Tiêu chí nào cho lễ phục Việt Nam?
17:7', 22/12/ 2012 (GMT+7)

Ngày 21.12, Bộ VH, TT&DL đã tổ chức hội thảo "Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn". Hội thảo một lần nữa xới lên vấn đề được bàn thảo gần 30 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Và một lần nữa các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải có lễ phục Việt Nam, vấn đề còn lại là xây dựng lễ phục thế nào cho phù hợp.

Lễ phục khẳng định bản sắc văn hóa

Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa dân tộc Việt Nam khẳng định: từ xưa đến nay, hầu hết các nước đều có lễ phục riêng, nhất là ở Châu Á. Khi nhìn vào lễ phục người ta có thể nhận biết ngay đó là nước nào. Ở Việt Nam, trong quá khứ chúng ta cũng có lễ phục, thường dùng trong những ngày lễ hội, khánh tiết.

 

Áo dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. 

Dưới góc nhìn xã hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho hay: Nhiều tài liệu cho thấy các cụ ngày xưa đã mặc áo dài, đội khăn xếp đứng cạnh mấy viên quan Tây. Sau này cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố cũng mặc tương tự như vậy đứng trong hàng ngũ Chính phủ nhiều người mặc veston. Chủ tịch Hồ Chí Minh đêm giao thừa năm Bính Tuất (1946) cũng mặc bộ áo đen, khăn xếp, quấn thêm cái khăn "phula" vào đền Ngọc Sơn xem nhân dân ăn Tết độc lập đầu tiên ra sao.

Tương tự, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh, dấu hiệu đầu tiên để phân biệt người của quốc gia, dân tộc này với dân tộc khác là trang phục và ngôn ngữ. Hiện nay, ngôn ngữ của chúng ta đã rõ ràng (kể cả văn tự và chữ viết), không thể lẫn với bất cứ ngôn ngữ nào khác. Tiếc rằng, y phục của người Việt ta hiện nay từ nông thôn tới thành thị đều giống nhau, na ná các nước Châu Âu, cho nên sự phân biệt giữa các tộc người lại quy về ngôn ngữ và màu da.

Trên bình diện rộng hơn, 74 nước trên thế giới đã có lễ phục dân tộc, vì thế Việt Nam là đất nước giàu truyền thống, bản sắc văn hóa cũng rất cần có lễ phục.

Lễ phục phải đặc biệt

Lễ phục khẳng định bản sắc văn hóa cho nên tiêu chí để xây dựng lễ phục Việt Nam được nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo. Theo GS-AHLĐ Vũ Khiêu, lễ phục được sử dụng ở những hoàn cảnh, phạm vi tổ chức khác nhau (gia đình, xã hội, giao tiếp quốc tế), nhưng dù sử dụng ở hoàn cảnh nào cũng cần đáp ứng được các tiêu chí: gọn gàng trong lao động, thoải mái khi nghỉ ngơi và trang nghiêm trong nghi lễ. Lễ phục ở nam giới thì cần tạo được dáng mạnh mẽ, khỏe khoắn, ở phụ nữ thì tạo dáng dịu dàng nhưng sắc sảo và tôn được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Trung Quốc cho rằng, lễ phục khác âu phục, lễ phục trong ngoại giao khác lễ phục trong lễ hội, không đơn thuần có một bộ lễ phục duy nhất áp dụng cho mọi đối tượng, hoàn cảnh. Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Lê Anh Vân nói: Lễ phục trước hết phải đẹp, sang trọng, giới tính phải rõ. Kiểu dáng của lễ phục nên thống nhất nhưng màu sắc thì nên khác nhau để phân biệt cấp trên, cấp dưới.

Ủng hộ sự cần thiết phải có lễ phục, nhiều ý kiến đề xuất khai thác lễ phục dùng cho lễ hội Đền Hùng và lễ phục may tặng các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị APEC năm 2006 để lựa chọn những điểm ưu việt nhất. Còn lễ phục với nữ dựa trên mẫu áo dài truyền thống, cách điệu cho trang trọng. Chất liệu may lễ phục nữ là lụa, áo màu đỏ tía bên trong, phủ lớp đen bên ngoài kết hợp với quần màu đen, tạo sự nền nã, nhã nhặn. Một số ý kiến khác lại cho rằng, lễ phục với nam có thể phát triển theo hình mẫu trang phục truyền thống: khăn đóng - áo dài…

Rõ ràng vấn đề lễ phục, quốc phục cần được nhìn nhận như là một trong những tiêu chí văn hóa của dân tộc. Bộ VH,TT&DL với vai trò, trách nhiệm của mình cần phải làm ngay, làm thật quyết liệt, đừng vì lý do nào đó mà bàn thảo xong rồi lại bỏ đấy. "Hôm nay chúng ta không xây dựng được bộ lễ phục phù hợp là chúng ta vừa có lỗi với tiền nhân, vừa thiếu trách nhiệm với lớp con cháu mai sau" - Nhà văn Hoàng Quốc Hải kiến nghị.

. Theo HNMO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vĩnh Kim mở Hội cồng chiêng  (21/12/2012)
“Đất Bình Định hội tụ đầy đủ đặc trưng của nghệ thuật bài chòi”  (20/12/2012)
Xã Vĩnh Kim tổ chức ngày hội cồng chiêng  (20/12/2012)
Người đẹp Mỹ đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ 2012  (20/12/2012)
Kỷ niệm 27 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (19/12/2012)
“Hạt nhân” của phong trào văn hóa cơ sở  (20/12/2012)
Giữ lửa cho người truyền… lửa  (19/12/2012)
Dựng lại vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ  (19/12/2012)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn: Không bao giờ "lớn tiếng"  (19/12/2012)
Cầu truyền hình “Huyền thoại Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của sự kiên cường  (19/12/2012)
Văn hóa dân tộc - “vũ khí bí mật” làm nên chiến thắng (*)   (18/12/2012)
10 sự kiện âm nhạc tiêu biểu năm 2012   (18/12/2012)
Giai đoạn mới, khí thế và thuận lợi mới  (18/12/2012)
Nghiệp tuồng như duyên nợ vấn vương  (17/12/2012)
Khánh thành Khu lưu niệm Ban Tổ chức Khu ủy Khu V  (17/12/2012)