Dự án đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) đã được triển khai. Dự án sẽ góp phần “đánh thức” một di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia có giá trị đặc biệt, vốn đã bị xuống cấp trong nhiều năm qua.
Tháp Bình Lâm có niên đại gần nghìn năm, mặc dù đã được gia cố chống sụp đổ song tháp vẫn đang trong tình trạng bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần mái tháp đã bị cây dại, các loại thực vật mọc trùm gây nguy hiểm cho cấu trúc xây của công trình. Kết quả khảo sát của Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT&DL, cho thấy tháp đang trong tình trạng bị nghiêng theo hướng Nam (khoảng 2 độ) và hướng Tây (khoảng 1 độ).
|
Kết quả khảo sát của Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT&DL, cho thấy tháp Bình Lâm đang trong tình trạng bị nghiêng theo hướng Nam (khoảng 2 độ) và hướng Tây (khoảng 1 độ). Ảnh: VĂN LƯU |
Tháp Bình Lâm hiện nằm trong khu vực dân cư sinh sống, một số công trình của khu dân cư đã được xây dựng trong khu vực chứa đựng các dấu tích khảo cổ học của các công trình kiến trúc thuộc khu đền tháp xưa. Con đường đi vào khu dân cư được mở sát mặt Bắc của tháp, đi qua phía trên các phế tích đế và nền sân xung quanh tháp. Vì thế, hiện trạng cảnh quan xung quanh tháp khá lộn xộn, điều kiện môi trường kém gây mất mỹ quan và giảm giá trị di tích.
Trước thực trạng trên và từ kết quả cuộc khai quật khảo cổ học năm 2008, tỉnh ta đã lập dự án quy hoạch và phục hồi di tích tháp Bình Lâm và được Bộ VH-TT&DL đồng ý. Viện Bảo tồn di tích đã được chọn để lập dự án đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích tháp Bình Lâm. Việc bảo tồn nhằm tu bổ, gia cố và phục hồi từng phần nhằm bảo đảm tối đa kiến trúc, tăng cường độ ổn định và duy trì độ bền vững, gia tăng tuổi thọ của các thành phần di tích gốc. Đồng thời, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Điều đáng nói là dự án đã đề xuất giải pháp tổng thể mở rộng phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích là 2.950m2, nhằm trả lại tối đa các thành phần không gian gắn liền với di tích gốc, tăng cường khả năng bảo vệ, nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích. Tổ chức lại các thành phần kiến trúc và cảnh quan xung quanh khu di tích, đảm bảo mục đích tham quan, nghiên cứu và thư giãn cho du khách, nhưng vẫn đáp ứng các nhu cầu hoạt động, sinh sống của dân cư trong vùng. Dự án triển khai các hạng mục tu bổ, gia cố và phục hồi từng phần kiến trúc tháp Bình Lâm, bao gồm cả các thành phần đế và móng tháp của phần di tích chưa phát lộ. Xây dựng các công trình phụ trợ, như: nhà bảo vệ tháp kết hợp đón tiếp khách, khu vệ sinh, cổng chính vào ở phía Nam, tường bao bảo vệ di tích, lối đi dạo, bồn trồng hoa, cây xanh, đèn chiếu sáng trang trí…
Ông Nguyễn Bình, Phó trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở VH-TT&DL, cho biết: “Kinh phí thực hiện bảo tồn và phục hồi di tích gốc của tháp từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các hạng mục khác sử dụng vốn địa phương và các nguồn huy động khác. Dự kiến, nếu có đủ nguồn kinh phí thì sẽ triển khai thực hiện dự án trong thời gian 3 năm”.
Đến thời điểm này, dự án đã khởi công các hạng mục đầu tiên để trùng tu di tích, có giải pháp kỹ thuật áp dụng trên cơ sở “trùng tu khảo cổ học” với phương châm bảo tồn tối đa tính nguyên gốc, sự xác thực của di tích và tình trạng hiện còn. Đối với bề mặt tường sử dụng kỹ thuật xây mài chập, khít mạch, sử dụng gạch gốc tái sử dụng hoặc gạch phục chế tương tự, kết dính bằng keo hoặc dầu thực vật. Khối xây lõi tường được sử dụng kỹ thuật xây có mạch vữa dùng gạch phục chế. Các bề mặt tường có hoa văn, họa tiết chạm khắc đã bị mất thì không phục hồi chi tiết, một số trường hợp cụ thể có thể phục hồi hình khối chạm khắc khi có đủ cứ liệu. Các chi tiết trang trí gắn ngoài bằng đá hoặc đất nung đã bị mất sẽ tiến hành phục chế hình khối bằng vật liệu tương tự… Dự án tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích tháp Bình Lâm với các giải pháp toàn diện và đồng bộ, khi hoàn thành sẽ tạo được một điểm nhấn du lịch văn hóa giá trị cho tỉnh nhà.
|