Tôi đồ rằng hai câu thơ "Từ đó tôi dành niềm tin/ Cho các nhà thơ không bao giờ lớn tiếng" có thể là một tuyên ngôn của nhà thơ Lê Văn Ngăn. Khá nổi tiếng trong làng văn nghệ miền Trung, nhưng "khai báo" trích ngang cuộc đời - tác phẩm trong các tuyển tập, ông cũng chỉ ngắn gọn "có những người bạn thân ở nhiều nơi trong nước"...
Từng được xem như một nhà thơ "công thần" từ phong trào học sinh, sinh viên yêu nước trước 1975 tại Đà Lạt, bút lực luôn dồi dào nhưng ông chỉ in "công khai" duy nhất một tập thơ riêng. Sao thế nhỉ?
1.
Lê Văn Ngăn sinh năm 1944 ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế, hiện sống tại TP Quy Nhơn, Bình Định. Ông là một tiếng thơ vừa vang dội, vừa lắng đọng trong phong trào học sinh - sinh viên yêu nước trong các đô thị miền Nam trước 1975. Về già, thơ ông vẫn "sung", vẫn tả xung hữu đột…
Mộc mạc như một lão nông vừa dưới quê lên, đi đâu ông cũng một xe đạp cà tàng, dáng đạp xe chả mệt chả khỏe, nửa chú ý nửa lơ đễnh; vẻ mặt nửa khắc khổ, nửa như chả gì quan trọng. Nói chung, ông... không thích xe máy.
Tôi đọc thơ Lê Văn Ngăn trong những ngày còn là sinh viên Đại học Đà Lạt. Ấy là những bài thơ ông "gởi cho đông vui" (như sau này ông tâm sự) dự thi thơ Tuần báo Văn Nghệ 1990 -1991 và sau đó đoạt giải nhì. Đây là một trong những giải thưởng hiếm hoi của ông "bị lộ diện". Ông bảo mình không thuộc tạng thích đem tác phẩm đi thi thố, kể cả in tập; trong lúc, thơ ông khá nổi tiếng với nhiều bạn đọc. Nhiều người hối thúc, sẵn sàng bỏ tiền tài trợ để ông in nhưng mãi đến khi bước sang tuổi 65, ông mới chịu cho in tập... công khai "Viết dưới bóng quê nhà" với 46 bài trong hàng ngàn thi phẩm của mình. Khi tôi hỏi về những tập thơ của ông mà đó đây vẫn nhắc, như "Vào một thời in bóng", "Thư về Hà Nội", "Trên đồng bằng", "Sóng vẫn đập vào eo biển", ông cười, thừa nhận: "Ừ, mình nhớ tập này có, tập kia... cũng có. Nhưng toàn là in "chui" thôi, nghĩa là dồn thơ lại, in roneo phát bạn bè đọc chơi...". Chính xác, nếu là thơ in có phép, ông chỉ có mỗi tập "Viết dưới bóng quê nhà".
"Già" Ngăn tặc lưỡi: "Thơ của thi sĩ thuộc về người đọc, thơ hay thơ dở chỉ cần "lộ" ra một tí là thiên hạ biết ngay! Chỉ cần in báo, in mấy tuyển chung với anh em… kiếm tí nhuận bút cà phê là đủ rồi". Bản tính lặng lẽ vẫn là dấu ấn lớn nhất của đời ông, khiêm nhường cả trong lúc… say! Giọng Huế rặt ri, dẫu gần trọn cuộc đời sống xa quê. Những dòng thơ xuôi theo tâm tưởng, không một chút vần vè nhưng đầy âm nhạc...
Nhà thơ Nguyễn Tường Văn, người sát cánh với Lê Văn Ngăn trong phong trào học sinh - sinh viên yêu nước tại Đà Lạt, nói: "Lê Văn Ngăn thực sự là một "huynh trưởng" trong những ngày đấu tranh cam go ở Đà Lạt. Những bài thơ rực lửa của anh trên các tờ Đối diện, Trình bày,… đã góp phần kích thích tinh thần yêu nước, sẵn sàng xả thân vì dân tộc ngay trong lòng đô thị luôn bị bố ráp của Mỹ - ngụy...".
Là người gần gũi Lê Văn Ngăn nhiều năm, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng nhận xét: Thi sĩ họ Lê là một người hạnh phúc. Nhắc tên, anh em thường kèm theo hàng lô hàng lốc những giai thoại. Anh mây trời gió nước đến nỗi khi đi nhậu khuya về gọi cửa, anh quên mất tên bà xã mà gọi đích danh bà hàng xóm. Gặp nhà thơ X, anh mừng rỡ luống cuống bảo: "Trời ơi, lâu quá, giới thiệu với ông đây là nhà thơ Y" là chuyện hết sức bình thường.
