Qua LH cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và hát dân ca huyện An Lão lần thứ I - 2012:
Lộ diện “vàng mười” trong dân gian
20:42', 10/12/ 2012 (GMT+7)

Cùng với nỗ lực kiểm kê, thu thập di sản văn hóa phi vật thể, Liên hoan (LH) cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và hát dân ca được huyện An Lão tổ chức lần đầu là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần làm lộ diện những vốn quý văn hóa dân gian còn lưu lạc trong cộng đồng người H’rê, Bana, Kinh sinh sống giữa đại ngàn.

“Vàng mười” lộ diện

50 tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào H’rê, Bana, Kinh được 9 đoàn đem đến LH là kết quả của sự chắt lọc tinh túy sau bao nỗ lực sưu tầm của già làng, nghệ nhân và khổ công tập luyện của dàn diễn viên trẻ. Chất lượng nghệ thuật của LH, nhờ vậy, đã đạt được yêu cầu đề ra. Đáng quý là tại LH này, một số nghệ nhân đã trình làng những loại nhạc cụ tưởng đã “ngủ yên” cùng với sự ra đi của những nghệ nhân lớn tuổi.

 
Tiết mục hòa tấu cồng chiêng và xoang của đơn vị thị trấn An Lão. Ảnh: VIỆT QUỐC

Trong đêm giao lưu giữa nghệ nhân, diễn viên tham gia LH với học sinh Trường THPT số 2 An Lão, nhiều người tỏ ra thích thú khi 3 cô gái đến từ xã An Dũng biểu diễn nhạc cụ Vin vút, bằng cách vỗ tay nhẹ nhàng, nhưng qua sự cộng hưởng từ hai thanh tre dài đã bật lên những âm thanh lúc thì thầm, lúc rộn ràng, làm xao xuyến lòng người. Đinh Thị Nhi, học sinh lớp 10 Trường THPT số 2 An Lão, chia sẻ: “Cồng chiêng, tốc chinh, Ca Lêu, Ca Choi… tôi thường nghe. Qua LH lần này, tôi còn biết thêm nhiều loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình”.

Không chỉ thế hệ người dân tộc thiểu số trẻ tuổi, mà ngay cả nghệ nhân các đoàn khác cũng tỏ ra háo hức với sự xuất hiện của những loại nhạc cụ mới lạ, độc đáo tại LH. Ông Đinh Văn Miên, một nghệ nhân chơi nhiều nhạc cụ, từng tham gia nhiều Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền núi của tỉnh, tâm sự: Tôi luôn lục tìm trong dân gian các loại nhạc cụ độc đáo để đem đến Ngày hội VH-TT cấp tỉnh, nhưng qua LH lần này mới thấy sự tìm hiểu của mình chưa thấm vào đâu bởi “vàng mười” lưu lạc trong dân gian còn nhiều.

Còn nghệ nhân Đinh Văn Giao (xã An Vinh), người đã trình tấu đàn Ta Lía, trăn trở: “Đàn Ta Lía là loại nhạc cụ có từ lâu đời của người H’rê ở An Lão. Tôi được ông, cha truyền dạy, giờ muốn truyền lại cho lũ trẻ, nhưng chúng không mặn mà. Tôi lo, lũ nó không học, sau này không ai biết đàn Ta Lía nữa”.

Cần duy trì và nhân rộng

LH diễn ra thành công như mong đợi đã xóa tan lo ngại lâu nay rằng, không gian văn hóa truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp và mai một trước sự bành trướng của các loại hình nghệ thuật hiện đại và công nghệ giải trí từ bên ngoài. Nhiều nghệ nhân vui mừng chia sẻ, LH cho thấy sức sống văn hóa truyền thống vẫn tuôn chảy trong các cộng đồng làng.

Suốt hai ngày diễn ra LH, không chỉ nghệ nhân, diễn viên các đoàn thường trực có mặt để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau mà đông đảo người dân trong huyện cũng kéo đến thưởng thức những làn điệu bài chòi thiết tha; làn điệu dân ca H’rê, Bana ngọt ngào; những bài chiêng cổ, điệu múa làm say lòng người… Bao giá trị văn hóa quý báu ấy, dù đã được phổ biến trong cộng đồng hay đang được cất giữ trong trí nhớ của người già đều là “đặc sản”, là “vàng mười” của mỗi địa phương, dân tộc, rất cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Bà Vũ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão, cho biết: “Qua LH lần này, An Lão đã tìm lại được một số nhạc cụ đang có nguy cơ mai một trong dân gian như đàn Ta lía, đàn Vin vút… Thời gian tới, Trung tâm sẽ đề xuất với UBND huyện hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân chế tác và truyền dạy các loại nhạc cụ này cho thế hệ trẻ”.

LH kết thúc nhưng niềm vui vẫn còn theo chân các nghệ nhân, diễn viên về tận thôn, làng. Tổ chức được một LH cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và hát dân ca cấp huyện bài bản và thành công như huyện An Lão là điều rất đáng biểu dương. Hi vọng những hoạt động này sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng.

  • CÔNG TÂM
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miếu thờ ông Văn Phong được trao danh hiệu DTLSVH cấp tỉnh  (10/12/2012)
Phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU  (09/12/2012)
Tố Hữu: Đường đời, đường thơ  (09/12/2012)
Bãi sông  (08/12/2012)
Nắng mới  (08/12/2012)
Nâng tầm cho Trường Lũy Bình Định  (08/12/2012)
Xã An Hòa đoạt giải A  (08/12/2012)
Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đồn Thứ  (07/12/2012)
“Săn khoảnh khắc” ở đại ngàn  (06/12/2012)
Đưa vào sử dụng Nhà văn hóa làng Hà Giao   (05/12/2012)
Tác giả Võ Chí Hà đoạt nhiều giải cao  (05/12/2012)
Nhiều chuyển biến tích cực   (05/12/2012)
Giữ cho tiếng cồng, nhịp chiêng mãi ngân nga  (05/12/2012)
Ra mắt DVD “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định”  (05/12/2012)
Đã đến thời điểm báo điện tử cân nhắc việc thu phí?  (05/12/2012)