Giữ cho tiếng cồng, nhịp chiêng mãi ngân nga
19:53', 5/12/ 2012 (GMT+7)

Ðể nuôi dưỡng và nhân lên tình yêu các giá trị văn hóa truyền thống nhằm gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bền vững, làng Kon Tờ Lok và Trường PTDT nội trú Vĩnh Thạnh đã thực hiện việc “truyền lửa” cho những người trẻ tuổi.

Tiếp nối truyền thống

Sự kiện CLB cồng chiêng trẻ của làng Kon Tờ Lok ra mắt vào tháng 2. 2012 làm háo hức bao già làng, nghệ nhân trong và ngoài làng. Bok Nhâm, một nghệ nhân của làng, chia sẻ: “Nhiều năm qua, làng Kon Tờ Lok đã có hai đội cồng chiêng lão và trung niên hoạt động khá sôi nổi, nhưng vẫn buồn vì lũ trẻ tỏ ra không quan tâm đến. Sau nhiều nỗ lực, giờ thành lập được CLB trẻ, thấy lũ nhỏ chịu học đánh cồng chiêng, bok mừng trong bụng lắm. Lũ nhỏ tập cồng chiêng, múa xoang, nên giảm hẳn việc tụ tập uống rượu rồi đánh nhau nữa”. Như vậy làng Kon Tờ Lok cùng một lúc đã làm được hai chuyện: gìn giữ văn hóa truyền thống và tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh.

 

Điệu múa xoang của học sinh Trường PTDT nội trú Vĩnh Thạnh.

Lúc mới thành lập, CLB cồng chiêng trẻ của làng Kon Tờ Lok có 21 thành viên (11 nam, 10 nữ) từ 15-16 tuổi. Tối thứ Bảy hàng tuần, nhà rông của làng như “chật lại” bởi lượng người đổ về trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, điệu xoang nhịp nhàng. Một góc nhà rông, người trẻ tập trung lắng nghe các nghệ nhân hướng dẫn cách đánh, cách cảm âm. Góc khác, các “xoang trẻ” đang cần mẫn tập luyện những động tác múa đã gắn chặt một thời tuổi trẻ của các mế, các mí Bana. Dù chưa thành thạo, nhưng điều đáng mừng là các “chiêng trẻ”, “xoang trẻ” tỏ ra rất nhẫn nại và cố gắng.

Cũng với mục đích thu hút thanh thiếu niên đến với văn hóa truyền thống, từ những năm 1990, Trường PTDT nội trú Vĩnh Thạnh, nơi có rất đông học sinh Bana theo học, đã sắm riêng một bộ cồng chiêng và khuyến khích các lớp thành lập những đội cồng chiêng, múa xoang, nhờ các nghệ nhân hướng dẫn tập luyện. Hoạt động này được phụ huynh và học sinh ủng hộ. Năm 2009, 10 đội cồng chiêng của các lớp trong trường tham gia Ngày hội Văn hóa của Trường và gây được sự chú ý trong cộng đồng. Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Trường THPT Quốc Học (Quy Nhơn) - đơn vị kết nghĩa của Trường, đội cồng chiêng của Trường PTDT nội trú Vĩnh Thạnh tham gia chương trình văn nghệ chào mừng và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của bạn bè.

Bạn Đinh Thị Hồng Trang, học sinh lớp 9A1 của Trường, tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã được bà chỉ cho điệu múa xoang, giờ được tham gia vào đội cồng chiêng của Trường, tôi được hiểu thêm và thấy yêu hơn những điệu xoang của đồng bào mình. Tôi đang cố gắng học để có thể múa hay, múa dẻo, sau này tập lại cho các em nhỏ trong làng”.

Thầy Lê Văn Khôi, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tiếp nối phong trào giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống trong học sinh đã được Trường gầy dựng hơn 20 năm qua, từ năm học này, nhà trường đã thành lập hẳn một đội cồng chiêng và múa xoang, lực lượng nòng cốt là học sinh của các lớp khối 7, 8, 9. Đội có 32 thành viên (16 nam, 16 nữ), đang được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh hướng dẫn tập luyện”.

để mạch nguồn chảy mãi...

Các đội cồng chiêng trẻ của làng Kon Tờ Lok và Trường PTDT nội trú đều đang duy trì sinh hoạt, tập luyện rất đều đặn. Điều đáng quý là các đội “chiêng trẻ” và “xoang trẻ” không chỉ bó hẹp hoạt động trong khuôn khổ trường, làng mà còn tích cực tham gia đóng góp trong các dịp lễ hội lớn của huyện, xã, và phục vụ khắp huyện vào dịp lễ tết, ngày kỷ niệm lớn. Nhiều hạt nhân của các đội được tuyển vào đội cồng chiêng của huyện, góp mặt trong các hội thi, hội diễn cấp tỉnh.

Ông Huỳnh Đức Bảo, Trưởng Phòng VH-TT Vĩnh Thạnh, nhìn nhận, việc các đội cồng chiêng và múa xoang trẻ tại làng Kon Tờ Lok và Trường PTDT nội trú Vĩnh Thạnh phát triển mạnh trong thời gian qua là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường và chính quyền địa phương làng Kon Tờ Lok. Ngoài hai địa phương này, nhiều xã khác cũng đang nỗ lực thành lập cho mình những đội cồng chiêng, múa xoang.

Sở dĩ Vĩnh Thạnh làm được điều này là nhờ địa phương đang có rất nhiều nghệ nhân tâm huyết với công tác lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống như Bok Nhâm, Yang Danh… Những “nghệ sĩ của đại ngàn”, dù tuổi cao sức yếu, vẫn hàng ngày lặng lẽ kêu gọi, tập hợp người trẻ và ra sức hướng dẫn, luyện tập cho họ, với tất cả khao khát được truyền lại những giá trị đẹp của ông cha, điều mà bao năm nay họ nghiên cứu, tích lũy và lưu giữ.

Ông Bảo cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, hỗ trợ để các đội cồng chiêng và múa xoang trẻ duy trì hoạt động lâu dài. Dự kiến, ngày 20.12 tới, huyện sẽ tổ chức Lễ hội cồng chiêng toàn huyện tại xã Vĩnh Kim, trong đó quan tâm yếu tố “diễn viên trẻ” trong thành phần các đội chiêng và xoang tham gia. Đây là cơ hội để các bạn trẻ hiểu hơn, thấm hơn và ý thức về sự kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông”.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ra mắt DVD “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định”  (05/12/2012)
Đã đến thời điểm báo điện tử cân nhắc việc thu phí?  (05/12/2012)
Phát lộ nhiều cổ vật quý ở di chỉ Phôi Phối-Bãi Cọi  (04/12/2012)
Ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B-52”  (04/12/2012)
Còn mãi những ân tình  (03/12/2012)
Điểm sáng khu dân cư Vĩnh Đức  (03/12/2012)
Một cách làm giàu di sản văn hóa dân tộc  (03/12/2012)
Có không “đẳng cấp quốc tế” của nhiếp ảnh Việt Nam?  (03/12/2012)
Phục dựng vở “Lời thề thứ chín” kỷ niệm Ngày 22/12  (03/12/2012)
Xác định lại tuổi của nền văn minh Ấn Độ  (02/12/2012)
Canh “chớ ” của mẹ  (01/12/2012)
Lời hứa của biển  (01/12/2012)
Nơi bồi đắp tình yêu văn chương  (01/12/2012)
"Làn sóng Hàn" sẽ chảy về đâu?   (01/12/2012)
Việt Nam được trao 2 giải thưởng tại LHP quốc tế Hà Nội  (30/11/2012)