|
Hồn Việt là một trong những vở diễn thành công của Nhà hát tuồng Đào Tấn. ẢNH: HOÀI THU |
Cách đây 60 năm, tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, trong một đêm im tiếng súng từ hai phía ta và địch, bỗng nổi lên rộn rã tiếng trống, tiếng kèn tuồng khiến đồng bào náo nức kéo tới vây quanh sân khấu để xem hát bội (tuồng).
Đó là đêm biểu diễn ra mắt Đoàn tuồng Liên khu V, nơi tập hợp những tài năng hát bội ở Nam Trung bộ. Tiếp nối sau đó là những chuyến lưu diễn ở nhiều nơi. Năm 1954, Đoàn tuồng Liên khu V ra Bắc đã nhận được nhiều sự quan tâm, từng bước phát triển đội ngũ diễn viên tài hoa. Những vở diễn đặc sắc và mẫu mực trong nghề đã được ra đời, đồng thời phục hồi được hàng chục vở tuồng cổ và nhiều vở về đề tài lịch sử, đề tài hiện đại. Đoàn cũng đào tạo ra một đội ngũ diễn viên trẻ cung cấp cho các địa phương có tuồng trên cả hai miền Bắc và Nam.
Thành công rực rỡ
Sau ngày giải phóng, Đoàn tuồng Liên khu V được trở về với “khúc ruột miền Trung”, rồi dừng chân ở cái nôi tuồng Bình Định và trở thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình, sau này là Nhà hát tuồng Đào Tấn. Cuộc hồi hương lịch sử này không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió, khi trong những ngày đầu, một số nghệ sĩ cao niên ở xứ Quảng quay trở về Đà Nẵng, một số “ngôi sao” như Đàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc lại xin ra Bắc đoàn tụ gia đình.
Sự hẫng hụt này không thể bù đắp được trong một sớm một chiều. Nếu không có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình, khó có thể vực dậy “con chim đầu đàn của ngành tuồng” cả nước bay cao bay xa. Một lực lượng nghệ nhân tên tuổi ở ngay trên đất Bình Định, như: Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng, Ngọc Cầm, Lệ Suyền... được quy tụ về với Nhà hát tuồng Đào Tấn. Họ không những lấp “lỗ hổng” trên sân khấu, mà còn phục hồi được nhiều vở tuồng cổ có giá trị cao và đào tạo ra một lớp diễn viên trẻ tài năng. Cũng nhờ đó, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã dựng và biểu diễn được nhiều tiết mục mới gây tiếng vang, như: “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Sáng mãi niềm tin”, “Sao Khuê trời Việt”, “Bùi Thị Xuân”, “Trời Nam”, “Cội nguồn”, “Mộng bá vương”...
Một thành tích nổi bật của Nhà hát tuồng Đào Tấn là phục hồi được một số vở tuồng hay của nhiều tác giả, đặc biệt là Đào Tấn và Nguyễn Diêu. Nhà hát còn làm được công trình nghiên cứu về tuồng, âm nhạc tuồng, đặc biệt những công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo tồn
Nhìn lại chặng đường phát triển 60 năm qua, những gì Nhà hát tuồng Đào Tấn làm được vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng di sản tuồng hiện có trên đất Bình Định, nhất là di sản tuồng Đào Tấn và tuồng Nguyễn Diêu. Trong khi đó, Nhà hát tuồng Đào Tấn lại đầu tư quá nhiều công sức cho việc xây dựng những vở tuồng mới với đề tài mang tính hiện đại. Muốn “làm mới” thì buộc phải mời tác giả mới, đạo diễn mới, những người chưa hiểu mấy về đặc trưng nghệ thuật tuồng, nhất là tuồng Liên khu V và tuồng Đào Tấn. Điều này dẫn đến hệ quả “phá tuồng” hơn là xây dựng tuồng truyền thống đúng nghĩa của nó.
Nhân đây liên hệ một chút về kịch Noh của Nhật Bản, loại hình nghệ thuật đã trải qua 700-800 năm mà vẫn giữ được phong cách và bản sắc cổ điển, được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Nếu tuồng không được bảo tồn đầy đủ thì trong tương lai không xa, những đặc trưng, bản sắc tuồng sẽ biến mất và chỉ còn là “kịch tuồng” như ta nhìn thấy đâu đó hiện nay. Để xứng với truyền thống Nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn, thiết tưởng phải giữ cho được truyền thống tuồng Liên khu V và nhất thiết phải theo phong cách tuồng Đào Tấn từ sáng tác đến biểu diễn, âm nhạc...
60 năm nhìn lại đối với một đơn vị nghệ thuật dân tộc có tuổi đời cao nhất, có nhiều thành tích, tôi muốn nhắc lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ với nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, đại biểu Quốc hội ở đoàn tuồng Liên khu V từ năm 1963, là: “Tuồng, tốt đấy! Nhưng phải tiến, đừng dẫm chân tại chỗ, nhưng cũng đừng gieo vừng ra ngô”. Lời dặn của Bác Hồ là kim chỉ nam cho Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng như cho cả ngành sân khấu dân tộcViệt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, để có được một thành tựu nghệ thuật to lớn đáng tự hào như hôm nay. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo tồn và phát huy thật tốt di sản nghệ thuật “độc nhất vô nhị” này…
|