Tiếng hát át… mồ hôi
21:35', 29/12/ 2012 (GMT+7)

“Phong trào thì đã sẵn có, quan trọng là mình khuấy động lên thôi”, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân Phạm Thế Nhân đã nói như thế về văn nghệ quần chúng ở mảnh đất Trung du. Trong những ngày cuối tháng 12 này, Liên hoan các dàn nhạc không chuyên toàn huyện lần thứ 3 được tổ chức, đã thêm một sự khuấy động thật sự.

 

Tiết mục “Nơi đảo xa” đạt giải Nhất thể loại đơn ca bắt buộc của dàn nhạc Không tên.

 

Tham gia Liên hoan có 14 dàn nhạc không chuyên, là tập hợp nhiều ban nhạc nhỏ ở khắp các xã, thị trấn. Chương trình tham gia Liên hoan của mỗi dàn nhạc được xây dựng bài bản, nhất quán theo từng tuyến chủ đề. Mỗi chương trình kéo dài trong 25-30 phút, gồm 5 tiết mục ở các thể loại đơn ca, song ca, tam ca và hòa tấu.

“Sức nóng”

Suốt thời gian diễn ra Liên hoan (từ sáng 25 đến sáng 26.12), Hội trường Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân luôn sôi động. Không chỉ có “người nhà” của các dàn nhạc, đông đảo người dân đã tìm đến để thưởng thức cuộc đua tài của những “nghệ sĩ hai lúa”. Họ mấp máy hát theo tiếng hát da diết của Thanh Tùng (dàn nhạc Không tên) trong ca khúc “Nơi đảo xa”; nhịp chân, lắc lư theo nhịp điệu rộn ràng của bản “Dừng bước giang hồ” do dàn nhạc Đại - Kỳ - Thành hòa tấu; và vỗ tay không ngớt khi những âm thanh réo rắt của bản “Love story” (dàn nhạc Hậu - Lắm - Trí) kết thúc.

Không chỉ hòa mình vào từng tiết mục, khán giả còn bình luận về từng giọng ca, so sánh “ngón nghề” của từng nhạc công. Khi bản hòa tấu “Let it all be music”, tiết mục cuối cùng của dàn nhạc 3T kết thúc, cả hội trường như vỡ tung. Rất nhiều khán giả đã dành sự ưu ái đặc biệt cho tay trống rất trẻ trung. Ai cũng nghĩ đó là một tay trống nam, bởi mái tóc ngắn gọn gàng, nét mặt thô mộc, đặc biệt là tay trống khỏe khoắn tạo nên không khí náo nhiệt thật sự. Nhưng thực tế, tay trống “đình đám” đó lại là cô gái mới 17 tuổi - Phạm Thị Mỹ, ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ. Nhà Mỹ có một ban nhạc đám cưới của ba và 3 người anh trai. Năm 2011 Mỹ vào TP Hồ Chí Minh tầm sư học… đánh trống. “Thấy nó đam mê thật sự, tôi cũng không nỡ cản trở. Giờ thì Mỹ đã thành một tay trống thực thụ, tôi rất vui khi có thêm một thành viên mới trong ban nhạc gia đình”, ông Minh Tòng, ba của Mỹ hào hứng chia sẻ.  

Để có được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, từng thành viên của các dàn nhạc đã nỗ lực hết mình trong quá trình tập luyện và tham gia Liên hoan. Anh Ngô Đoàn Thành Trung, nhạc công của dàn nhạc Không tên, cho biết: “Sau khi đăng ký chương trình tham gia Liên hoan, chúng tôi phải bỏ ra hơn một tháng để tập luyện. Mỗi người mỗi nghề, một nỗi lo với cuộc sống thường ngày. Có chung niềm đam mê, nên ai cũng cố gắng thu xếp thời gian, tập luyện nghiêm túc để thể hiện thành công từng tiết mục”.

 

Một tiết mục ca hát tại đám cưới ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh.  

 

Cho đời thêm vui

Hoài Ân là đất lúa, đất rừng, nơi người dân nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó. Và, cũng có lẽ ít có nơi nào cái máu nghệ sĩ hay trỗi dậy như người dân xứ Trung du. Bất kể nam phụ lão ấu, hát hay hoặc dở đều có thể cầm micro lên sân khấu, “hát giữa mọi người, không ngại ngần”. Ca hát đã trở thành món ăn tinh thần đặc biệt không thể thiếu của người dân nơi đây.

