Canh “chớ ” của mẹ
21:6', 1/12/ 2012 (GMT+7)

Phải vào mùa nước cá đồng mới rộ. Nhưng, mấy hôm nay nhờ trời có mưa nên ở cái chợ gần nhà, thấy có bán nhiều, kể cả ếch, lươn, tôm tép.

Trong tất cả các loại cá đồng, cá rô thường rất sẵn và rất rẻ. Ngày trước, khi gia đình hãy còn đông đúc thường mẹ phải mua nhiều mới đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả. Bởi, người thì thích để cá nguyên vẩy chiên xù chấm mắm gừng; người thích nướng chấm muối hột giã với ớt hiểm; người thích nấu, rồi kho. Kho thì lại còn kho với gừng, hay với khế. Kho gừng thì chắc hẳn là cả nhà thích rồi, mà kho với khế thì người nghiện nhất là bà nội.

Mùa mưa, chị và mẹ thay phiên nhau đi chợ mua cả rổ cá rô to. Nhiều thế mà nào có mấy đồng. Ngày ấy cũng chưa cân ký như bây giờ. Cá tươi cựa mình quẫy đạp tung tóe. Mẹ khéo lắm nên làm cá trông rất dễ dàng, chả bù cho các chị trầy trật mãi mà vẫn chẳng xong. Chị bảo nó trơn quá, cứ tuột ra khỏi tay, đã thế vây, vẩy cá rất sắc. Làm đã chậm lại còn ca cẩm nên có hôm, chị bị bà mắng: “Thế ăn có khổ không?”.

Mẹ biết ý mọi người trong nhà và rất chiều. Đây. Lựa ra một mớ để chiên xù rồi cũng phải nướng lấy một đĩa, cho cánh đàn ông nhắm rượu. Mớ đấy thì chẳng phải đánh vẩy, còn thì đánh vẩy tất. Cũng phải kho cho bà một ít cá với khế. Của bà, mẹ kho trong cái nồi đất, cứ lớp cá lớp khế. Mẹ kho kỹ nên con cá trông nguyên lành là thế mà ăn nhừ bấy. Cá của nhà mẹ kho với gừng, trong một cái chảo bằng và kho nhiều, ăn có khi mấy ngày. Càng hâm càng thấm tháp. Ăn miếng cá kẹp thêm tí gừng, mằn mặn cay cay, tốn cơm phải biết…

Mẹ tài thật! Một bữa cơm với toàn là cá rô nhưng vẫn đủ các món ăn, món nhắm; nào nướng, chiên, kho, cũng không thể thiếu mấy bát canh. Thứ canh mà tất cả các thành viên trong gia đình đông đúc của tôi, đều thích. Mà hình như mẹ nấu món này cũng là ngon nhất và cầu kỳ nhất. Này nhé phải luộc cá với lửa vừa vừa và chín tới là bắc xuống ngay, có thế cá mới không bị nát mà nước lại không bị đục. Mẹ gỡ thịt cá, không quên ướp mắm ngon, tiêu, hành. Nước luộc cá được dùng nấu canh. Khi sôi bùng lên thì bỏ nạc cá vào, nêm nếm, rồi xắt thêm mấy sợi gừng. Mẹ bảo gừng có thể dùng nhiều với món cá rô kho nhưng ở món canh là hỏng, nên không thể thiếu gừng, cũng chỉ cho thoang thoảng… Rau cải phải bỏ sau cùng và đừng để rau chín nhừ.

Đấy là cách mẹ nấu, còn ăn thì chẳng cần ai chỉ bày. Nhìn chúng tôi háo hức húp chan, mẹ rất vui và chả mấy khi quên đọc câu:

Cá rô canh cải nấu gừng.

Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai.

Canh ngon đến thế ai dại gì mà “chớ”, vậy nên cả nhà luôn phản ứng với cái tiếng chớ ấy. Một tiếng “chớ” từ mẹ đẫm đầy thương yêu và chứa chan tình cảm gia đình trong những con cá rô đồng, trong một món canh mà tôi vẫn muốn gọi là canh “chớ”. Phải rồi, canh “chớ” của mẹ!

  • NGUYỄN MỸ NỮ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lời hứa của biển  (01/12/2012)
Nơi bồi đắp tình yêu văn chương  (01/12/2012)
"Làn sóng Hàn" sẽ chảy về đâu?   (01/12/2012)
Việt Nam được trao 2 giải thưởng tại LHP quốc tế Hà Nội  (30/11/2012)
50.000 người sôi động trong đêm nhạc “K-pop Festival 2012”  (30/11/2012)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (29/11/2012)
Klol Pok xây dựng làng văn hóa  (28/11/2012)
Những đóng góp thầm lặng  (28/11/2012)
Body painting chưa dám ra triển lãm  (28/11/2012)
Tục thờ “Cá Ông” tại Lý Sơn trong mắt phương Tây  (27/11/2012)
Hiệu quả thiết thực từ một đề án  (26/11/2012)
Ðể thêm nhiều ý nghĩa hơn  (26/11/2012)
Khai mạc LHP quốc tế Hà Nội - Kỳ vọng dấu ấn riêng  (26/11/2012)
Bảo tồn di sản nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc  (25/11/2012)
Cây đèn đường và con phố của chúng tôi  (25/11/2012)