Kỷ niệm 440 năm năm sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (1572-2012):
Con người của hành động, ý chí và nghị lực…
10:32', 7/2/ 2012 (GMT+7)

Sáng nay (7.2), tại đền thờ Đào Duy Từ thuộc xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn), Lễ kỷ niệm 440 năm năm sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ được tổ chức long trọng. Đào Duy Từ- bậc khai quốc công thần, văn võ toàn tài đã có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước trong nửa đầu thế kỷ 17.

Cuối thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 17, nước ta trải qua một thời kỳ lịch sử vô cùng phức tạp, thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, chiến tranh, loạn lạc. Trong hoàn cảnh đó, Đào Duy Từ đã ra đời tại làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Vì xuất thân trong một gia đình làm nghề hát xướng, nên dù tư chất thông minh, có chí học hành, ông vẫn không có cơ hội vào trường thi. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục theo đuổi học hành, tìm kế lập thân.

 

Đền thờ Đào Duy Từ. Ảnh:  TL

 

Nghe đồn chúa xứ Nam là Nguyễn Hoàng đang chiêu hiền đãi sĩ, Đào Duy Từ tìm đường vào Nam và dừng chân tại Bình Định. Do kế sinh nhai, ông giữ kín tung tích, ở chăn trâu cho một phú hào ở đất Tùng Châu phủ Hoài Nhơn (nay là xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn). Nhân một cuộc bàn luận thế sự, quân tử - tiểu nhân của giới nho sĩ, ông tham gia ý kiến và được mọi người khâm phục, được chủ nhà mời làm thầy đồ dạy học cho con, sau đó được tiến cử đến khám lý Cống Quận Công Trần Đức Hòa. Mến tài Đào Duy Từ, khám lý Trần Đức Hòa đã gả con gái và tiến cử với chúa Sãi: Nguyễn Phúc Nguyên, được chúa trọng dụng trao cho chức “Nha úy Nội tán”, tước “Lộc khê hầu”, trông coi việc quân cơ trong đình, ngoài trấn, được tham lý quốc chính vào năm 1625.

Đào Duy Từ giúp chúa củng cố vương triều mới, ban hành nhiều chương trình cải cách có lợi cho dân. Ông đã hiến kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục ở Quảng Bình, đắp lũy Thầy ở sông Gianh bảo vệ cơ đồ sự nghiệp của chúa Nguyễn xứ Đàng trong và trở thành nhà quân sự tài giỏi trong lịch sử của dân tộc.

Để có người tài phục vụ đất nước, Đào Duy Từ đã đề đạt với chúa Nguyễn thi hành phép duyệt tuyển và khảo thí, tổ chức các kỳ thi để kén chọn nhân tài, xây dựng bộ máy chính quyền xứ Đàng trong, chấn chỉnh nội trị, tăng cường quốc phòng. Trên mặt trận ngoại giao, ông chủ trương đấu tranh mềm mỏng linh hoạt với nhà Trịnh và Chiêm Thành, mà tiêu biểu là việc lập kế để chúa Nguyễn trả sắc phong cho vua Lê- chúa Trịnh, tạo vị thế chính trị Đàng trong so với Đàng ngoài. Những đóng góp của Đào Duy Từ, chúa Sãi và các chúa Nguyễn sau này, đã giúp củng cố xứ Đàng trong thành một nhà nước độc lập, vững mạnh, đủ sức đương đầu với chính quyền Lê- Trịnh và dần mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Đào Duy Từ còn để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị như: “Ngọa Long Cương Vãn”; “Tư Dung Vãn” được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, xếp hàng đầu trong những tác phẩm văn học viết, của nền văn học Đàng trong giữa thế kỷ 17. Riêng bộ “Hổ trướng khu cơ” hướng dẫn về binh pháp và cách chế tạo vũ khí của ông có thể sánh với “Binh Thư Yếu Lược” của danh tướng Trần Hưng Đạo. Ông được tôn là sơ tổ khai sinh ra bộ môn nghệ thuật tuồng và các điệu múa cung đình ở nước ta.

Trong vòng 9 năm (1625-1634), với tư chất của một con người hành động, giàu ý chí, nghị lực, Đào Duy Từ đã hoạt động hết mình giúp chúa dựng nên nghiệp lớn. Ông qua đời vào năm 1634, hưởng thọ 63 tuổi. Chúa Sãi vô cùng thương tiếc, đã đích thân đến thăm ông tại nhà riêng khi bệnh nặng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Chúa đã cho người đưa linh cữu của Đào Duy Từ về an táng ở đất Tùng Châu, lập đền thờ tự và truy tặng: “Hiệp mưu đồng đức công thần đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu”.

Tuy sống ở đất Tùng Châu không lâu nhưng Đào Duy Từ đã có nhiều công tích đối với dân làng. Ông hướng dẫn nhân dân khai khẩn lập làng, mở đường giao thông, đào sông làm thủy lợi, phát triển sản xuất… Cho đến ngày nay, một số tên sông, tên làng, tên đất vẫn còn gắn liền với những giai thoại về ông. Để tưởng nhớ công lao, đóng góp của ông, chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn sau này, đã truy phong ông nhiều chức tước quan trọng. Triều vua Gia Long thứ 4 (1805) xếp ông vào hàng: “Thượng đẳng khai quốc công thần” cho thờ ở Thái Miếu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng “Hàm đông các đại học sĩ”, chức Thái sư, phong tước Hoằng quốc công. Đồng thời, nhân dân đã lập đền thờ tự ông ở nhiều nơi mà tập trung nhất là ở huyện Hoài Nhơn.

Tưởng nhớ đến công đức to lớn của Đào Duy Từ, năm 1994 Nhà nước đã công nhận xếp hạng đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ thuộc thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn là di tích cấp Quốc gia.

  • QUANG KHANH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường ĐH Quy Nhơn đạt giải Nhất   (06/02/2012)
Loạn “thần đồng”, sao ca nhạc  (06/02/2012)
Xương rồng, chành rành và một nỗi nhớ  (06/02/2012)
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ X  (05/02/2012)
Bóng ma dưới gốc cừa  (04/02/2012)
Nhiệt huyết Lê Trọng Nghĩa  (04/02/2012)
Tháp cổ mùa nắng vàng  (04/02/2012)
Bạn bè một thuở  (04/02/2012)
Đầu tư 24 tỉ đồng bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số  (03/02/2012)
Hội ngộ thơ  (02/02/2012)
Tình cờ mấy vần thơ xuân cũ  (02/02/2012)
Hoài Ân rộn ràng văn nghệ ngày Tết  (01/02/2012)
Tưng bừng hội lân mùa xuân  (01/02/2012)
Sẽ sôi động, phong phú hơn  (01/02/2012)
Cô gái Bình Định trong ca dao  (31/01/2012)