Xóa bỏ một định kiến về nhạc Trịnh
9:12', 13/12/ 2012 (GMT+7)

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn lần này của Giang Trang khai thác mạnh mẽ yếu tố giai điệu, lời hát chỉ để dẫn dắt…

Hướng đến vẻ đẹp của sự đơn giản tận cùng

Những ca khúc của Trịnh Công Sơn thường được yêu thích bởi những ca từ đẹp như thơ. Sức quyến rũ của những lời ca ấy mạnh mẽ tới mức lâu nay dường như tồn tại một định kiến, rằng nếu loại bỏ phần lời thì âm nhạc Trịnh Công Sơn không còn nhiều hấp dẫn. Với “Hạ huyền”, Giang Trang muốn chứng minh: định kiến đó sai.

 

Hạ huyền” hướng tới tinh thần tối giản của nhạc Trịnh Công Sơn, khai thác mạnh mẽ yếu tố giai điệu, với lời hát chỉ là lời dẫn dắt để khán giả có thể biết mình đang thưởng thức nhạc phẩm nào. Trong 12 bài hát được biểu diễn, chỉ có một nửa là những ca khúc quen thuộc trên các sân khấu, một nửa là những bài ít được hát hơn như: Như chim ưu phiền, Một lần thoáng có.. . Theo đánh giá của Giang Trang, những ca khúc ấy có giai điệu tối giản, tới mức gần như không có gì. Khai thác yếu tố nhạc của những ca khúc ấy sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp trong âm nhạc, một vẻ đẹp riêng, rất sang trọng và quyến rũ.

Thuở xa xưa, khi mới tiếp xúc với nhạc Trịnh, Giang Trang vừa ngạc nhiên lại tò mò tại sao người Nhật lại yêu thích những ca khúc cuả ông dù họ không hiểu được ca từ. Khi đi làm, tiếp xúc với nhiều người Nhật Bản, tìm hiểu về văn hóa của họ, Giang Trang nhận ra niềm yêu thích ấy bắt nguồn từ một mẫu số chung trong nhạc Trịnh và văn hóa Nhật Bản: sự tối giản và tinh thần gột bỏ. Khi ta gột bỏ đi những thứ phức tạp và phù phiếm, ta sẽ chắt lọc được vẻ đẹp của sự đơn giản đến tận cùng. Chung một tinh thần đó, bìa đĩa “Hạ huyền” sắp phát hành của Giang Trang có thiết kế rất đơn giản, chỉ có chữ và hai màu đen – trắng.

Hạ huyền” là một sự thách thức chính bản thân của Giang Trang. Từ việc tiết chế giọng hát của mình, tiết giảm yếu tố “ca” để nổi lên phần nhạc, tới phần âm nhạc được chơi theo hơi hướng world music, có thể sẽ khiến nhiều người thấy nhạc Trịnh “vừa lạ mà lại vừa quen”.

Trong đêm nhạc này, Giang Trang muốn đưa ra những trạng thái khác nhau của đời sống được thể hiện trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Trong đó nổi bật là tâm thế chấp nhận cuộc sống với những nỗi buồn siêu hình, sự chấp nhận an nhiên, bình thản mà không ủy mị.

 
Giang Trang cùng ban nhạc tập luyện cho đêm nhạc "Hạ huyền"

Cuộc chơi ngẫu hứng mà không nghiệp dư

Hạ huyền” là đêm nhạc Trịnh thứ 2 của Giang Trang, tiếp sau “Lênh đênh nhớ phố”, là cuộc chơi của riêng Trang với nhạc Trịnh, không mưu cầu danh lợi, chỉ mong thỏa mãn sự đồng vọng với tư tưởng Trịnh Công Sơn trong âm nhạc.

Yêu thích âm nhạc từ khi còn nhỏ, Giang Trang đã phải gác lại niềm đam mê trong một khoảng thời gian khá dài để rẽ sang một hướng khác, học một ngành có tính thực tế cao, dễ kiếm sống, lo lắng cho gia đình. Khi mọi thứ đã  tương đối ổn định, người phụ nữ 31 tuổi ấy đã bỏ hết sự nghiệp đang gầy dựng, bỏ công việc ổn định, là niềm mong muốn của nhiều người để đi tiếp con đường mình mơ ước.

Thực ra Giang Trang đã từng có 10 năm biểu diễn tại quán Tranh, một quán cà phê có biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn. Những đêm diễn thầm lặng ấy là để nuôi dưỡng tình yêu và nỗi khát thèm sống cùng âm nhạc trong tâm hồn Trang. Nhưng phải đến “Lênh đênh nhớ phố” thì cuộc chơi của Trang mới chính thức bắt đầu. Đêm nhạc đầu tiên ấy là lời tự sự nhẹ nhàng, giống như niềm hoài vọng về một thời thiếu nữ lãng mạn đã qua, một đêm nhạc Trịnh theo kiểu cách quen thuộc nhưng đã hé mở vài tín hiệu về tính nhạc với màn biểu diễn “Rừng xưa đã khép” mà Giang Trang chỉ hát có 3 câu, với phần phối nhạc kỹ lưỡng, có thể đứng riêng thành tác phẩm độc lập không cần lời hát.

 

Bìa đĩa CD "Hạ huyền”

Trong tương lai Trang còn mong muốn có thể làm một đêm nhạc, một đĩa hát một nửa đầu chỉ toàn là nhạc, một nửa sau chỉ là giọng hát… Trong cuộc chơi này, Trang tạo ra những thế giới nghệ thuật của riêng mình, mượn âm nhạc để bày tỏ những xúc cảm, quan niệm, thái độ sống của mình. Trang không muốn chiều theo thị hiếu đám đông mà muốn chia sẻ để có thể tìm thấy sự đồng cảm và mở ra thêm nhiều cánh cửa tiếp cận với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Trong cuộc chơi không toan tính nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc ấy, Giang Trang tự nhận mình gặp nhiều may mắn vì đã có một ê kíp hiểu mình, một nhạc sỹ phối khí tài năng giúp biến ý tưởng của Trang thành hiện thực, vì được sự giúp đỡ nhiệt tình về vấn đề tác quyền từ phía gia đình nhạc sỹ.

Đêm 12.12.2012, đêm biểu diễn duy nhất của Giang Trang tại L’Espace cũng là một đêm trăng hạ huyền, giống như tên đêm nhạc. Những tình cờ, may mắn ấy là cái Duyên để Trang biết số phận mình nhất định phải gắn cùng âm nhạc.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tơ vương giọt đàn bầu thánh thót…  (13/12/2012)
Tơ vương giọt đàn bầu thánh thót…  (13/12/2012)
Ði lên từ sự đồng thuận  (12/12/2012)
Bình Định đoạt giải Nhất toàn đoàn  (12/12/2012)
Việt Nam sẽ thu phí đọc báo online?  (12/12/2012)
Tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được dựng phim truyền hình  (12/12/2012)
Nhật Bản trồng 1.000 cây hoa anh đào tặng Hà Nội  (12/12/2012)
Sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của G.Boudarel  (11/12/2012)
Tuần phim kỷ niệm 40 năm Hà Nội chiến thắng B52   (11/12/2012)
Còn lại những tin yêu  (10/12/2012)
Lộ diện “vàng mười” trong dân gian  (10/12/2012)
Miếu thờ ông Văn Phong được trao danh hiệu DTLSVH cấp tỉnh  (10/12/2012)
Phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU  (09/12/2012)
Tố Hữu: Đường đời, đường thơ  (09/12/2012)
Bãi sông  (08/12/2012)