Ông "nhầm" người vô hồi kỳ trận. Nhưng hình như có "luật nhân quả", người thân của ông cũng đã có lúc nhầm trở lại. Có lần ông về Huế, một người bạn làm nha sĩ nhìn cảnh ông "hàng tiền đạo bị thẻ đỏ", tức "lợi một bên mà răng một bên", thương tình tài trợ cho bộ răng giả xịn. Ông đáp tàu về Quy Nhơn định khoe với vợ trước tiên. Vợ ông ra mở cửa, nhìn răng miệng ông mới "tân trang", tưởng vị khách lạ nào, buột miệng: "Anh Ngăn về Huế chưa vô, có gì hôm khác anh lại!"....
Còn chuyện ông mê ngồi quán so tài xe - pháo - mã, sợ mất xe đạp nên chạy ra khóa nhầm xe người khác cũng là chuyện… thường. Chỉ có chuyện ông "sáng chế" ra bài thuốc trị bệnh dạ dày của mình bằng cách… uống bia, thì thật khó mà có ai dám áp dụng theo!
2.
Ở Bình Định, nhà thơ Lê Văn Ngăn hay tiếp các nhà văn từ các nơi trong ngoài nước về. Kỷ niệm xưa ùa về trên từng góc phố Quy Nhơn, nơi những con người này, già trẻ khác nhau, nhưng đều quen thuộc từng gốc cây trứng cá, mùi nước mía, bánh xèo và bao nhiêu sự ồn ào của một vùng đô thị đối mặt với chiến tranh từ trước 30.4.1975. Vượt lên trên những ồn ào, họ đã có những trang viết đầy bản sắc về Quy Nhơn. Một bữa, đã "tê tê" mấy chén, Lê Văn Ngăn bỗng nói với tôi: "Mình nhớ quãng đời gian khổ mà tươi đẹp, ấy chính là... thời tán gái, thời mà bài thơ "Sóng vẫn đập vào eo biển" được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng". Và "eo biển" này đích thị là cái Eo Nín Thở (Quy Nhơn) hồi xưa chủ yếu rác, bây giờ được cải tạo lại đẹp rồi. Mỗi lần cùng anh em bè bạn ra nhậu, Lê Văn Ngăn hay gọi là đi "ăn biển"...
Bây giờ thì ông đã ngấp nghé tuổi 70. Vậy mà Rằm tháng Giêng vừa rồi ông đã đi cùng một số anh em văn nghệ, trong đó có tôi, trèo lên ngọn núi Đá Bia (Đèo Cả, Phú Yên) kỳ diệu. Ông không thích sự ồn ào, thà ai bắt ông ra tra tấn ông còn dễ chịu hơn bắt ông ra đọc thơ. Nhưng khi đã thương ai mến ai, thì việc rủ nhau trèo lên đỉnh cao 706 mét, hàng năm bảy tiếng đồng hồ vượt suối leo dốc, tuổi ngót nghét bảy mươi của ông cũng xem đó là việc xoàng. "Ghét thì một bước cũng không đi, nhưng quý mến nhau thì đèo dốc là chuyện nhỏ" - Ông nói vậy khi mái tóc bạc bồng bềnh trong mây.
Nếu hỏi Lê Văn Ngăn đang ở đâu, làm gì, giờ nào thì chỉ có Nguyễn Thanh Mừng rõ nhất. Hồi còn làm chung ở Hội Văn học, nghệ thuật Bình Định (Ngăn "phó", Mừng "trưởng"), hai ông này hay rủ nhau đi "trốn thơ". Là vì có quá nhiều vị khách tóc tai bù xù, sáng sớm đã trĩu hơi men, kẹp chai rượu và cuốn sổ thơ, tới đọc "bài mới làm hồi hôm, hay lắm..." tràng giang đại hải không có dấu hiệu dừng. Quá mất thì giờ, hai ông rủ rỉ tìm diệu kế. Sau này, hễ họ vào ngồi phòng Nguyễn Thanh Mừng thì năm mười phút sau có Lê Văn Ngăn gọi sang bảo lên Ủy ban... họp. Hễ họ vào phòng Lê Văn Ngăn thì cũng năm mười phút sau Nguyễn Thanh Mừng gọi lên Thành ủy... họp. Thực ra hai ông gọi "giải vây" cho nhau rồi ra quán tâm sự mọi thứ trên đời, trừ... thơ. Họ chỉ tâm đắc mỗi câu "Quy Nhơn thành phố thi ca/ Ăn cơm thì ít, bê-i-a (BIA) thì nhiều...".
