Đổi thay ở một xã văn hóa
21:45', 13/12/ 2012 (GMT+7)

Họ đạo thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, được khen thưởng trong phong trào xây dựng họ đạo không phạm tội và tệ nạn xã hội. Ảnh: XUÂN LỘC

Từng là một trong những xã nghèo nhất của huyện Phù Mỹ và thường xuất hiện các vụ bê bối, nhưng sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), xã Mỹ Cát đã có sự đổi thay rất “ngoạn mục”.

Xã Mỹ Cát có diện tích tự nhiên 871,77 ha, với 1.787 hộ dân, 8.085 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, làm muối, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Trước đây, đường sá đi lại trong xã chưa thông suốt, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2000, phong trào TDĐKXDĐSVH được phát động trong toàn tỉnh, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Cát đã nhiệt tình hưởng ứng ngay từ những ngày đầu với quyết tâm thực hiện thật hiệu quả nhằm tạo chuyển biến mọi mặt đời sống người dân.

Về Mỹ Cát hôm nay, chạy xe bon bon trên những con đường bê tông sạch sẽ, thẳng tắp nối tiếp nhau tới tận các thôn xóm, ngõ ngách, hai bên đường nhà cửa khang trang, hiện rõ sự bình yên của thôn xóm. Đến thôn Trinh Long Khánh, gặp chị Lê Thị Mai đang thoăn thoắt dọn cỏ, be bờ trên chân ruộng nhà mình trong tình hình vụ Đông Xuân đang thiếu nước ở nhiều nơi. Chị Mai phấn khởi: “Chính quyền xã quan tâm chỉ đạo quán triệt ngay từ đầu, nên tôi chủ động được nguồn nước để sản xuất. Xã còn tạo điều kiện cho bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trang bị phương tiện lao động hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Mấy năm gần đây, thu nhập bình quân của người dân ở xã Mỹ Cát không ngừng tăng lên, bình quân năm 2009 là 7,3 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2011 là 9,3 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo của Mỹ Cát giảm bình quân 2,63%/năm. Hiện, 95% hộ dân trong xã có ti vi, trên 95% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; tỉ lệ sinh con thứ 3 năm sau luôn giảm hơn năm trước; tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể.

Sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, năm 2011, xã Mỹ Cát đã được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu xã văn hóa. Năm 2012, Mỹ Cát tiếp tục duy trì thành công này. Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Điều đáng biểu dương là Mỹ Cát đã ổn định tốt tình hình an ninh trật tự trong xã nhiều năm qua. Năm 2011, cán bộ và nhân dân xã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Có được sự ổn định ấy là nhờ địa phương tích cực phát động và thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Nhà nhà, người người ý thức cao trong quản lý, giáo dục con em; chính quyền và các đoàn thể địa phương thường xuyên tuần tra, và có các biện pháp răn đe, phản ánh, giáo dục… trước cộng đồng những trường hợp vi phạm. Nhiều năm qua, xã duy trì mô hình dòng họ tham gia bảo vệ an ninh trật tự, điển hình như họ Đạo (thôn An Mỹ), họ Trần (thôn Trinh Long Khánh).

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở thôn An Mỹ, chia sẻ: “Trước kia, thanh niên thường tụ tập đánh nhau, gây mất trật tự lắm, nhưng nay thì không còn tình trạng này nữa. Bà con cũng yên tâm khi thấy con em mình chí thú làm ăn…”. Còn theo ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng thôn An Mỹ, từ thôn xóm khi có việc bất thường xảy ra bà con đều báo cáo cho chính quyền địa phương để nhanh chóng giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh nỗ lực làm ăn kinh tế, ổn định tình hình an ninh trật tự, xã Mỹ Cát còn tạo điều kiện để nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao, qua đó giành nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội thao cấp tỉnh và huyện. Phong trào văn hóa văn nghệ được tổ chức thường xuyên trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm… tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Anh Phan Văn Hùng, cán bộ văn hóa xã Mỹ Cát, cho biết: “Trong xã không có đủ sân bãi, khoảnh đất trống tập luyện, thanh niên và nhân dân kéo ra các bãi bồi ven sông La Tinh để chơi thể thao. Hiện, xã đã quy hoạch xong khu văn hóa thể thao của xã và 4 thôn, dự kiến sẽ xây trong thời gian tới”.

Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát, chia sẻ: “Dân Mỹ Cát hiền lành, chân chất, chí thú làm ăn. Mọi việc, dù nhỏ hay lớn, cũng được xã thực hiện trên cơ sở dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi… Có dân ủng hộ thì chuyện khó mấy cũng xong”.

  • THANH TRỌN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thấy nhiều cổ vật giá trị tại di chỉ Phối Phối-Bãi Cọi  (13/12/2012)
Xóa bỏ một định kiến về nhạc Trịnh  (13/12/2012)
Tơ vương giọt đàn bầu thánh thót…  (13/12/2012)
Tơ vương giọt đàn bầu thánh thót…  (13/12/2012)
Ði lên từ sự đồng thuận  (12/12/2012)
Bình Định đoạt giải Nhất toàn đoàn  (12/12/2012)
Việt Nam sẽ thu phí đọc báo online?  (12/12/2012)
Tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được dựng phim truyền hình  (12/12/2012)
Nhật Bản trồng 1.000 cây hoa anh đào tặng Hà Nội  (12/12/2012)
Sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của G.Boudarel  (11/12/2012)
Tuần phim kỷ niệm 40 năm Hà Nội chiến thắng B52   (11/12/2012)
Còn lại những tin yêu  (10/12/2012)
Lộ diện “vàng mười” trong dân gian  (10/12/2012)
Miếu thờ ông Văn Phong được trao danh hiệu DTLSVH cấp tỉnh  (10/12/2012)
Phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU  (09/12/2012)