Trưa ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, 2012, NSƯT Ngọc Cầm đã trút hơi thở cuối ở quê nhà, hưởng thọ 85 tuổi. Ngôi sao cuối cùng của “Tứ đại danh ca” hát bội Bình Định đã tắt nhưng sự nghiệp rạng rỡ của bà với những vai diễn để đời: Liễu Nguyệt Tiêm, Lữ Bố, Địch Thanh… sẽ còn sống mãi trong công chúng yêu nghệ thuật hát bội.
|
Ngọc Cầm trong vai Địch Thanh (bên trái) trong tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” (ảnh chụp năm 1995, tư liệu của VŨ NGỌC LIỄN).
|
Theo cha, anh đi hát từ năm lên chín, lên mười, sân khấu và khán giả, những câu nam câu khách đã sớm ám nhập và đeo đẳng trọn đời Ngọc Cầm những vinh quang và cay đắng, đơn độc của một kiếp cầm ca. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý – Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) - cùng những danh ca một thời: Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá… Đây là những tưởng thưởng vừa đặc biệt vừa tượng trưng. Đặc biệt và tượng trưng vì danh tiếng họ quá vang dội trong hát bội Bình Định chứ không phải theo quy chuẩn thành tích thông thường.
Con nhà nòi
NSƯT Ngọc Cầm tên thật là Võ Thị Ngọc Cầm sinh năm 1927, quê An Hòa 2, Phước An, Tuy Phước. Bà là con Chánh ca Võ Đựng, và là em gái Bầu Thơm, một tài danh để đời với vai diễn không thể thay thế: Phàn Định Công trong “Sơn hậu”! Một gia đình tài danh nức tiếng của hát bội Bình Định.
Mới mười sáu, mười bảy tuổi, Ngọc Cầm đã thực sự nổi tiếng với vai Lữ Bố (trong “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”). Vóc dáng cao, gương mặt sáng rỡ…, nói chung và các yếu tố thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần đều hội đủ cho một khẳng định tài năng. Cũng như nhiều nghệ sĩ hát bội khác thời đó, bà rất giỏi võ. Người viết bài này từng hỏi chuyện và nghe bà kể tường tận chuyện thứ tự đánh ngã bốn thanh niên chận đường khiến “đại ca” cầm đầu nể phục để bà gánh hàng đi. Yếu tố biết võ là tiêu chuẩn đầu tiên mà thầy Đào Tấn xưa kia nhận học trò cho trường dạy nghề “Học bộ đình”. Võ giúp thực hiện được phần vũ đạo đặc chủng của nghệ thuật này đạt tới tầm tinh diệu.
Thời kỳ Ngọc Cầm bắt đầu nổi danh là thời kỳ hát bội cũng lao đao “cuộc chiến” giành khán giả với cải lương. Theo nhà nghiên cứu sân khấu Vũ Ngọc Liễn, những vở cải lương đầu tiên “chuyển thể” từ hát bội sang: “Sơn hậu”, “Phụng nghi đình” đã có chỗ đứng. Vậy là nghệ thuật này nhanh chóng xuất hiện hàng loạt các kịch bản có tính cạnh tranh mạnh: “Tái sanh kỳ ngộ”, “Cánh buồm trắng, cánh buồm đen”, “Trái tim xẻ nửa”…, những vở diễn “ăn dầm nằm dề” Trường hát Trung Hoa ở Quy Nhơn lúc đó. Hát bội “đói” dài nên các nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn nghĩ cách cải tổ cách hát, diễn và đã có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các thế hệ trước và lớp trẻ.
Ngọc Cầm lặng lẽ vào Sài Gòn xem nghệ sĩ cải lương Phùng Há diễn vai Lữ Bố. Lặng lẽ xem để học thêm cách diễn. Không chỉ tài năng và khổ luyện, Ngọc Cầm còn một phẩm chất nữa là chịu học, khao khát khẳng định mình. Tài năng giúp nghệ sĩ nhanh chóng được nhiều người biết đến. Nhưng để đạt tới một đỉnh cao, nghệ sĩ phải nỗ lực và sáng tạo lớn. Ngọc Cầm thuộc số này và bà đã có những Lữ Bố, Địch Thanh, Liễu Nguyệt Tiêm… để đời trên lộ trình tất yếu đó.
|
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm.
|
Vinh quang
Trước Cách Mạng Tháng Tám, Bình Định có đến 13 Trường hát bội. Và bất kỳ đâu, chốn công cộng của làng xã hay vườn nhà, chỉ cần một ngày là đội dựng rạp chuyên nghiệp dựng xong một sân khấu cho hát diễn. Dù hát bằng “thanh” thật hay qua mi-cờ-rô, hát với ánh đèn mẻ dầu, măng-xông hay đèn điện, nghệ sĩ Ngọc Cầm cũng sáng rực trên sân khấu.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc liễn, những đêm gió nam, dù hát tận Trường Gò Bồi, từng lúc ở Vũng Bấc (Nhơn Lý) cũng nghe vọng tiếng hát của Ngọc Cầm! Bà là diễn viên đắc “sô” và luôn được các ông bầu tranh nhau mời. Tất nhiên rồi, còn nhiều đào khác cũng rất nổi tiếng nhưng đặc điểm của hát bội Bình Định là tên đào kép thường mặc định với vai diễn trong công chúng. Hát “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” mà không có Ngọc Cầm dân không chịu. Cũng vậy, tên bà thường được đặt điều kiện khi ký hợp đồng hát “Địch Thanh ly Thợn” hay “Phụng Nghi đình”… Vai Địch Thanh còn vài kép nam sắm xuất sắc nhưng đào đóng kép giỏi như bà có cái hay riêng.