Đời sống khấm khá, chuyện sắm một dàn máy karaoke cho gia đình là… chuyện vặt. Tính riêng xóm 1, thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, có khoảng 70 chục hộ dân thì hơn 70% có dàn karaoke gia đình. Những buổi tối đẹp trời, sau một ngày quần quật với ruộng đồng, vài cặp vợ chồng “bỏ nhỏ” gặp mặt tại nhà nào đấy để “hát cho nhau nghe”. Đặc biệt, mỗi khi có đám giỗ chạp, bao giờ cũng có “tăng 2” là ca hát.

Hát karaoke chưa thỏa, nhiều người thuê hẳn dàn nhạc về phục vụ vào các dịp giỗ chạp, sinh nhật... Có khi chẳng cần lý do, năm bảy người “hợp tác xã”, kêu nhạc về hát chơi. Tận mắt chứng kiến cảnh say mê ca hát mới thấy được sự yêu đời của người dân quê. Không thuộc bài hát thì ghi sẵn trước trong mảnh giấy, vừa nhìn vừa hát. Hát chưa đã, chồng nào vợ nấy còn dắt tay nhau lên nhảy, cười đùa rôm rả…

Có cung có cầu, các ban nhạc “đồng quê” mọc lên ngày càng nhiều. Người người đi học nhạc để làm nhạc công. Có tay lái heo, có bác lực điền, có anh thợ hồ, thợ rèn, thợ hớt tóc… đã trở thành nhạc công. Như anh thợ rèn Nguyễn Tấn Tiến cùng người em Nguyễn Tấn Thịnh là thợ hớt tóc ở Ân Thạnh, xưa bập bõm mấy ngón ghi-ta, mê quá theo học nhạc rồi lập ban nhạc Tường Thịnh “đua” cùng thiên hạ.

“Phát” để… “động”

Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hoài Ân hiện giờ có gần 50 ban nhạc “vườn”. Phạm vi hoạt động của họ mở rộng đến các huyện lân cận. Không chỉ là lực lượng nòng cốt, đại diện cho địa phương tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, họ còn nhiệt tình biểu diễn phục vụ các dịp giao quân, ngày hội đại đoàn kết, các dịp lễ, Tết…

“Phong trào đã có, quan trọng là phải quản lý như thế nào để phong trào ấy thật sự đi vào đời sống. Với quan niệm có “phát” mới có “động”, chúng tôi luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em để có sự định hướng phù hợp, gắn công tác quản lý với thực tiễn cuộc sống, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các ban nhạc hoạt động, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ”, ông Phạm Thế Nhân chia sẻ.

Kết quả Liên hoan: Giải Nhất toàn đoàn: dàn nhạc Hậu - Lắm - Trí; giải Nhì: dàn nhạc Hoàng - Duy - Hải; giải Ba: dàn nhạc Không tên; giải Khuyến khích: 4 dàn nhạc 3T, Sông Quê, Hậu - Sỹ - Hòa và Thuận Phi. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải ở các thể loại: đơn ca, song ca và tam ca, hòa tấu, dẫn chương trình. 

NGUYỄN VĂN TRANG

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xà cừ phố nhỏ  (29/12/2012)
Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  (28/12/2012)
60 năm bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng  (27/12/2012)
Bình Định được trao 3 giải thưởng  (27/12/2012)
Phát lộ kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành  (27/12/2012)
"Cao hơn bầu trời" - phim tri ân chiến sỹ phòng không  (27/12/2012)
Giữ bạn đọc bằng chất lượng phục vụ   (26/12/2012)
Ðề xuất giải thể trạm tiếp phát lại truyền hình  (26/12/2012)
Âm vang 40 năm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không  (26/12/2012)
14 dàn nhạc tham gia  (25/12/2012)
Ấn tượng triển lãm “Tam Quan mùa cói”  (24/12/2012)
“Ðánh thức” tháp Bình Lâm  (24/12/2012)
Hơn 90 ấn phẩm đạt giải thưởng sách Việt Nam 2012  (24/12/2012)
Con đường lấm bụi  (22/12/2012)
Nơi một góc phố   (22/12/2012)