“Ánh sáng” từ giai điệu
22:33', 29/12/ 2012 (GMT+7)

Nhóm nhạc AHF biểu diễn cho khách mời, người khuyết tật đến Cơ sở Nguyễn Nga trong ngày Quốc tế Người khuyết tật 3.12.2012.

Ngắm những thành viên trong nhóm nhạc khuyết tật AHF say sưa luyện tập, lắng nghe những thanh âm trong trẻo, dù đôi lúc còn vụng về, vấp váp, tôi hiểu bên trong những con người khiếm khuyết ấy là một tâm hồn tròn đầy ánh sáng, đam mê và nghị lực.

Kết nối đam mê

Tháng 7.2012, Cơ sở Nguyễn Nga thành lập nhóm nhạc khuyết tật mang tên AHF (AHF là các ký tự đầu tiên của cụm “All have fun, all have future”, tạm dịch “Tất cả vì niềm vui, tất cả vì tương lai”). Nhóm có 6 thành viên là người khiếm thị và 2 thành viên là người khuyết tật vận động. Cả 8 thành viên đang được 4 giáo viên là các nhạc sĩ, nhạc công trong tỉnh hướng dẫn, giảng dạy về nhạc cụ truyền thống lẫn hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi hội trưởng Chi hội Nguyễn Nga (thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh), chia sẻ: “Thường xuyên tiếp xúc và làm việc cùng người khuyết tật, tôi hiểu các em, đặc biệt là những người khiếm thị, rất vất vả để mưu sinh, hòa nhập với cộng đồng và vươn lên khẳng định mình. Tôi nghĩ âm nhạc sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng của các em trên con đường gian nan ấy”.

Quả vậy, âm nhạc đã “ghép nối” những mảnh đời khiếm khuyết với nhau. Yêu nhạc từ nhỏ, từng tự học guitar một thời gian, nhưng vì cuộc mưu sinh, chị Nguyễn Thị Gái, 46 tuổi, ở huyện Tây Sơn, phải từ bỏ niềm đam mê ấy. Khi nghe thông tin về nhóm nhạc cho người khuyết tật được thành lập, dù đã lớn tuổi, chị vẫn xin được tham gia để được sống với niềm mơ ước một thời.

Cùng cảm xúc ấy, bạn Dương Văn Hiếu, 22 tuổi, rời vùng quê Ân Nghĩa, Hoài Ân, để được đồng tấu cùng AHF. Bị bao vây bởi bóng tối từ khi vừa sinh ra, Hiếu chỉ có gia đình và âm nhạc bầu bạn. Những giai điệu du dương, trầm bổng đã nuôi lớn tâm hồn chàng trai ấy. Bởi vậy, dù chưa một lần “biết mặt” cây đàn organ, lại nhập học trễ hơn các anh chị, nhưng Hiếu đã tiến bộ rất nhanh.

Tuy mới được thành lập chưa lâu, nhưng nhóm nhạc AHF đã bắt đầu xuất hiện trong một số chương trình văn nghệ dành cho người khuyết tật. Mỗi lần như thế, từng thành viên của nhóm nhạc lại như được tiếp thêm sức mạnh để theo đuổi niềm đam mê. “Nhớ một lần được biểu diễn vào ngày Quốc tế Người khuyết tật tại Cơ sở Nguyễn Nga, chúng tôi đã nhận được những tràng vỗ tay giòn giã của người xem. Khoan đề cập đến chuyện hay dở, với chúng tôi, việc có thể tự tay khảy lên những khúc đàn như thế đã là một hạnh phúc lớn lao, giúp chúng tôi quên đi những khiếm khuyết của bản thân, lạc quan, vững vàng hơn trong cuộc sống”, chị Cao Thị Ngọc Phượng, tay đàn tranh của nhóm hân hoan chia sẻ.

Tiếp thêm nguồn sáng

Bên cạnh loại nhạc cụ hiện đại như trống, organ, guitar, các thành viên của nhóm còn được hướng dẫn tập luyện nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu. “Khó lắm!”, anh Lê Văn Đây, ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, thốt lên như thế khi kể cho tôi nghe về những ngày đầu tập đàn nguyệt. Giai điệu phát ra từ nhạc cụ truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt của đôi bàn tay trong cách nhấn nhá, cách rung. Vậy nên, đôi tay của người khiếm thị phải vất vả gấp đôi, vì vừa là tay mà cũng là… mắt.

“Chúng tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người khuyết tật nữa sẽ đến với nhóm nhạc AHF để thỏa mãn niềm say mê âm nhạc, tự khẳng định mình và lạc quan, vững tin hơn trong cuộc sống. Ngoài học nhạc, cơ sở còn tạo điều kiện để các anh chị được tiếp xúc với chữ Braille, được học ngoại ngữ và tin học”.

Bà NGUYỄN THỊ THANH NGA, Chi hội trưởng Chi hội Nguyễn Nga

Ông Đinh Văn Nhân, chỉ huy dàn nhạc truyền thống của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, người hướng dẫn tập đàn nhị, đàn nguyệt cho nhóm nhạc AHF cũng ghi nhận: “Thật không dễ dàng để những người khiếm thị học nhạc cụ truyền thống. Để hoàn thành một bài nhạc, trò phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần người bình thường. Đâu chỉ trò, bản thân thầy cũng phải nhẫn nại, mềm mỏng khi các em rất dễ tổn thương. Đến thời điểm hiện tại, các em đã có thể diễn tấu nhiều tác phẩm ở mức độ căn bản như: Lý thương nhau, Lưu thủy, Lý ngựa ô…”.

Nhạc sĩ Lý Anh Võ, giảng viên khoa Năng khiếu - Giáo dục Quốc phòng, Trường Cao đẳng Bình Định, người giảng dạy các nhạc cụ hiện đại cho nhóm nhạc, chia sẻ: “Tôi là người trưởng thành trong âm nhạc nhờ tự học, không qua đào tạo chính quy nên hiểu những người “tay ngang” như các em nên bắt đầu từ đâu. Vì phần lớn các em là người khiếm thị nên chúng tôi thường hướng dẫn theo hình thức truyền khẩu, đồng thời cũng luyện cho các em cách tự đếm nhịp, đếm phách để sau này có thể tự tập luyện theo băng đĩa. Với những nỗ lực như hiện tại, tôi tin trong tương lai các em có thể tạo dựng được vị thế nhất định cho nhóm nhạc của mình”.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếng hát át… mồ hôi  (29/12/2012)
Xà cừ phố nhỏ  (29/12/2012)
Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  (28/12/2012)
60 năm bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng  (27/12/2012)
Bình Định được trao 3 giải thưởng  (27/12/2012)
Phát lộ kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành  (27/12/2012)
"Cao hơn bầu trời" - phim tri ân chiến sỹ phòng không  (27/12/2012)
Giữ bạn đọc bằng chất lượng phục vụ   (26/12/2012)
Ðề xuất giải thể trạm tiếp phát lại truyền hình  (26/12/2012)
Âm vang 40 năm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không  (26/12/2012)
14 dàn nhạc tham gia  (25/12/2012)
Ấn tượng triển lãm “Tam Quan mùa cói”  (24/12/2012)
“Ðánh thức” tháp Bình Lâm  (24/12/2012)
Hơn 90 ấn phẩm đạt giải thưởng sách Việt Nam 2012  (24/12/2012)
Con đường lấm bụi  (22/12/2012)