Nâng tầm cho Trường Lũy Bình Định
19:48', 8/12/ 2012 (GMT+7)

Nằm trong hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Ðịnh, Trường Lũy Bình Ðịnh chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Kết quả khai quật mới đây tại di tích Ðồn Thứ (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) đã đặt ra những yêu cầu cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị của Trường Lũy Bình Ðịnh. 

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, chủ trì đợt khai quật di tích Đồn Thứ của Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: “Qua nghiên cứu tài liệu lịch sử, chúng tôi được biết có một dạng Thứ quân ngày xưa chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ vùng phía Tây tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Vì vậy, có lẽ Đồn Thứ mang tên của lực lượng Thứ quân do Lê Văn Duyệt chỉ huy, người có công lớn ở miền Trung”.

 
Dấu tích còn lại của Trường Lũy, đoạn đi qua xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU

Những phát hiện về Đồn Thứ

Kết quả khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, diện tích thực tế của Đồn Thứ lên đến 16.000m2, được chia thành hai khu vực. Khu vực phía Nam rộng 10.000m2, phát hiện những dấu tích kiến trúc là nhiều mặt nền nằm gần nhau, được xây ngăn cách bằng những bức tường đá, có lối ra vào thông nhau. Khu vực phía Bắc rộng 6.000m2, tồn tại dấu tích những trụ tháp cao để quan sát, có những bậc cấp ngay trên mặt nền khác nhau. Tại khu vực phía Bắc cũng xuất hiện những phiến đá có khoảng cách khá đều nhau, có thể được dùng để kê các cột dựng doanh trại cho binh lính. Các tường đồn được ghép hoàn toàn bằng đá không có vữa, có tường xây bằng kỹ thuật đầm chặt lõi đất có ốp đá bên ngoài. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, đây là cách xây dựng kết hợp giữa kỹ thuật xây tường đá của người H’rê và kỹ thuật đắp lũy bằng đất của người Kinh.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông nhận định: “Từ các hiện vật khai quật được như chân lư hương lớn bằng gốm cao đến 50cm, chân lư hương rất nhỏ, những mẩu gốm Trung Quốc vỡ ra từ những chiếc ly nhỏ thường dùng trong những nghi lễ cúng bái… kết hợp với tài liệu lịch sử cho thấy lực lượng Thứ quân ở các đồn lớn đều tổ chức lễ tế rất lớn vào mùa xuân để cầu an cho miền biên viễn. Từ đó, có thể suy luận Đồn Thứ là một cứ điểm quân sự có quy mô lớn và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống Trường Lũy Bình Định, tập trung đông quân tại khu vực doanh trại phía Bắc. Đồn Thứ còn là trung tâm thờ tự, khu vực phía Nam của đồn là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của quân và người dân địa phương ở các vùng lân cận”.

 

Những di vật chân lư hương phát hiện trong đợt khai quật tại Đồn Thứ.

Cần định hướng bảo tồn và phát huy

Theo khảo sát nhiều lần của Viện Khảo cổ học Việt Nam trong những năm qua, Trường Lũy Bình Định hiện chỉ còn dài 13,7km qua hai huyện Hoài Nhơn, An Lão, đã mất đi khoảng 4-5km so với trước đây. Một số đoạn Trường Lũy nằm trong khu vực khu dân cư đã bị xâm hại nhiều…

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông bày tỏ: “Để bảo tồn di tích Trường Lũy Bình Định, không thể làm theo hướng phục hồi mới vì vừa tốn thời gian và kinh phí, vừa không đảm bảo tính chất nguyên bản của di tích. Đối với những đoạn bị hỏng, có nguy cơ sạt lở, trước hết cần có kế hoạch hỗ trợ cụ thể để địa phương nơi Trường Lũy đi qua chủ động tiến hành khắc phục. Về lâu dài, quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân địa phương ý thức bảo vệ di tích. Một hoạt động cần tiến hành ngay là lập hồ sơ di tích Đồn Thứ và Trường Lũy Bình Định để đề nghị công nhận là di tích cấp Quốc gia, mới có hành lang pháp lý khoanh vùng bảo vệ di tích”. 

Bà Nguyễn Thị Huyền Mai, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết Bảo tàng đã tiến hành lập hồ sơ khoa học cho di tích Trường Lũy Bình Định để tiến tới đề nghị công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong khi đó, theo ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, Trường Lũy Quảng Ngãi đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, nên chỉ cần bổ sung thêm hồ sơ khoa học Trường Lũy Bình Định để đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận chung Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định (có tổng chiều dài 127,4km) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia để có sự thống nhất.

Việc xếp hạng một di tích có tính chất độc đáo như Trường Lũy Bình Định là hết sức cần thiết, giúp bảo tồn di tích tốt hơn. Vấn đề đặt ra là cần tiến hành đánh giá lại một cách cụ thể, toàn diện giá trị di tích, để có định hướng bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Tại buổi báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đồn Thứ ngày 7.12 vừa qua, PGS.TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Yêu cầu đặt ra trước mắt là các đơn vị có trách nhiệm ở Bình Định cần quan tâm kiến nghị UBND tỉnh có quyết định chính thức đề nghị công nhận Trường Lũy Bình Định là di sản Quốc gia. Trong tương lai, hai tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định nên phối hợp để xây dựng hồ sơ khoa học chung về Trường Lũy để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới”.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xã An Hòa đoạt giải A  (08/12/2012)
Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đồn Thứ  (07/12/2012)
“Săn khoảnh khắc” ở đại ngàn  (06/12/2012)
Đưa vào sử dụng Nhà văn hóa làng Hà Giao   (05/12/2012)
Tác giả Võ Chí Hà đoạt nhiều giải cao  (05/12/2012)
Nhiều chuyển biến tích cực   (05/12/2012)
Giữ cho tiếng cồng, nhịp chiêng mãi ngân nga  (05/12/2012)
Ra mắt DVD “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định”  (05/12/2012)
Đã đến thời điểm báo điện tử cân nhắc việc thu phí?  (05/12/2012)
Phát lộ nhiều cổ vật quý ở di chỉ Phôi Phối-Bãi Cọi  (04/12/2012)
Ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B-52”  (04/12/2012)
Còn mãi những ân tình  (03/12/2012)
Điểm sáng khu dân cư Vĩnh Đức  (03/12/2012)
Một cách làm giàu di sản văn hóa dân tộc  (03/12/2012)
Có không “đẳng cấp quốc tế” của nhiếp ảnh Việt Nam?  (03/12/2012)