Bảo tồn Thập bát ban binh khí
19:50', 15/12/ 2012 (GMT+7)

Thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Bảo tồn và phát huy những giá trị ấy là việc cần làm ngay… 

Nhận thức được vai trò quan trọng của Thập bát ban binh khí trong kho tàng võ cổ truyền Bình Định, Sở VH-TT&DL đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định”, do ông Nguyễn An Pha, làm chủ nhiệm đề tài.

 

Biểu diễn đại đao tại Bảo tàng Quang Trung.

 

Nghiên cứu Thập bát ban binh khí

Sau nhiều nỗ lực thực hiện công tác tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu công phu trong hai năm qua, nhóm thực hiện đề tài đã cơ bản hoàn thành công việc. Thành quả của đề tài nghiên cứu là phim tư liệu về Thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định: côn (gậy), đao, thương, kiếm, bồ cào, xà mâu, thiết lĩnh, kích, giáo, lăng khiên, cung tên, đinh ba, thái long câu, dây xích, dải lụa đào, giản, búa (phủ), chùy. Mỗi ban binh khí được các võ sư, võ nhân biểu diễn bài thảo kèm theo bài thiệu cụ thể.

Theo kết quả nghiên cứu, nhiều loại binh khí chính là sự “hóa thân” của các loại dụng cụ lao động. Binh khí bồ cào giống như cái cào cỏ thường dùng trong công việc nhà nông, nhưng cha ông ta đã sáng tạo ra những bài thảo để khi cần có thể biến thành vũ khí tự vệ, chiến đấu với kẻ địch với những chiêu thức bổ, kéo ngã đối phương. Ngoài những binh khí quen thuộc, có một số binh khí độc đáo như thiết lĩnh, thái long câu, dải lụa đào. Tương truyền, thiết lĩnh là một loại binh khí phổ biến thời Tây Sơn, bao gồm phần gậy dài nối một đoạn dây ngắn với một đoạn khúc vuông ngắn, tạo thành binh khí đa năng, lợi hại để đánh, giật binh khí hoặc giật ngã chân ngựa của đối thủ khi giao chiến. Thái long câu cũng được cho là binh khí phổ biến rộng rãi của nghĩa quân Tây Sơn, có phần cán gỗ như cán giáo nhưng ngắn hơn nhiều, đầu có lưỡi hình bán nguyệt sắc bén dùng để bổ, giựt, chém.

Ấn tượng nhất là dải lụa đào, thường có độ dài hơn 1m, rộng khoảng 0,5m. Mỗi đầu dải lụa có gắn một hòn bi nhỏ như quả cà để có thể dùng đỡ, bắt binh khí hoặc quật ngã đối thủ, nếu phất, quất cũng gây tính sát thương. Ông Nguyễn An Pha cho biết: “Dải lụa đào là binh khí dân gian sáng chế ra để phòng thân chứ không phải binh khí khi ra trận. Ngày xưa, các cụ già có nghề thường trùm khăn xéo trên đầu, hoặc vắt trên vai, ra đường gặp trộm cướp, hay người muốn đánh mình lấy đó làm binh khí, hoặc thấm nước ở hai đầu khăn (không có gắn bi) để tăng thêm độ nặng”.

 

Ông Nguyễn An Pha giới thiệu về các binh khí trong Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định.

 

Không chỉ “bảo tồn tư liệu”

Do không được bảo tồn tốt, Thập bát ban binh khí đang bị mất dần theo thời gian. Ngay cả Bảo tàng Quang Trung, nơi có đội nhạc võ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách, hiện tại cũng chỉ biểu diễn từ 10- 12 môn binh khí. Nhiều võ đường hiện chỉ chú trọng vào luyện tập quyền để thi đấu đối kháng, hoặc một số môn binh khí nằm trong nội dung hội thi như đao, kiếm, côn.

Do không được bảo tồn tốt, Thập bát ban binh khí đang bị mất dần theo thời gian. Ngay cả Bảo tàng Quang Trung, nơi có đội nhạc võ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách, hiện tại cũng chỉ biểu diễn từ 10 - 12 môn binh khí

Võ sư Phan Thọ tâm sự: “Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định chứa đựng những giá trị độc đáo trong sáng tạo võ thuật mà các thế hệ cha ông đã gìn giữ cho chúng ta. Muốn luyện tập thành thục đòi hỏi phải mất nhiều thời gian khổ luyện. Vì vậy, giới trẻ hiện nay ít người muốn theo học…”.

Hiện, các ban binh khí chỉ còn nằm rải rác tại một số võ đường của các võ sư cao tuổi ở Tây Sơn, An Nhơn. Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, nhiều khi tác giả tìm được bài thảo của binh khí nhưng lại không có bài thiệu, hoặc đã có bài thiệu thì võ sư biết biểu diễn đã mất thành ra cũng không thể ghi hình được. Ông Nguyễn An Pha cho biết: “Võ sư Phạm Thi ở Tây Vinh (Tây Sơn) là người rất giỏi về các môn binh khí. Nhưng, chúng tôi chỉ vừa kịp ghi hình ông biểu diễn các bài thảo của thái long câu, dải lụa đào, thì ông đã mất. Đây là điều rất đáng tiếc”.

Hiện báo cáo khoa học của đề tài Nghiên cứu bảo tồn thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định đang được hoàn chỉnh. Dự kiến vào đầu năm 2013, một hội thảo khoa học sẽ được tổ chức để đánh giá các nội dung nghiên cứu của đề tài. Thiết nghĩ, sau khi được nghiệm thu, đề tài này không thể chỉ tồn tại ở dạng “bảo tồn tư liệu”, mà cần có những hành động thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị của Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quà quê  (15/12/2012)
Nữ chủ quán xinh đẹp  (15/12/2012)
NS Thanh Phúc vẹn nguyên hồi ức "Hà Nội chiến thắng B52"  (14/12/2012)
800 tỷ đồng trùng tu di tích Cố đô Huế  (14/12/2012)
Đổi thay ở một xã văn hóa  (13/12/2012)
Thấy nhiều cổ vật giá trị tại di chỉ Phối Phối-Bãi Cọi  (13/12/2012)
Xóa bỏ một định kiến về nhạc Trịnh  (13/12/2012)
Tơ vương giọt đàn bầu thánh thót…  (13/12/2012)
Tơ vương giọt đàn bầu thánh thót…  (13/12/2012)
Ði lên từ sự đồng thuận  (12/12/2012)
Bình Định đoạt giải Nhất toàn đoàn  (12/12/2012)
Việt Nam sẽ thu phí đọc báo online?  (12/12/2012)
Tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được dựng phim truyền hình  (12/12/2012)
Nhật Bản trồng 1.000 cây hoa anh đào tặng Hà Nội  (12/12/2012)
Sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của G.Boudarel  (11/12/2012)