Ngày hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, vừa diễn ra vang vọng những niềm vui giữa đại ngàn. Người dân trong làng mặc những bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất, đem những nhạc cụ, bài hát, điệu múa hay nhất về vui hội, để cùng hòa quyện trong bản sắc văn hóa truyền thống ngàn đời.
|
Múa “Mừng anh hùng Núp” của làng K6. |
Rộn ràng vui hội cồng chiêng
Kể từ sau ngày giải phóng đến nay, lần đầu tiên mới có riêng một ngày hội cồng chiêng diễn ra ở huyện Vĩnh Thạnh, xuất phát từ sự tài trợ của một doanh nghiệp. “Đơn vị kết nghĩa với xã Vĩnh Kim là Công ty cổ phần Gạch tuy nen Bình Định đã tài trợ 180 triệu đồng để mua 6 bộ cồng chiêng mới cho 6 làng trong xã và mong muốn tổ chức một ngày hội cho người dân diễn tấu những bộ cồng chiêng đó. Đây cũng là điều mà bà con chúng tôi đã mong mỏi từ lâu rồi!”, ông Đinh Mun, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết.
Từ sáng sớm ngày 20.12, đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng đã nô nức vượt đường rừng, băng đèo, lội suối, có mặt tại trụ sở UBND xã Vĩnh Kim để chuẩn bị vào hội. Bok Du, 79 tuổi, già làng O5, tâm sự: “Bộ cồng chiêng chung của làng đã bị hư nên mỗi khi vui hội đánh không hay, không sướng. Có được bộ cồng chiêng mới, già thấy phấn khởi, cùng tập với con cháu trong làng để tham gia ngày hội”.
Sau phần nghi lễ đâm trâu, các đội cồng chiêng của từng làng đã diễn tấu đầy hứng khởi một bài theo chủ đề tự chọn và một bài chiêng gắn liền với lễ hội. Những bộ cồng chiêng mới đã có cơ hội cất lên những tiếng vọng của đại ngàn, vang lên những âm thanh trầm bổng của niềm phấn khích trong ngày hội tình đoàn kết.
Nghệ nhân Đinh Y Băng, thành viên ban giám khảo của liên hoan, nhận xét: “Người Bana Kriêm có hai bài chiêng cổ mang ý nghĩa rất lớn, là bài Groong Táp dùng trong đám khấn cúng, đám cưới và bài Groong Kappô dùng khi trong làng có việc vui hay đám khấn. Thật mừng khi thấy phần lớn các làng về tham dự vẫn giữ được khá nguyên vẹn phần hồn các bài chiêng cổ này. Ngoài những người lớn tuổi, các bạn trẻ cũng thể hiện khá tốt kỹ thuật và sự hòa hợp khi diễn tấu cồng chiêng”.
Góp phần thành công cho các màn diễn tấu cồng chiêng là các đội múa xoang của phụ nữ Bana Kriêm. Cụ bà Đinh Thị Thơi, 78 tuổi, ở làng O5, vui vẻ cho biết: “Các cháu trong làng đã làm đúng theo sự chỉ dạy của tôi từ những việc nhỏ như đi chân không khi múa xoang, đến phối hợp nhịp nhàng cả tay, chân, mắt luôn nhìn về phía trước chứ không được cúi gằm mặt… để thể hiện nét duyên dáng và sự tươi vui trong ngày hội. Đội xoang của các làng khác cũng biểu diễn rất đẹp”.
|
Nghệ nhân làng K6 độc tấu nhạc cụ Hê hô. |
Ấn tượng về sự mới mẻ
“Sau khi tham gia ngày hội trở về, các làng phải giữ gìn cẩn thận bộ cồng chiêng mới được tặng. Giữ gìn ở đây không phải là đem cất trong kho, trong tủ khóa kín, mà cần thường xuyên tổ chức các hoạt động luyện tập, trình diễn để nâng cao ý thức bảo tồn cồng chiêng của người dân”.
(Ông LÊ CÔNG CHÍNH, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim) |
Ngày hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim đã thêm phần thành công với chương trình thi văn nghệ dân gian vào tối cùng ngày. Trong chương trình biểu diễn của làng O5, nghệ nhân Bok Du độc tấu đàn Pơlơkhơng bài “Con nhỏ đi học” đã được sự phụ họa đầy hồn nhiên của một nghệ nhân cao tuổi khác chơi đàn Pơrăng, tạo sự hòa hợp gây ấn tượng cảm xúc cho người nghe.
Xem màn độc tấu Hê hô bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và “Gring Gring to phao” của hai nghệ nhân Đinh Thị Bươi, Đinh Thị Lanh, ở làng K6, có cảm giác loại nhạc cụ độc đáo này sinh ra là để tôn vinh đôi bàn tay lao động cứng cáp vì công việc nương rẫy nặng nhọc, nhưng vẫn vô cùng uyển chuyển, khéo léo của người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Và, ấn tượng mạnh nhất là tiết mục độc tấu đàn Pơlơkhơng bài “Đuổi chim sẻ ăn lúa” của nghệ nhân Đinh Giêng, 57 tuổi, ở làng Đăktral. Nghệ nhân Đinh Giêng có phong cách biểu diễn “chuyên nghiệp” nhưng đầy ngẫu hứng từ cách diễn xuất khi bước ra trên sân khấu, cách “múa” hai bàn tay cầm dùi gõ trên nhạc cụ để tạo ra những âm thanh trầm bổng, réo rắt…
Đêm văn nghệ dân gian còn gây ấn tượng với những tiết mục hát dân ca, múa được dàn dựng khá tốt. Từ trang phục, nhạc cụ dân tộc đệm nhạc trực tiếp, đến cách chọn chủ đề nội dung, cách tạo hình, sáng tạo động tác múa đều dựa trên bản sắc văn hóa truyền thống, do lực lượng diễn viên trẻ biểu diễn. Như trong bài múa “Mừng anh hùng Núp” của làng K6, “Thanh niên làm theo lời Bác” của làng Đăktral, “Mừng lúa mới” của làng O5… Chị Đinh Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng K6, tâm sự: “Tôi đã dàn dựng cho các chị em trẻ trong thôn luyện tập tiết mục múa, hát dân ca gắn với chủ đề chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12 để tham gia ngày hội. Đây là dịp để những người trẻ hiểu biết và trân trọng hơn những giá trị của văn hóa truyền thống”.
|