Tháng 12.2012 chúng ta kỷ niệm trọng thể 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng này là khúc tráng ca bất tử của thời đại, nó kết tinh và tỏa sáng nhiều giá trị truyền thống của tinh hoa văn hóa dân tộc.
Dân tộc ta có cả một truyền thống tiến hành chiến tranh giữ nước. Truyền thống ấy được đúc kết từ hàng nghìn năm lịch sử, mà ở đó nhân tố quyết định chiến thắng không phải ở vũ khí mà là nhân tố con người, là những phẩm chất tinh thần đã được kết tinh thành những giá trị và ở mỗi giai đoạn thử thách khốc liệt nhất, những giá trị ấy đã tỏa sáng, trở thành nguồn lực to lớn giúp chúng ta đánh thắng kẻ thù vốn mạnh hơn ta nhiều lần cả về kinh nghiệm chiến tranh, quân số, trình độ tác chiến và trang bị.
|
Sẵn sàng để Tổ quốc không bị bất ngờ. |
Năm 1999, tôi đến thăm Đại học Texas Tech (Mỹ). Ở đây có Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và chính sách hậu chiến do TS James Reckner, nguyên là một đại úy CIA, chuyên nghiên cứu về vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc ở chiến trường Việt Nam, từ 1968 đến 1970 ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, làm Giám đốc. Ông James Reckner kể cho tôi nghe chuyện Trung tướng Nguyễn Đình Ước đã dự một cuộc hội thảo cùng hàng chục tướng tá và các nhà khoa học người Mỹ về chiến tranh ở Việt Nam. Có một vấn đề mà nhiều người Mỹ không lý giải được là vì sao họ thua ở Việt Nam? Họ đã nghe nhiều người Việt Nam nói rằng quân đội ta là những người có lý tưởng cao cả, dũng cảm, quân đội Mỹ và đồng minh không có được điều đó nên thua là tất yếu... Họ nghe, biết vậy nhưng chưa tin. Nhưng khi Trung tướng Nguyễn Đình Ước nói, họ thua vì truyền thống văn hóa dân tộc trong một thời điểm nào đó đã nhân lên sức mạnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam và đó là điều bí mật, là “vũ khí bí mật” của người Việt Nam, thì lúc đó họ mới tin là như thế.
Trong một bài viết ngắn gọn, sâu sắc về lòng yêu nước của người Việt Nam, Bác Hồ viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Lần giở lại lịch sử dân tộc ở những thời khắc quyết định của những trận đánh lớn, mang ý nghĩa quyết định một cuộc chiến tranh như ba lần nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông, trận đánh của Quang Trung đại phá 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, thống nhất đất nước, trận Điện Biên Phủ năm 1954 có ý nghĩa kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới và trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 chúng ta thấy truyền thống văn hóa dân tộc như một nhân tố tạo nên chiến thắng của những trận đánh lịch sử này.
Trong một lần đến thăm Giáo sư Trần Văn Giàu, ông có trò chuyện với chúng tôi về truyền thống văn hóa và cách khai thác truyền thống ấy trong đời sống hiện đại. Là giáo sư lịch sử, đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về cách chống xâm lăng của ông cha ta, nhưng giáo sư nói rằng, cho đến tận lúc đó (2001) ông vẫn chưa lý giải được vì sao trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 chúng ta chỉ có khoảng 5000 đảng viên mà lại lãnh đạo được nhân dân cả nước làm cuộc cách mạng dân tộc có một không hai trong lịch sử. Theo giáo sư, cái độc đáo của cuộc cách mạng ấy không phải chỉ ở chỗ chúng ta giành được độc lập mà là cách giành độc lập hết sức độc đáo, sáng tạo. Căn nguyên của sự sáng tạo này, theo giáo sư, là Việt Minh, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết dựa vào dân, biết khơi dậy ở nhân dân sức mạnh của lòng yêu nước, khát vọng được sống trong độc lập, tự do. Từ đó sẽ tạo ra rất nhiều cách đánh, nhiều cách phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền mang tính sáng tạo đặc biệt. Ở một khía cạnh khác, ông cũng cho biết là bản thân ông không thể cắt nghĩa nổi vì sao khi chiếm Ninh Bình, đội quân xâm lược Pháp chỉ có 18 tên, trong đó có một tên ốm, mà chúng vẫn đạt được mục đích. Phải chăng đó là do vận nước ở vào lúc bĩ, hay nói đúng hơn, là lòng dân đã không còn gắn bó với chế độ nhà Nguyễn, khi mà lòng dân ly tán và xã hội bị chia rẽ đến tận tế bào thì không gì có thể cứu vãn được.
