Con đường lấm bụi
22:31', 22/12/ 2012 (GMT+7)

* Truyện ngắn của MỘC ANH

“Hường thấy người ta đồn mẹ Khanh đi làm giúp việc. Nghe nói Khanh sắp lấy chồng đại gia, sao để mẹ khổ thế?”, tin nhắn của đứa em con cô ruột làm Khanh đứng ngồi không yên. Vậy mà mẹ không thèm nói một lời với Khanh. Thật chẳng ra làm sao!

Khanh vẫn hằng tự hào vì vẻ đẹp của bố mẹ, bởi mối tình đẹp của họ. Bố mất đi rồi, mẹ vẫn đẹp và được nhiều đàn ông săn đón. Ở ngưỡng 50 tuổi, những đường nét trên gương mặt và thân thể mẹ thêm chín muồi, mặn mà. Nhìn Khanh nhiều lúc chẳng đã mắt bằng mẹ. Hàng tạp hóa nhà Khanh bán chạy một phần cũng nhờ duyên ăn nói và sức hấp dẫn của bà góa xinh đẹp.

Vậy mà giờ mẹ bỏ tất cả để đi làm người giúp việc.

* * *

Bây giờ, ngồi trước mặt Khanh, với câu hỏi nặng nề, mẹ vẫn giữ gương mặt bình thản, nhẹ nhàng. Gương mặt như một mặt hồ hiền hòa, phẳng lặng. “Con thấy mẹ có khéo léo, nhẹ nhàng, có ân cần chu đáo không?”; không để Khanh kịp trả lời, giọng mẹ trầm xuống: “Giúp việc cũng là một nghề chính đáng. Mẹ có những tố chất của một người giúp việc tận tụy. Công việc này chẳng có gì xấu cả”. Máu dâng lên mặt Khanh. Đành là thế, nhưng mẹ phải nghĩ cho đứa con gái duy nhất chứ. Danh giá như gia đình chồng tương lai của Khanh, liệu có chấp nhận một bà thông gia làm nghề giúp việc nhà không. “Đây là lần đầu tiên con cảm nhận được sự ích kỷ ở mẹ. Và con nghĩ điều mẹ nói ra không phải là lý do”, khi nói ra điều đó, cổ Khanh nghèn nghẹn.

Trước khi về nhà và chất vấn mẹ, Khanh đã ghé qua nhà cô Lý - em ruột của bố Khanh, mẹ của Hường. “Nghe nói chủ nhà góa vợ mấy năm nay, còn phong độ lắm, có đứa con gái, cũng trạc tuổi mày”, cô đứng chống nạnh trước cửa, như chỉ chực chờ Khanh về để “tố cáo”. Hường từ đâu chạy về, chân dài như cẳng sếu chụm miệng bĩu môi: “Chà! Nhất Khanh! Song hỉ lâm môn. Có ông bố dượng như thế, khỏi lăn tăn vấn đề môn đăng hộ đối nhé”.

* * *

Khanh thất thểu đi bộ về nhà trên con đường lấm bụi. Những lời của Hường như bụi, cứ bám riết lấy từng bước chân. Mà bước chân thì đã phải gánh thêm một vết đau nhức nhối do tai nạn xe máy từ mấy tháng trước chưa lành. Nếu là trước đây, Khanh sẽ không cần để tâm. Là em con cô, lại học cùng lớp, nhưng từ nhỏ Hường đã hay ghen tị với Khanh. Kể cả khi đã xa nhà nhưng nhờ bạn làm hiệu trưởng, Khanh xin được cho Hường công việc nấu ăn nhàn hạ ở trường mầm non, nó vẫn không ngừng so sánh.

Khanh đã định đến căn nhà ấy, tìm hiểu về chủ nhà góa vợ và sẽ nói những lời để họ không thuê mẹ Khanh nữa. Nhưng Khanh đã không làm điều đó. Nếu nó xảy ra và mẹ biết được, Khanh biết, có thể bà sẽ không nói gì. Chính sự im lặng đó sẽ là khoảng cách khó tan biến giữa Khanh và mẹ. Một phụ nữ dịu dàng và xinh đẹp không đáng bị đối xử như vậy.

