* Truyện ngắn của ĐẶNG THIÊN SƠN
Cô gái và con thỏ trắng xuất hiện vào những đêm mùa thu trăng sáng dưới gốc cừa già. Làng tôi đã nhiều người thấy. Nội tôi cũng thấy. Nội bảo bóng ma ấy có từ lâu rồi. Ngày còn trẻ, mỗi lần đi hát dặm về khuya, ngang qua gốc cừa nội nhìn thấy cô gái nằm vắt vẻo trên cành cây, ve vuốt con thỏ trắng. Có hôm trời mưa, nội về ngang qua đó nghe tiếng gió rít mà sợ đến dựng cả tóc gáy. Người ta kể thì tôi không tin. Nhưng nội kể dù chưa gặp bao giờ cũng khiến tôi tò mò và không dám ra khỏi nhà khi trời tối.
Trong nhóm bạn thời chăn trâu cắt cỏ của tôi, Hằng là đứa con gái bướng bỉnh. Hằng thường mặc quần đùi, đội mũ lưỡi trai. Nó thích chơi chọi gà, đá banh và đánh trổng. Cái đầu tròn lại để tóc ngắn nên trông Hằng như một thằng con trai. Người ta đồn, mẹ nó theo trai vào Nam rồi bặt vô âm tín. Ba nó buồn đời lao vào cờ bạc, nghiện hút. Thần chết dẫn ông đi khi nó mới năm tuổi. Nó ở với ông bà nội. Ông nội nó không qua khỏi cơn ho lao, chết sau ba nó mấy năm. Nó là đứa bất hạnh nhất trong nhóm bọn tôi, nhưng chưa bao giờ nó khóc và biết sợ là gì.
Đời nó thiệt thòi. Nhưng nó có nhiều tài vặt. Nó bày cho bọn tôi học theo kiểu Trạng Quỷnh bây giờ. Nhiều vố bọn tôi tính đánh nó. Nhưng nghĩ lại, nó có bày như thế thì những thằng học dốt như tôi mới thành người. Ở đời, thật bất công. Học giỏi như nó nhưng thi đại học vẫn không đậu. Nó lại luẩn quẩn nơi căn nhà hai gian cũ nát mà cha mẹ nó để lại. Nội nó đã già, không còn đủ sức làm ra tiền. Vì vậy, những ngày chúng tôi thỏa thuê với cái mác sinh viên trên phố nó vẫn lầm lũi dưới quê. Xong công việc ruộng đồng, nó đi làm cho một quán cà phê trên thị tứ. Quê tôi thời ấy, con gái can đảm lắm mới dám đi bán cà phê. Một đứa khổ như nó có gì mà không dám.
Có lần tôi về quê, Hằng khoe với tôi nó đã từng cho hai thằng rớt xuống hồ sen đầu làng vì cái tội tòm tem. Ngón võ nó có là nhờ những ngày chăn trâu cắt cỏ anh Phong bày cho. Con nhà võ gia truyền nhưng số anh ấy đoản. Một lần cuốc cỏ chè, trúng bom bi, anh ấy đã thiệt mạng. Thời còn nhỏ, mỗi lần lừa trâu ra bãi anh Phong lại tụ tập chúng tôi lại bày võ. Anh Phong bảo: “Đã sống ở Làng Lòi phải lận vào lưng ít chiêu để phòng khi bọn làng khác bắt nạt”.
Trong đám bạn chơi thân với Hằng, tôi được Hằng chia sẻ nhiều tâm sự nhất. Phần vì nhà bác tôi gần nhà Hằng. Hai đứa lại cùng sinh một tháng nên gần gũi hơn. Ngày Hằng không đậu đại học, nó trốn ra gốc cừa đầu làng ngồi khóc một mình. Tôi lẽo đẽo theo nó mà không dám lên tiếng vì sợ nó buồn.
«
Việc học tất bật, thêm những lo toan hàng ngày chốn thị thành… Những kỷ niệm tuổi thơ cũng dần phai mờ. Rồi một hôm, tôi nhận được điện thoại của Hằng. Qua ống nghe giọng Hằng nghẹn ngào: “Bà tau qua đời rồi. Tau là kẻ cô đơn nhất. Tại sao ông trời lại cướp đi của tau tất cả thế hả mi?”. Tôi lặng lòng và chỉ biết nghe Hằng khóc.
Từ ngày nội Hằng qua đời, tuần trăng nào Hằng cũng ra nghĩa trang đốt nhang cho ông bà nội và người cha quá cố. Hằng cũng không quên ghé thăm mộ anh Phong. Một đêm về qua gốc cừa già, Hằng nhìn thấy cô gái và con thỏ trắng. Cô gái nhẹ nhàng cài lên tóc Hằng những bông hoa trắng li ti. Con thỏ nhảy tung tăng dưới chân hai người. Hằng cảm nhận được tình thương của cô gái dành cho mình và không có cảm giác sợ hãi.
