Ngay cả nhạc công làm việc trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng từng thừa nhận, họ đến với nhạc cụ dân tộc là một sự dấn thân. Vậy mà hai chàng trai mười tám, đôi mươi này lại mê mẩn những cung bậc da diết, thánh thót và muốn lấy đàn bầu làm nghiệp.
Quý yêu “hồn cốt” dân tộc
Hai chàng trai ấy là Đoàn Hữu Thọ (19 tuổi) và Đỗ Hoàng Việt (18 tuổi), ở TP Quy Nhơn. Cả hai đang là học viên Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật Bình Định. Thọ ở phường Nhơn Phú, học trống; còn Việt ở xã Nhơn Hải, học organ. Ngành học của cả hai xem ra chẳng có gì liên quan với nhau, nhưng họ lại trở nên thân thiết nhờ có chung niềm đam mê với đàn bầu.
Ngồi trước chúng tôi, cả hai song tấu điệu xàng xê, xuân nữ… Những âm thanh phát ra thật tròn, lảnh, luyến láy đúng chỗ; hai “nghệ sĩ trẻ” nhịp nhàng khảy dây, rung cần, nghiêng ngả thả hồn theo những cung thanh, cung trầm.
|
Những lúc rảnh, Hoàng Việt và Hữu Thọ cùng tranh thủ luyện đàn bầu. |
Nhiều nhạc công kỳ cựu từng chia sẻ, học đàn dân tộc mà không kiên nhẫn và chịu khó thì không thể theo đến cùng. Cả Việt và Thọ từ nhỏ đã được tiếp xúc với các loại nhạc cụ dân tộc qua người thân, riết rồi “ám” vào người lúc nào không hay. Việt nhớ, khi 6-7 tuổi, người cậu ruột khá rành về các loại nhạc cụ truyền thống, đi diễn ở đâu cũng dắt mình theo. Còn Thọ thì hóm hỉnh nói “không có quyền lựa chọn” khi sinh ra trong một gia đình có nhiều người chơi nhạc dân tộc như ông ngoại là bầu nhạc lễ, các cậu hiện là nhạc công của Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.
Sau một thời gian tiếp xúc với nhiều loại khác nhau, cuối cùng cả hai đều lựa chọn “cây đàn một dây”, bởi tuy cấu trúc rất đơn giản nhưng điều kỳ diệu là đàn diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Những chàng trai trẻ đã không thể cưỡng lại sự quyến rũ của những âm thanh nỉ non, tự tình, phảng phất chút bi ai, nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh tinh thần và niềm tin hoàn viên mãnh liệt. Mọi cung bậc âm thanh của cây đàn một dây như biểu đạt dáng hình đất nước, tâm hồn dân tộc.
Khó mấy cũng không bỏ
Trước sự lấn át của các loại nhạc cụ hiện đại, dù biết là rất khó nhưng cả Việt và Thọ đều xác định sẽ gắn bó lâu dài với độc huyền cầm. Gần một năm qua, Việt đã “tầm sư” học đàn nhà nghệ sĩ Ngọc Châu. Việt nhớ mình phải mất hơn 1 ngày mới khiến cây đàn lên tiếng. Được “truyền nhân ưu tú” của đàn bầu chỉ bảo, Việt tiến bộ khá nhanh và không ngừng tập luyện để làm thầy hài lòng. Thọ có ưu thế hơn Việt khi các cậu của Thọ cũng từng là học trò của thầy Ngọc Châu, tận tình hướng dẫn và giao cây đàn bầu trong dàn nhạc lễ mỗi dịp đi biểu diễn. Đến nay, anh chàng đã có 4 năm đi cùng cây đàn này.
Chung niềm say mê nhạc cụ dân tộc, Việt và Thọ thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau trong tập luyện. Thọ cho biết, sở thích này thật khó có thể chia sẻ với những người bạn khác vì đa phần các bạn trẻ không hít nhạc dân tộc. Thậm chí, họ còn bị một số bạn bè trêu chọc cho rằng “không hiện đại”, “cổ lỗ sỉ”… Việt chia sẻ: “Tụi em rất bí chỗ luyện tập, thường xuyên phải vào phòng kín, hoặc phải chỉnh âm thật nhỏ để không làm phiền đến người khác”.
Hỏi Việt với Thọ vừa học trống, organ vừa học đàn bầu, có sợ truyền thống và hiện đại bị xen lẫn? Cả hai vui vẻ cho biết, ngược lại, chính vì học nhạc cụ hiện đại lại càng thêm quý yêu nhạc cụ truyền thống của cha ông, càng thấm đẫm cái hay cái đẹp mà không loại nhạc cụ hiện đại nào thay thế được. Thọ mong mình có cơ hội trở thành cán bộ văn hóa thông tin, còn Việt thì muốn làm thầy giáo âm nhạc.
“Trong nghề nghiệp đang định hướng, bên cạnh việc chạy theo dòng nhạc phong trào, nếu truyền được niềm yêu thích âm nhạc dân tộc đến các bạn trẻ đã là một hạnh phúc với những người lỡ vương tiếng đàn bầu như tụi em”, Việt chia sẻ.
Họ yêu thích đàn bầu, họ chấp nhận dấn thân với sự lựa chọn của mình. Và, chúng tôi nhận thấy ở họ niềm tin, rằng đến một ngày đàn bầu-loại nhạc cụ mang hồn dân tộc, sẽ trở về với vị trí xứng đáng của nó.
|