* * *

Ngay lúc này, Khanh rất bận rộn. Cường đã lên kế hoạch cho một tiệc chia tay thời độc thân hoành tráng. Đôi vợ chồng sắp cưới sẽ là nhân vật chính trong bữa tiệc này. Khanh đang băn khoăn không biết nên mặc kiểu váy gì cho phù hợp. Một vết cào lớn ở bắp chân không cho phép một cô gái mặc váy ngắn. Từ mấy tháng nay, những chiếc váy Khanh bận còn có độ dài gấp rưỡi mẹ chồng tương lai.

Đó là một phụ nữ rất hiện đại. Bà có khung xương lớn và thích mặc váy bó sát. Đôi lần, Khanh tự nhủ nếu mẹ mặc những bộ váy ấy, với thân hình mềm mại, cân đối, chắc chắn sẽ quyến rũ hơn mẹ Cường rất nhiều. Bà đã từng ngại ngần khi con trai yêu một cô gái có hoàn cảnh neo đơn, xuất thân bình thường. Nhưng rồi sự cứng cỏi của Cường cùng những nỗ lực của Khanh đã làm bà thay đổi. Bà đổi ý, rằng quan trọng Khanh là người có học, một cô gái tốt, xứng đáng cai quản gia sản khổng lồ của gia đình chồng.

Mẹ Cường sẽ nghĩ thế nào khi biết bà thông gia tương lai mà có lần gặp, bà đã khen “xinh đẹp và quý phái” lại là một người giúp việc?

Khi nghe Khanh kể chuyện, Cường rất điềm tĩnh: “Chắc mẹ có lý do riêng. Mẹ là người phụ nữ thẳng thắn. Không có chuyện lấy cớ làm giúp việc vì điều em đang nghĩ đâu”.

Đôi khi, chính mình lại không thông cảm cho người thân bằng những người ngoài. Đó là một thiệt thòi cho người thân đó. Dù gì đi chăng nữa, Khanh cũng sốt sắng muốn biết lý do nhưng Cường ngăn lại: “Đến thời điểm thích hợp mẹ sẽ nói. Nếu em chen ngang lúc này sẽ không hay”.

* * *

Rồi cái tiệc chia tay thời độc thân cũng qua đi, đám cưới đã gần kề. Lần này Khanh về quê, có Cường đi cùng. Trên con đường lấm bụi, cả hai gặp Hường đang hì hụi đẩy một xe rùa chất đầy cát. Nó hơi ngường ngượng: “Có đống cát thừa ngoài trường mầm non. Hai đứa đẩy về để xây thêm gian bếp”. Đoạn, Hường giải thích: “Hắn đang xúc cát, là thợ xây, hai đứa định cuối năm tổ chức. Cường “ơ- rô” còn đứng đấy à, đẩy giúp đi chứ!”.

Lần đầu tiên Khanh thấy con Hường thật dễ thương. Nó liếc Khanh, dò hỏi: “Bác có liên lạc gì với Khanh không? Dễ đến cả tháng nay không ghé về thăm nom nhà cửa. Mà có xa xôi gì cho cam”. Khanh thấy cổ họng đắng ngắt. Cả tháng nay, nhiều bận Khanh gọi, mẹ còn không nghe máy. Vậy là mẹ định ở hẳn ở đó. Cái thị xã nhỏ như lòng bàn tay này, chẳng mấy chốc người ta tỏ tường hết.

* * *

Mẹ chỉ có một đứa con gái duy nhất. Mà đám cưới của Khanh đã gần kề. Nhưng rồi mẹ lại mải mê với chuyện riêng không nói và không ai hiểu. Khanh nghĩ về tất cả điều đó khi quét tước lại căn nhà lâu không có người ở. Nhà ngay bên cạnh đường, những tán lá dày không che nổi sự xâm lấn của bụi.

