Giữ lửa cho người truyền… lửa
19:20', 19/12/ 2012 (GMT+7)

Trước thực trạng các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đang ngày càng mai một, vai trò của các nghệ nhân nắm giữ những di sản văn hóa phi vật thể quý báu càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, những người truyền lửa đam mê văn hóa dân tộc trong các cộng đồng làng lại ít được quan tâm.

Những người truyền lửa

Từ nỗ lực tìm kiếm và thực hiện các hồ sơ thủ tục của Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tại Bình Định, Bình Định có hai nghệ nhân người DTTS là Đinh Dĩ và Đinh Thị H’Len được Hội VNDG Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp VNDG Việt Nam” năm 2007 về hát kể và truyền dạy sử thi hơmon của người Bana.

 
“Lớp trẻ bây giờ không thích chơi nhạc cụ dân tộc, chỉ dịp lễ hội, hội làng mới thấy chúng cùng nhau đánh cồng chiêng” - Nghệ nhân Phan Chí Thành (ảnh).

Nghệ nhân Đinh Dĩ (tên thường gọi Bok Đoang), là người Bana, sinh năm 1927, tại Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh. Thuở nhỏ, ông thường ngồi nghe cha hát kể sử thi cho dân trong làng, rồi thuộc lòng tất cả các hơmon của cha. Nghệ nhân Đinh Dĩ có trí nhớ tuyệt vời và tài kể hơmon nên được dân làng ngưỡng mộ, được mời kể cho các nhà nghiên cứu, sưu tầm ghi âm các bản hơmon. Ông có ý thức giữ gìn loại hình sinh hoạt văn hóa đặc biệt của dân tộc, đã truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng biết hát kể sử thi của dân tộc. Còn nghệ nhân người Bana Đinh Thị H’Len (Giá Xuân) sinh năm 1936, tại làng K2, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, cũng học hơmon từ cha, thuộc và kể rất nhiều các hơmon có lớp lang rõ ràng, giúp người nghe dễ nhớ, dễ thuộc…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tại Bình Định, ngoài hai nghệ nhân đã được công nhận, hiện chúng ta còn nhiều người đang gìn giữ nhiều vốn quý văn hóa của dân tộc. Như, nghệ nhân Đinh Văn Nhin, người H’re ở An Lão, thông thuộc các làn điệu dân ca cổ Ka luối, Kchoi, Kliêu của người H’re; nghệ nhân Đinh Văn Min, người H’re ở An Lão, thông thạo các hình thức văn nghệ cổ truyền người H’re; nghệ nhân Ngọc Hương, người Chăm H’roi ở Vân Canh, điệu nghệ trong các bài trống K’toang; già làng Phan Chí Thành, người Bana ở Phù Cát, giỏi chế tác, diễn tấu nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của người Bana...

“Các nghệ nhân này sẽ tiếp tục được lưu tâm. Nếu họ đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì chúng tôi sẽ làm hồ sơ đề nghị lên Chi hội VNDG Việt Nam đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân cho biết.

Đừng để mất...

Nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Nếu không có họ thì chắc chắn một khối lượng lớn các giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách tập trung nhất, cũng như không có “thầy” để dạy lớp trẻ

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam

Trước thực trạng các loại hình truyền thống của đồng bào DTTS đang ngày càng mai một, vai trò của các nghệ nhân càng trở nên quan trọng. Nhưng, họ hầu như chỉ được “nhớ đến” khi địa phương cần tham gia các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng.

Mới đây, chúng tôi tìm đến làng Trà Hương để gặp nghệ nhân Phan Chí Thành - người đạt giải thưởng Nghệ nhân cao tuổi tài năng và Nghệ nhân độc tấu nhạc cụ xuất sắc nhất trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS miền núi tỉnh Bình Định năm 2011. Năm nay đã 86 tuổi, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, có thể chơi đầy ngẫu hứng các nhạc cụ tự mình chế tác, như đàn Bơ-răng, đàn Bơ-ró, đàn Hơ-đoong, sáo Bê-lá… Đặc biệt nhất là Cổ vũ - một nhạc cụ rất độc đáo làm bằng gỗ xương mộc dáng hình thang (kích thước 0,8m x 0,4m), bên trong đục rỗng ruột. Khi đánh lên thì âm thanh của Cổ vũ lúc lảnh lót, dồn dập, hối thúc như tiếng hò reo cổ vũ săn thú trên rừng; lúc khoan nhặt, đều đều như tiếng mõ trâu bò về chuồng chiều hoàng hôn…

Nghệ nhân Phan Chí Thành tâm sự: “Già muốn truyền lại cho thế hệ trẻ vốn nhạc cụ của mình, nhưng trong làng chưa thấy ai ham thích. Người có đam mê thì mới sáng tạo được nhạc cụ, bài nhạc nói lên lòng mình trong tiếng đàn. Lớp trẻ bây giờ không thích chơi nhạc cụ dân tộc, chỉ dịp lễ hội, hội làng mới thấy chúng cùng nhau đánh cồng chiêng. Ngay cả cái đàn Cổ vũ của làng để tại nhà rông đã hơn 10 năm nay, bị hư hỏng, cần có một khúc cây xương mộc để làm Cổ vũ mới mà không ai tìm giúp”.

Ngoài việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian thể hiện sự trân trọng, động viên tinh thần là chính của Hội VNDG Việt Nam, các nghệ nhân người DTTS chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nào từ phía địa phương. Trong Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh có đề cập đến việc bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Thiết nghĩ, khi thực hiện Đề án này, cần đặt “trọng tâm” vào lực lượng nghệ nhân người DTTS để có những kế hoạch cụ thể bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý báu mà họ đang nắm giữ.

  • HOÀI THU - HOÀNG VÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dựng lại vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ  (19/12/2012)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn: Không bao giờ "lớn tiếng"  (19/12/2012)
Cầu truyền hình “Huyền thoại Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của sự kiên cường  (19/12/2012)
Văn hóa dân tộc - “vũ khí bí mật” làm nên chiến thắng (*)   (18/12/2012)
10 sự kiện âm nhạc tiêu biểu năm 2012   (18/12/2012)
Giai đoạn mới, khí thế và thuận lợi mới  (18/12/2012)
Nghiệp tuồng như duyên nợ vấn vương  (17/12/2012)
Khánh thành Khu lưu niệm Ban Tổ chức Khu ủy Khu V  (17/12/2012)
Việt Nam- Nhật Bản hợp tác làm phim về Phan Bội Châu  (17/12/2012)
Bảo tồn Thập bát ban binh khí  (15/12/2012)
Quà quê  (15/12/2012)
Nữ chủ quán xinh đẹp  (15/12/2012)
NS Thanh Phúc vẹn nguyên hồi ức "Hà Nội chiến thắng B52"  (14/12/2012)
800 tỷ đồng trùng tu di tích Cố đô Huế  (14/12/2012)
Đổi thay ở một xã văn hóa  (13/12/2012)