Cùng sống và làm việc với NSƯT Ðào Duy Kiền trong thời gian dài, từ Ðoàn tuồng Liên khu V đến Nhà hát tuồng Ðào Tấn, tôi biết nhiều về hành trình đi theo nghiệp tuồng của anh, và trân quý một con người luôn “sống đầy” với con đường nghệ thuật đã chọn.
1. Năm 1954, rời quê hương Quảng Trị, NSƯT Đào Duy Kiền theo cha tập kết ra Bắc. Năm 1959, anh thi vào lớp Nhạc công tuồng - Trường ca kịch dân tộc, khóa đầu tiên (1959-1963) tại Hà Nội. Ra trường, anh được điều về làm nhạc công Đoàn tuồng Liên khu V; tiếp tục được đi học bổ túc âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam và được giao làm chỉ huy, sáng tác.
Năm 1970, anh “bén duyên” với sáng tác nhạc cho sân khấu tuồng bằng 2 vở đầu tay “Đêm giao thừa” (tác giả kịch bản Nguyễn Tường Nhẫn), “Sư già và Em bé” (tác giả Kính Dân). Sau đó là sáng tác nhạc cho các vở “Mũi tên nhung”, “Đường lên Khuôn Mánh”…
|
NSƯT Đào Duy Kiền (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn đội nhạc Bảo tàng Tây Sơn tập bài “Trống trận Quang Trung”. |
Năm 1976, Đoàn tuồng Liên khu V được Bộ Văn hóa chính thức bàn giao về Bình Định, anh tình nguyện lập nghiệp lâu dài trên vùng quê mới. Khi Nhà hát tuồng Đào Tấn thành lập, hàng chục vở tuồng tiêu biểu từ Đoàn tuồng Liên khu V được phục dụng; nhiều vở diễn về đề tài cổ, lịch sử, dân gian, hiện đại, đủ dạng thể tài được xây dựng bổ sung. Anh đã làm tròn vai người chỉ huy và sáng tác nhạc cho các vở “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “An Tư công chúa”, “Tiết Giao trả ngọc”… Đồng thời, tham gia cùng các nhạc sĩ khác trong vở “Nàng Sơ Kun Tơ La” (với Lê Yên, Thao Giang), “Sao Khuê trời Việt” (với Nguyễn Viết), “Mặt trời đêm thế kỷ” (với Phan Quý), “Sáng mãi niềm tin” (với Y Vân, Hoàng Hải), “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” (với Gia Thiện)… Trong số này, nhiều vở đã đoạt HCV tại các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và giải thưởng của hội nghề nghiệp. Anh cũng đóng góp tấm HCV từ Hội diễn về sáng tác nhạc cho sân khấu tuồng.
2. Sáng tác nhạc cho nghệ thuật sân khấu tuồng, NSƯT Đào Duy Kiền là một trong số ít nhạc sĩ viết với số lượng nhiều nhưng vẫn chú trọng đến chất lượng. “Ngôn ngữ của âm nhạc là âm thanh, nhưng nghe hay chưa đủ mà còn phải đúng, phù hợp với nội dung, hoàn cảnh, tình huống, tính cách từng nhân vật. Những điều này tất yếu phải hòa quyện với đặc trưng, tính chất của âm nhạc tuồng truyền thống”, NSƯT Đào Duy Kiền chia sẻ.
Nhiều bài nhạc do anh sáng tác đã được ghi nhận, không những làm tốt chức năng hỗ trợ biểu diễn theo yêu cầu mà còn góp phần nâng tầm hiệu quả. Điều đáng quý là những tác phẩm ấy trong chừng mực nhất định đã thể hiện ý nghĩa “chỗ nào tiếng nói sân khấu bất lực thì ở đó có âm nhạc. Nếu diễn viên là trung tâm của sân khấu thì âm nhạc là linh hồn của vở diễn”. Một số bài bản nhạc anh sáng tác được chọn dùng trong ca khúc “Hội mừng chiến thắng” (trong nghi lễ tôn vương sau mỗi đêm hát án); các ca khúc, bài bản nhạc không lời được dùng trong các lễ hội của tỉnh.
NSƯT Đào Duy Kiền vẫn thường nói: “Tôi có được kết quả như ngày nay là nhờ được học tập trong nhà trường, thực tế tiếp nhận từ các văn nghệ sĩ tài hoa, kinh nghiệm được rút ra qua nhiều năm làm nghề, cộng với sự đam mê nghề nghiệp”. Nhưng với những người trong nghề và khán giả mộ tuồng, ở NSƯT Đào Duy Kiền còn có sự hòa quyện của tâm hồn và năng khiếu âm nhạc, nhận thức và am hiểu nghề nghiệp, trong thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc.
3. Giỏi nghề, anh rất coi trọng việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế tục. Đó là lý do để anh tham gia 4 khóa dạy nhạc công tuồng tại Trường Trung cấp VH-NT Bình Định bằng giáo án được kết nối giữa kiến thức âm nhạc phổ thông với thực tế nghề nghiệp. Về hưu hơn 10 năm, anh vẫn miệt mài đóng góp hai công trình nghiên cứu âm nhạc “Âm nhạc dân gian trong âm nhạc tuồng”, chủ biên sách “Nhạc tuồng”, viết kịch bản phim chân dung cho các nghệ sĩ, cùng nhiều bài viết, tham luận, nói chuyện trao đổi về âm nhạc tuồng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong nhà anh hiện có nhiều phần thưởng được xếp đặt cẩn thận trong ngăn tủ là sự ghi nhận xứng đáng dành cho người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng - người một đời gắn với nghiệp tuồng như duyên nợ vấn vương…
|