Sau cái đêm hôm ấy, Hằng dọn một quán nước dưới gốc cây cừa già. Người ác mồm đi qua thì nói: “Con khùng, gốc cừa có ma mà cũng bày hàng ra bán. Ai mua?”. Người thương tình ghé qua uống chén nước, chép miệng thở dài: “Tội con bé! Mồ côi nên phải lăn lộn với đời quá sớm”. Hằng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của thiên hạ, vẫn lủi thủi đi về sớm tối với gánh hàng lỉnh kỉnh.
Mẹ Hằng về trong một đêm trăng. Bà kể trong tiếng khóc thảm thiết: “Đêm ấy, ba con say sỉn, xỉ vả và đuổi mẹ đi. Khi ngang qua gốc cừa, có cô gái và con thỏ dẫn mẹ đi vào núi sâu. Nơi ấy có rất nhiều thỏ trắng. Mẹ không còn tìm được đường về. Rồi mẹ thiếp đi. Cô gái đưa mẹ về gốc cừa, lúc này mẹ mới biết mình là một hồn ma thế chỗ. Từ đó đến nay mẹ Hằng đi mây về gió trong làng nhưng không cách nào giúp được Hằng.
Hằng bỏ quán nước nơi gốc cừa. Nó đưa bát hương lên chùa gửi rồi rời làng từ đó chẳng ai biết nó đi đâu.
«
Chiều nay, làng họp bàn về việc đổ nhựa trên con lộ chính dẫn vào thôn. Đám đông đang bàn việc đóng góp kinh phí để mua vật tư. Tôi cho xe đáp trước cổng nhà văn hóa. Hằng bước xuống xe chào hỏi bà con ríu rít. Cả làng, ai cũng ngạc nhiên. Tôi phụ em mang những món quà xuống xe, tặng cho bà con. Bác trưởng thôn mời chúng tôi vào dự họp. Sau khi lắng nghe ý kiến về chủ trương làm đường, vợ chồng tôi đã đóng góp 50 triệu đồng.
Ngày Hằng lên phố cũng là lúc tôi ra trường. Tôi xin vào làm việc ở một Công ty truyền thông ngay tại thành phố tôi học. Thầy giáo thời đại học rất quý tôi. Thầy cho tôi vay vốn mở quán cà phê. Rồi thầy đứng ra lo hôn lễ cho tôi với Hằng. Nói là đám cưới nhưng thật ra chúng tôi chỉ tổ chức một bữa tiệc nhỏ. Có thầy làm chứng. Đợt này về quê vợ chồng tôi mới hoàn tất thủ tục cưới xin. Nhờ gặp thời, lại được anh em bạn bè ủng hộ nên vợ chồng tôi làm ăn khấm khá dần lên. Đến bây giờ, chúng tôi đã lập được công ty riêng cho mình.
Cuối năm nay tôi sẽ xây mộ cho mẹ, ông bà nội và đi tìm mộ cha tôi. Cha tôi hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên đến giờ vẫn chưa tìm thấy mộ. Nếu ngày ấy không có chế độ của Nhà nước nuôi tôi ăn học thì chắc tôi đã là một đứa trẻ đầu đường xó chợ. Tôi ở với bác ruột. Nhà bác đông con nên tôi luôn là đứa thiệt thòi. Nếu mẹ và ông bà nội không chết bởi trận bom khốc liệt năm 1972 thì mọi chuyện đã khác nhiều rồi. Mẹ tôi chết khi mới về nhà chồng được hai năm. Cũng may hôm ấy tôi được bà chị con bác ẵm đi chơi, nếu không thì cũng không thoát được trận bom ấy. Ông bà ngoại tôi thì đã mất từ lâu. Tôi và Hằng tất bật lo nhang đèn chuẩn bị lên chùa viếng thăm những người quá cố phía gia đình em.
Đêm mùa xuân miền Trung tiết trời lành lạnh. Hai vợ chồng tôi lang thang qua những con đường ẩm ướt sương đêm. Gốc cừa giờ đã già hơn. Cô gái và con thỏ trắng vẫn luẩn quẩn đâu đó trong đầu hai vợ chồng tôi. Hằng tựa đầu vào vai tôi, miệng em lí rí những lời không rõ. Sóng dưới mép sông vỗ nhẹ vào bờ. Tiếng côn trùng rả rích. Đêm ở quê thật yên bình.
|