Còn lại những tin yêu
20:47', 10/12/ 2012 (GMT+7)

Tập thơ “Bên bờ biển xanh” của nhà thơ Vân Bích - tập thơ thứ 12 sau 15 năm cầm bút - là những ân tình ông dành cho Bệnh viện Quân y 13, đơn vị Anh hùng mà ông vốn là thủ trưởng cũ, và dành cho bạn văn Bình Ðịnh. Bệnh viện và người đều bên bờ biển Quy Nhơn yên bình, xinh đẹp, nơi ông gắn bó từ thời kháng chiến chống Pháp đến sau này, về hưu và làm thơ.

Tập thơ 44 bài có 2 phần: phần I “Bệnh viện Anh hùng” và phần II “Thắm tình bè bạn”, với lời đề tặng trân trọng. Bệnh viện Anh hùng mà ông tự hào từng công tác và bạn bè văn chương ở Câu lạc bộ văn học Xuân Diệu mà ông gắn bó, gặp gỡ sinh hoạt mỗi tháng. Tất cả đều là cảnh và người, những sự việc, sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống.

 
Bìa tập thơ “Bên bờ  biển xanh”.

Thơ Vân Bích là thơ về cuộc sống trực quan chứ không phải những tư duy suy nghiệm. Nên cái nhìn yêu thương, trân trọng của ông là dành cho những đối tượng cụ thể.

Bệnh viện qua thơ ông hiện lên đầy ắp một thế giới của tình yêu thương, sự tận tụy của các y bác sĩ quân đội. Một bông ngọc lan của cô y sĩ thân tặng bệnh nhân, một chăm chút bữa cơm, bữa cháo chu đáo của chị nuôi quân, ngay cả tiếng kèn đồng báo thức ở bệnh viện rộn ràng ngày mới “như tiếp thêm sức mạnh”, tiếng kèn đồng bè trầm báo giờ đi ngủ “ngọt mềm như tiếng ru”, cả tiếng chim chích chòe, cây mận trắng, lùm tre ngà, hòn non bộ… cũng thật dịu dàng chia sẻ làm vơi những đau đớn, bệnh tật.

Thế giới bệnh viện của ông thật nhiều tình, mà sức thuyết phục đến từ cái nhìn yêu thương trân trọng của chính ông. Ví dụ bài “Tiếng chổi”: “Chiều chiều một bà lão/ Đến quét lá vàng rơi/ Lá ơi xin bớt đổ/ Cho bà chút thảnh thơi// Nhiều khi gió quái ác/ Bứt luôn cả lá xanh/ Thương bà lão tóc bạc/ Còng lưng tay quét nhanh// Chiều kia mưa to quá/ Bà đội nón mang tơi/ Tiếng chổi nghe vất vả/ Thấm lạnh không bà ơi?!// Chiều nay vắng tiếng chổi/ Bà lão bị ốm rồi!/ Tôi ngồi nghe gió thổi/ Tôi ngồi nghe mưa rơi…”. Có lẽ không cần bình gì thêm về câu chuyện thơ nhiều hình ảnh bằng ngôn ngữ dung dị mà xúc động này.

Hay như bài “Búp bê vào viện”: “Tôi vào viện/ Với y bạ, chứng minh thư, thẻ bảo hiểm…/ Cháu vào viện/ Với em búp bê môi đỏ, tóc vàng// Bác sĩ ân tình/ Mời cụ khám trước/ Tôi mỉm cười/ Chỉ búp bê”. Bài thơ là một nét đẹp của cuộc sống. Tứ thơ thật bất ngờ, mọi thứ thật tự nhiên. Một bằng chứng để tin rằng thơ hay nhiều khi là cái chớp lóe hồn nhiên cận nhân tình, được cô đọng bởi ngôn từ, hình ảnh, chi tiết đối lập độc đáo.

Nhà thơ Vân Bích gốc ở Thu Xà, Quảng Ngãi. Quy Nhơn là nơi ông chiến đấu, công tác và là đất ở. Vì thế, bên cạnh cái tình ông dành cho Bệnh viện Quân y 13, hồn thơ ông cũng gắn với những bạn văn nơi đây. Mỗi bài thơ xuất phát từ một cảm nhận riêng của ông về bạn, có khi là gợi ý từ tác phẩm, có khi từ nghề nghiệp, lúc cảm mến con người. Nhưng tất cả đều có mẫu số chung là cái tình ông dành cho bạn thật nồng thắm.

Và, tôi tin cái tình ông trang trải sẽ nhiều đồng vọng. Vì chính thơ nối ông với thế giới bằng nhiều ân tình để yêu thương cuộc đời, yêu thương con người.            

  • LÊ HOÀI LƯƠNG 

(Đọc tập thơ “Bên bờ biển xanh”, NXB Văn Hóa-Văn Nghệ TP HCM, 2012)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lộ diện “vàng mười” trong dân gian  (10/12/2012)
Miếu thờ ông Văn Phong được trao danh hiệu DTLSVH cấp tỉnh  (10/12/2012)
Phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU  (09/12/2012)
Tố Hữu: Đường đời, đường thơ  (09/12/2012)
Bãi sông  (08/12/2012)
Nắng mới  (08/12/2012)
Nâng tầm cho Trường Lũy Bình Định  (08/12/2012)
Xã An Hòa đoạt giải A  (08/12/2012)
Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đồn Thứ  (07/12/2012)
“Săn khoảnh khắc” ở đại ngàn  (06/12/2012)
Đưa vào sử dụng Nhà văn hóa làng Hà Giao   (05/12/2012)
Tác giả Võ Chí Hà đoạt nhiều giải cao  (05/12/2012)
Nhiều chuyển biến tích cực   (05/12/2012)
Giữ cho tiếng cồng, nhịp chiêng mãi ngân nga  (05/12/2012)
Ra mắt DVD “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định”  (05/12/2012)