Mẹ về đúng lúc Khanh đang rửa mặt bên giếng. “Hường gọi điện cho mẹ bảo con về. Sao hai đứa về mà không nói với mẹ một tiếng”, giọng mẹ run run. Khanh quay mặt đi, giấu đôi mắt mờ nước. “Cường đèo mẹ ra chợ, để mẹ mua đồ nấu mấy món hai đứa thích”, mẹ phá tan sự im lặng.

Vậy đấy, căn nhà mà Khanh muốn trở về vì bao giờ cũng có mẹ chờ đợi đã thiếu đi nhân vật chính. Bỗng dưng, Khanh muốn làm một điều gì đó thật tàn nhẫn. Quàng ba lô trên vai, Khanh rời khỏi nhà, trở về thành phố khi chiếc xe Cường chở mẹ đi khuất.

* * *

Khanh tắt điện thoại, tín hiệu của sự từ chối mọi cuộc gọi. Nhưng rồi khuya hôm ấy, khi khởi động lại, tin nhắn của Cường làm Khanh choáng váng: “Mẹ vừa bị ngất. Đã được chuyển vào viện. Bác sĩ kết luận là bị suy nhược tinh thần và cơ thể kéo dài”.

Mẹ nằm đó, trên chiếc giường cũ kỹ của bệnh viện mấy chục năm tuổi. Chính nơi này, 26 năm về trước, Khanh đã ra đời. Có điều gì uẩn khúc khiến mẹ không thể nói thành lời với Khanh mà âm thầm chịu đựng đến đổ bệnh? Khanh gục đầu lên cánh tay đã gầy mòn, hư hao nhiều, nước mắt như những đám mây lơ lửng.

Tiếng đẩy cửa dù rất nhẹ vẫn khiến Khanh giật mình quay lại. Cường, một người đàn ông có gương mặt khắc khổ và cô gái ngồi trên xe lăn. Cô gái, Khanh đã từng gặp đâu đó, nom quen quen.

Rất ít người biết về câu chuyện đằng sau tai nạn xe máy của hai cô gái. Cả hai đều bị thương và được đưa vào hai bệnh viện khác nhau. Một cô bị xây xước nhẹ, còn cô kia đôi chân bị tê liệt. Ông bố của cô gái bị tê liệt chân sau đó đã tìm gặp bà mẹ của cô bị thương nhẹ hơn. Bà đã yêu cầu ông giữ im lặng và để con gái bà yên với một điều kiện, bà sẽ làm người đồng hành giúp đỡ cô gái trị liệu cho đến khi đôi chân khỏe mạnh trở lại.

Một khoảnh khắc, Khanh như người hôn mê sâu bỗng dưng bừng tỉnh. Trước mặt Khanh, con đường lấm bụi bỗng dưng hiện ra.

Trên con đường ấy, những ngày còn thơ bé, mẹ thường cõng Khanh ở sau lưng. Ngày gió mang theo những lốc bụi cuốn từng cơn lên từng bước chân mảnh khảnh nhưng kiên trì của mẹ.

  • M.A
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi một góc phố   (22/12/2012)
Rộn ràng vui hội cồng chiêng  (22/12/2012)
Tiêu chí nào cho lễ phục Việt Nam?  (22/12/2012)
Vĩnh Kim mở Hội cồng chiêng  (21/12/2012)
“Đất Bình Định hội tụ đầy đủ đặc trưng của nghệ thuật bài chòi”  (20/12/2012)
Xã Vĩnh Kim tổ chức ngày hội cồng chiêng  (20/12/2012)
Người đẹp Mỹ đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ 2012  (20/12/2012)
Kỷ niệm 27 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (19/12/2012)
“Hạt nhân” của phong trào văn hóa cơ sở  (20/12/2012)
Giữ lửa cho người truyền… lửa  (19/12/2012)
Dựng lại vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ  (19/12/2012)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn: Không bao giờ "lớn tiếng"  (19/12/2012)
Cầu truyền hình “Huyền thoại Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của sự kiên cường  (19/12/2012)
Văn hóa dân tộc - “vũ khí bí mật” làm nên chiến thắng (*)   (18/12/2012)
10 sự kiện âm nhạc tiêu biểu năm 2012   (18/12/2012)