hoặc làm gì đó, bất chợt, Hạnh bắt gặp ở một góc nào đó, đôi mắt sáng của Hưng cứ dõi theo mình. Dì Huyên thương Hưng không khác gì con mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng có lẽ không gì bù đắp nổi tình yêu thương của mẹ thiếu vắng từ nhỏ, Hưng trầm ngâm hơn tuổi rất nhiều.
Vậy mà khi Hạnh và Dung đến, chính Hưng là người ra đón. Vẫn nụ cười mím quen thuộc, nhưng Hưng của tuổi 25 đã dạn dĩ hơn nhiều. Những cuộc vui mà Hưng là người khởi xướng lên dây cót và là một phần xúc tác cho Hạnh ở lại. Biết được điều này, Dung có vẻ không vui. Đêm cuối cùng, trước khi trở ra Bắc một mình, Dung cứ trở mình không ngủ được “Có lẽ em thích anh Hưng. Làm sao bây giờ, chị Hạnh?”. Đó là một câu hỏi khó, và Hạnh cũng không nhớ nổi mình đã trả lời như thế nào, chỉ nhớ suốt đêm ấy giấc ngủ không sâu.
Nhóm bạn của Hưng cũng có vài người thích Hạnh. Thể hiện rõ nhất là Luân. Anh chàng đều đặn gửi thư và những món quà nhỏ cho Hạnh, kể cả khi cô đã lên Đà Lạt trông nhà cho dì, xa Nha Trang hàng trăm cây số. Đó là một căn nhà nhỏ dì dượng gom góp tiền mua được vài năm trước, một chốn nghỉ dưỡng khá lý tưởng với nhiều cây xanh và hoa. Tầng trệt dì cho một nhóm sinh viên thuê. Căn phòng có cầu thang ngoài trời với hai cửa thông là của Hạnh. Đi cầu thang trong nhà, đối diện phòng Hạnh là căn phòng trống phòng khi cần dùng đến. Ban công cũng là nơi nấu nướng. Hành lang hơi lồi được trưng dụng để chiếc sô-pha to làm chỗ nghỉ tạm.
Dọn dẹp, trải ga giường xong, vừa trở ra Hạnh đã thấy Hưng ngủ vùi trên sô-pha, tập tranh vẽ dở của Hạnh lòa xòa trên ngực áo. Chùm dâu da được cắm một cách lạ mắt trong chiếc cốc thủy tinh nặng đầy ứ nước, trông như một nắm hoa lạ.
Cơm tối xong xuôi, Hưng ngồi gác chân trên chiếc ghế bành to, châm một điếu thuốc. “Thực ra, tôi lên đây lần này tiện lấy cây giống hoa nhưng mãi tuần sau công ty mới cần đến”. Đáp lại ánh mắt tò mò của Hạnh, Hưng dụi điếu thuốc vào đám bã cà phê, nhìn thẳng vào mắt Hạnh. “Tôi muốn về Quảng Nam thăm ngoại. Hạnh đi với tôi nhé!”.
* *
*
Ngoại Hưng nhìn Hạnh trìu mến “Con đẹp quá! Tướng này quý lắm, quý lắm”. Lúc này, Hạnh mới sực nhớ mình đã về đây một lần, hồi 8 tuổi. Dịp ấy mẹ và Hạnh vào thăm dì đúng vào dịp giỗ mẹ Hưng. Thế là cả nhà rồng rắn về Quảng Nam. Cũng câu nói ấy, mười năm về trước, ngoại Hưng cũng thốt lên, khi Hạnh chỉ mới là một cô bé.
Sau bữa mì Quảng đã đời, Hạnh ôm ngoại Hưng ngủ. Đang ngon giấc thì Hưng lay dậy “Ra biển không? Biển chiều thích lắm!”. Rất lâu, Hạnh mới lại diện crop top và short. Trong khi nằm dài dưới tán thông, nghe gió biển vi vu, đột nhiên Hạnh quay sang hỏi Hưng: “Sao Hạnh thấy chỗ này quen quen”. Hưng nhắm mắt như đang say ngủ, trả lời: “Thế mà tôi cứ tưởng Hạnh sẽ hỏi tại sao bỗng dưng lại về đây đấy. Hạnh không nhớ à? Ngày trước, cũng ở chỗ này, khi tôi khóc trong ngày giỗ mẹ...”. Hạnh reo lên, cướp lời Hưng: “Anh hỏi Hạnh đừng quay về Bắc nữa được không?”. “Hạnh không chịu và nói rằng sẽ trở lại với tôi, một ngày nào đó, gần thôi”, Hưng tiếp lời. “Vậy mà đến tận 10 năm... Hạnh xin lỗi!”, Hạnh ngậm ngùi. Hưng mỉm cười: “Muộn, nhưng cuối cùng Hạnh vẫn trở lại mà. Tôi đã chờ đợi để được Hạnh nhớ ra, Hạnh đáng bị phạt vì suýt quên mất lời hứa đấy”.
Hạnh bật dậy, tránh đôi tay rắn chắc của Hưng. Cô chạy ào ra biển, nơi những con sóng nhấp nhô ào tới, hòa vào dòng nước lặng, nơi những mỏm đá che chắn giúp thủy triều, Hạnh không trốn nổi vòng tay rộng rãi của Hưng.
* *
*
Đó là nụ hôn đầu đời của Hạnh. Nụ hôn có vị mặn của biển. Đôi khi, biển sát trùng những nỗi đau, biển giúp con người trở nên mạnh mẽ để đối đầu với những khó khăn phía trước. Hạnh biết điều đó khi Hưng xiết chặt cô vào lòng, thì thầm trong tiếng sóng: “Anh sẽ không đánh mất em đâu, dù cho có bất trắc gì xảy ra đi nữa”.
|