Năm ngoái, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức trại sáng tác ở Nha Trang. Bình Định được mời ba suất, gồm nhà thơ Lê Văn Ngăn, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và một người nữa. Sau đó họ rút lại còn hai suất. Ông Mừng xin rút để người thứ ba kia khỏi thắc mắc. Nhưng ông Ngăn chỉ muốn đi với ông Mừng. Chiều bạn già, ông Mừng để ông Ngăn và một nhà thơ khác dự trại Nha Trang, rồi nửa chừng trại, ông bí mật từ Quy Nhơn vô "cuỗm" đồng chí Lê Văn Ngăn lên Đà Lạt để cùng dự lễ khai mạc triển lãm của một người bạn chung của hai người: Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Đi đâu họ cũng thích đi với nhau.
3.
Từ 20 năm trước, tôi đã thuộc làu bài "Quà tặng" của ông: "Anh gởi tặng em tiếng chuông đồng hồ điểm/ để ở hai nơi cách xa nhau, chúng ta cùng thức dậy giữa đêm khuya/ thầm hỏi về những tháng năm đã sống/ Hạnh phúc thường đến kèm theo những nỗi sợ hãi…". Còn một trong hai bài được trao giải Văn Nghệ là "Xa Đà Lạt" thì vẫn khiến ông day dứt: "Đà Lạt, nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm sâu sắc, giờ nghĩ lại xấu hổ vì những điều mình nói trong thơ cho thấy mình chưa hiểu bao nhiêu về con người của miền đất ấy…". Thế là ông dứt khoát không đưa vào tập thơ "công khai".
Xuề xoà trong cuộc sống nhưng quá khắt khe trong sáng tạo; nặng lòng với người quen thân và những vùng đất đã qua đã làm nên một miền tương tư trong những việc làm, những cuộc hàn huyên của ông. Và rồi ông lao động chữ… Nói như dịch giả Dương Tường, người ta không thể "trở thành" nhà thơ - hoặc anh là thi sĩ, hoặc anh chẳng bao giờ là thi sĩ. Lê Văn Ngăn thuộc vào trường hợp chẳng bao giờ cố làm nhà thơ, bởi trong máu và cả đời ông là thi sĩ.
Trò chuyện nhiều lần, mãi rồi Lê Văn Ngăn mới chịu "khai": Năm học đệ nhất (lớp 6 bây giờ) ông từng có thơ in trên Báo Phụ nữ Thứ bảy - Sài Gòn. 18 tuổi, ông viết bài "Người phu xe": "Cha đã lăn cho con những vòng xe / mồ hôi chảy xuống lấp lánh mặt trời/ đọ sức cùng thiên nhiên/ (…) Sao mà những nếp nhăn/ sao mà khuôn mặt héo…". Bài thơ này đã làm nhiều bạn bè của ông xúc động khôn xiết!
Thời sinh viên (khóa 3, năm 1964 - 1966) ở Trường Sư phạm Quy Nhơn, ông đã từng in ronéo tập thơ có tựa "Trên đồng bằng". Năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn nghệ phát đi bài thơ "Sóng vẫn đập vào eo biển", tờ Thống Nhất đăng bài "Đất của những người bất phục" khiến tên tuổi Lê Văn Ngăn được các kẻ sĩ Bắc Hà chia sẻ như một đồng chí trên cùng một chiến tuyến...
So với nhiều bạn bè tài hoa cùng thế hệ, tên tuổi Lê Văn Ngăn lặng lẽ hơn nhiều, nhưng cái lặng lẽ đổi mới để thành một giọng điệu lãng mạn đến tận cùng, hiện thực đến tận đáy, làm sắt se tâm hồn người đọc. Cảm nhận về Lê Văn Ngăn, tôi thấy ông là một người hiếm hoi "sống gì mình viết nấy" và ngược lại. Nói như nhà thơ Ngô Thế Oanh, "thơ Lê Văn Ngăn thấm vào ta những cảm xúc bao giờ cũng chân thực, chân thành và với một thứ nhạc điệu, nhịp điệu nội tại, nội tâm một nét rất riêng trong nghệ thuật thơ ca mà không dễ nhà thơ nào cũng có được. Một bản lĩnh thơ rất hiện đại nhưng xa được những lý thuyết ồn ào. Thơ Lê Văn Ngăn chính là con người, cuộc đời anh".
. Theo Đào Đức Tuấn/CAND.COM |