Phiêu du trên cánh đồng ngậm sữa (*)
9:46', 30/12/ 2012 (GMT+7)

Những người Tây Sơn tôi quen đều cho cảm giác họ như hòn cuội tự mài tròn mình dưới lòng sông Côn. Nhà thơ Cao Văn Tam cũng thế. Tập thơ “Tiếng chuông gió mùa hè” của ông rất đáng đọc, nhưng chỉ xuất hiện lặng lẽ như một tặng phẩm mà nhà thơ gửi tặng bạn bè, tri âm.

Trọn vẹn mười năm kể từ lúc ra tập thơ đầu tay “Dấu chân”, cuối năm con Rồng này Cao Văn Tam mới lại trình làng tiếp một tập thơ riêng. Tập thơ có bố cục hai phần khá hoàn chỉnh, kéo độc giả vào chuỗi liên tưởng xúc cảm yêu người, yêu đời sâu sắc của nhân vật trữ tình.

Phần đầu có tên gọi tạo ấn tượng khá mạnh: “Uống cạn đìu hiu...”. Ở đó, ta bắt gặp một thi sĩ tuôn những tứ thơ truyền thống để làm mới xúc cảm vốn hằng hữu ngự trị trong tình yêu: “Thôi nhé em/ Đã dịu dàng bỏ hẹn/ Chiều lang thang buồn dựng gió mưa về/ Chút hoài niệm mờ dáng em bước khẽ/ Đến bên đời tìm lại dấu chân xưa...” (Lạc dấu Lâm Thi), rồi “Nhìn em… lòng sóng dậy nhiều/ Ta nâng ly cạn một liêu quán buồn...” (Uống cạn đìu hiu). Cái ám ảnh về thời gian không ngưng trệ mà tuổi yêu thì luôn ngắn ngủi đã quyện nên cảm thức chông chênh khá rõ trong phần này qua các bài như “Khúc bốn mùa”, “Thắp nhánh sầu đông”, “Sơn khê hành”... Qua thơ ông, ta có thể cảm nhận thơ ở nơi lưng chừng cảm xúc, ở chốn mà ta thì yêu rạo rực nhưng cắc cớ thay “Bởi em toan tính đầy vơi”.

Sang phần thứ hai của tập thơ, cái tên “Tiếng chuông gió mùa hè” đã ngân rung những tiết điệu đa thanh, đa diện hơn. Có lẽ chỉ ông là nói đúng về sức thơ trong ông: “Phiêu du trên cánh đồng ngậm sữa” (Bản năng). Ở phần này, ta lại thấy một Cao Văn Tam của chiêm nghiệm và hoài cảm. Đó là cái khoảnh khắc bật khởi về “vĩnh cửu”: “Có sắc đẹp nào theo thời gian/ Bền bỉ hơn/ Nhan sắc/ Ẩn vào nét vẽ” (Xem tranh Đình Lương); là trường liên tưởng về con người và vũ trụ: “Em/ Những vời vợi mây chiều/ Những đồng hồ cát, nằm mơ trên thân phận” (Cảm nhận mùa thu); là cái nhìn khá đắt về thân phận “Hoàng hôn thu hồi những tia sáng/ là lúc ta dọn mình/ vào bóng đêm...” (Nơi bắt đầu sự sống); hay là sự thẩm thấu về cuộc sống: “Tìm kiếm sự thật theo đúng nghĩa đen/ có thể giống như/ đang cố gắng đi tìm chiếc kim rơi trong đống cỏ” (Đi tìm sự thật)…

Ai đó đã từng nói rằng: “Triết học là không vô tâm”. Với Cao Văn Tam, cách mà ông mềm hóa những lý tưởng triết học bằng thơ có lẽ chính là thể hiện cái đa mang, đa cảm của ông đối với cuộc đời, con người và vạn vật.

Cái hay của sự kết thúc ấy là đã mở ra một thiên hướng, một con đường mới. Xét ở góc độ này, có lẽ Cao Văn Tam đã thành công khi ông đặt bài “Ô cửa mùa xuân” ở cuối tập thơ với câu kết: “Sẽ không có không khí sắc nhọn và lạnh treo vào ô cửa mùa xuân”.

“Tiếng chuông gió mùa hè” với ảnh bìa đầy “ẩn ý” của họa sĩ Lê Sa Long hứa hẹn tạo ra nhiều hứng thú, khi bạn tiếp cận một giọng thơ đứng tuổi nhưng hãy chưa “về già”, nhất là khi chưa dứt nợ thi ca.

  • LÊ VĂN ĐỒNG

------------------------

(*)  Đọc tập thơ “Tiếng chuông gió mùa hè” của Nhà thơ Cao Văn Tam, NXB Hội Nhà văn, năm 2012.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát tuồng Đào Tấn  (29/12/2012)
“Ánh sáng” từ giai điệu  (29/12/2012)
Tiếng hát át… mồ hôi  (29/12/2012)
Xà cừ phố nhỏ  (29/12/2012)
Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  (28/12/2012)
60 năm bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng  (27/12/2012)
Bình Định được trao 3 giải thưởng  (27/12/2012)
Phát lộ kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành  (27/12/2012)
"Cao hơn bầu trời" - phim tri ân chiến sỹ phòng không  (27/12/2012)
Giữ bạn đọc bằng chất lượng phục vụ   (26/12/2012)
Ðề xuất giải thể trạm tiếp phát lại truyền hình  (26/12/2012)
Âm vang 40 năm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không  (26/12/2012)
14 dàn nhạc tham gia  (25/12/2012)
Ấn tượng triển lãm “Tam Quan mùa cói”  (24/12/2012)
“Ðánh thức” tháp Bình Lâm  (24/12/2012)