Trở lại với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12.1972 lịch sử, chúng ta nên nhìn nhận lại quá trình chuẩn bị cho trận đánh mang tầm chiến lược này ở những thời gian và những chuẩn bị liên quan đến nó. Từ tháng 4.1972 chính quyền Mỹ đã thực hiện nhiều hành động chiến tranh và đối ngoại hòng làm suy yếu thế và lực của chúng ta. Chúng phong tỏa cảng Hải Phòng để ngăn cản con đường tiếp tế của Liên Xô và các nước XHCN khác, ném bom hủy diệt thành phố cảng, thực hiện chính sách ngoại giao hòng cô lập chúng ta. Tất cả những hành động ấy, thực tế, đã đặt chúng ta trước thử thách khốc liệt. Trước khi đánh Hà Nội và vùng phụ cận bằng máy bay ném bom chiến lược B-52, chúng cũng cho nhiều loại tiêm kích và cường kích khác đồng thời tấn công các kho tàng, bến bãi, các cơ sở dự trữ cho kháng chiến của chúng ta. Về vũ khí, ưu thế gần như tuyệt đối thuộc về phía kẻ thù. Về đội ngũ phi công, Mỹ cũng có nhiều người có nhiều giờ bay và kinh nghiệm hơn các chiến sĩ mới được “ra lò” từ trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Nhưng cách đánh của chúng ta, cách đánh hợp đồng binh chủng, phối hợp của các loại vũ khí thuộc đủ tầm cao, tầm thấp, cách đón lõng, phục kích, cách “giải mã” nhiễu, cách tìm đúng B-52 mà đánh của lưới lửa phòng không của chúng ta “khiến quân thù phải sợ”. Hồi ký của nhiều tướng lĩnh, nhiều nhà khoa học quân sự đã phân tích nhiều bài học lớn về chiến lược chuẩn bị đánh "pháo đài bay" ngay từ khi kẻ thù chưa hề bay vào vùng trời Hà Nội, từ chiến thuật nghi binh, táo bạo, bất ngờ, quả cảm, tìm đúng yếu huyệt kẻ thù để đánh đòn chí mạng, từ sự sáng suốt chọn thời điểm, chọn thế, chọn cách đánh cho từng binh chủng, chọn người cho từng trận v.v.. đều thấm đẫm truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Có thể nói, các quân binh chủng của chúng ta đã đánh địch theo cách và thế trận của mình, theo khả năng và sự sáng tạo của mình. Những yếu tố đó đã trở thành một bản đại hợp xướng bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng.
Liều lĩnh, tàn bạo và tham vọng như thế nhưng cuối cùng Mỹ đã phải thú nhận thất bại và đặt bút ký vào bản Hiệp định đình chiến, chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Chúng đã thua trận. “Vũ khí bí mật” của Việt Nam không phải nằm ở khí tài, trang bị mà ở cách đánh giàu tính sáng tạo, đầy tinh thần quả cảm, in đậm ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, được khơi dậy từ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, từ tinh thần “chúng muốn biến ta thành tro bụi, ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta cúi mình ô nhục, ta làm sen thơm ngát giữa đời” (Tố Hữu).
Không sức mạnh nào có thể bẻ gãy ý chí của cả một dân tộc, không gì có thể chiến thắng được khát vọng của cả dân tộc. Đó là truyền thống văn hóa từ hàng ngàn năm đã kết tinh thành sức mạnh, thành điểm tựa cho một đất nước. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã khơi đúng nguồn mạch ấy và trận thắng B-52 năm 1972 chỉ là minh chứng cho sự đúng đắn này. Chúng ta đã chiến thắng là vì thế.
|