Những năm sau 1954, bà cùng các tên tuổi danh tiếng khác: Hồng Thu, Lệ Suyền, Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá… làm nên một thời kỳ vàng son mới cho hát bội Bình Định. Những đêm diễn thâu canh. Những tiếng trống chầu trống chiến, thúc giục rồn ràng xuân kỳ thu tế, những dịp hội hè. Những câu hát nam hát khách lay động. Những tiếng quân ó xa ó gần dồn vọng lớp lớp. Tất cả thường bắt đầu bằng phần “ra tuồng” tạo cảm xúc thật lớn, thật ấn tượng đến khán giả. Sân khấu đã làm được cuộc kích động cao độ sự phấn khích và mỹ cảm, và cái ngây ngất đón đợi của công chúng, roi chầu thúc, những khay thẻ “thướng” như những quầng sáng là hiệu ứng người xem đáp lại cũng tạo nhiều hưng phấn cho nghệ sĩ những phút giây xuất hóa.
Bà là một phần của “những đêm diễn” như thế. Từ nông thôn đến thành thị, trong tỉnh và ngoài tỉnh, sắm đào hay làm kép. Và làm thành “Tứ đại danh ca”, cùng các NSƯT Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá!
Sau năm 1975, NSƯT Ngọc Cầm không có nhiều đất diễn ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, đơn vị nhà nước. Phần kịch bản mới không hợp, phần đã có thế hệ đào kép mới tài năng thay thế. Bà vẫn sống với sân khấu trong dân các huyện, xã. Và rèn dạy học trò.
Và cô đơn
Cách đây vài năm, người viết bài này có dịp nghe bà đối ca cùng ông Vũ Ngọc Liễn. Trước đây ông cũng là diễn viên nên hai người làm cái trích đoạn rất có không khí. Là theo gợi ý của ông, đoạn hồn Giả Thị về gặp Hoàng Phi Hổ trong “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”. Nghe bà hát câu nam rợn người: “Ái tía tỏ lời sinh tử/ Kể khôn cùng để sự thê lương”. Và câu tán: “Hồn lai phong lâm thanh phiêu phiêu hề di thế/ Giang tâm thu nguyệt bạch diếu diếu hề tương vong”. Câu này tôi nghe nhà nghiên cứu khen nhiều lần, và dịch nghĩa rằng, ‘‘hồn về rừng thông xanh chơi vơi trong cõi thế, trăng rọi lòng sông buốt hai cuộc đời tiêu tan’’. “Kể không cùng để sự…”, ừ đúng, đây là câu của hồn ma, nó vọng rợn, nó ám đến lạnh lưng.
Nói là NSƯT Ngọc Cầm được sinh ra để ca hát không phải là quá. Cũng vì thế mà bà, tuy cũng có gia đình, chồng con nhưng không phải là mẫu người phụ nữ của gia đình. Sau những hào quang những ánh đèn sân khấu, sau những phấn son và các thói quen ca kỹ, thường là một khoảng trống thật lớn. Tuổi càng cao khoảng trống càng hun hút.
Không riêng gì bà. Nhiều nghệ sĩ cải lương phía Nam trước đây có đêm thu vài cây vàng giờ cũng trắng tay, sống nhờ những giúp đỡ của bạn bè nghệ sĩ.
Hơn mười năm trước qua đề nghị của Nhà hát tuồng Đào Tấn và Sở Văn hóa, tỉnh cũng đã ưu ái tạo điều kiện cho bà có một lô đất ở Quy Nhơn. Rồi bán. Sòng sành mấy lúc lại hết veo. Đâu có lương hưu, bà sống dựa vào con cháu khi Quy Nhơn, lúc Gia Lai, và nhờ bạn bè, những người quen thân cũ, những người mến mộ. Long đong, thiếu hụt và buồn. Những tháng gần đây bà yếu hẳn và người thân đưa về lại quê nhà, trong một ngôi nhà xây tuềnh toàng. Và cuối cùng, sau ngần ấy năm đi và hát khắp vùng miền, bà về với đất ngay nơi làng quê mình.
Tôi đã làm tư liệu về bà từ cách đây mấy năm nhưng không thể viết bài. Vì không muốn tình cờ bà đọc được đoạn không thể không viết rằng, đích thực bà là người của cầm ca, và là một ngôi sao cô đơn. Cuộc sống hiu hắt cuối đời đã mỏi mệt, nghĩ không muốn để bà nặng lòng thêm.
Giờ viết như một nén hương dâng bà, một tài danh sáng chói của hát bội Bình Định. Chỉ còn vọng lại vùng hồi quang đọng hẳn trong ký ức, trong lòng người mến mộ những Liễu Nguyệt Tiêm, Lữ Bố, Địch Thanh…
Ngôi sao cô đơn, ngôi sao sáng cuối cùng của “Tứ đại danh ca”, đã tắt!
|