Tình yêu và một liên tưởng thú vị
15:59', 9/2/ 2012 (GMT+7)

Hoa trúc đào.

Tình yêu là một trong những khái niệm được con người quan tâm, lý giải nhiều nhất và …mơ hồ nhất. Ví dụ, chẳng cần nghe, đọc đâu xa xưa, bất chợt ngẫm từ mình, sẽ thấy mọi thứ trong tình yêu chưa bao giờ tường minh. Tình yêu thực sự là một đề tài muôn thưở...

Ở khía cạnh vô chừng, khó nắm bắt, một đằng là đối tượng, một phía là phương thức mô tả, nhưng tình yêu và thơ lại rất giống nhau. “Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình hay là nỗi nhớ” của nhà thơ Mai Thìn là một liên tưởng thú vị.

Bài thơ có một đối tượng xuyên suốt và cốt lõi: trăng. Trăng vừa cụ thể bên ngoài rèm, rọi chiếu, xuyên vào lay động, bừng tỏa những đường nét, hương thơm, những cuống quýt mơn man nồng nàn các cơn sóng hứng khởi- trăng đã làm thật nhiều vai: khơi gợi, nhân chứng, và là một ẩn dụ hoàn hảo cho tình yêu với đầy đủ hương vị. Ở đây, tiếng mèo động dục trên máng xối là chi tiết hay, đồng hành, đồng lõa với trăng.

Bắt đầu bằng trăng “xuyên vào da thịt em tái sinh ánh sáng đường cong thẳng đường mềm”, khép lại với “lay mãi trăng/ đêm/ nỗi nhớ…”, trăng đã đi xa hơn những mô tả, ẩn dụ mà chạm thấu tới vùng bí ẩn của tình yêu và nỗi nhớ. Và đối tượng của tình yêu đã mở rộng hơn khung cảnh nó mô tả. Dù nhờ trăng “tái sinh” cụ thể, rốt lại, “nỗi nhớ” đã mênh mông.

Cách vắt dòng, đứt quãng điệp từ và rơi nhịp của cụm thơ cuối đã thể hiện được một nối tiếp, một hụt hơi, bí ẩn (và đẹp?) của tình yêu, tình cảm con người nói chung.

Có một chi tiết làm bài thơ này lung linh hơn, có địa chỉ cụ thể hơn: chi tiết “cận kề bầu vú em bên má con thơ”- em của “trăng” là vợ, là mẹ, và địa chỉ tình yêu thật quý giá là, nhà mình, gia đình- thiên đường từ nhà mình. Với em và con. Thật lộng lẫy!

Chợt những câu thơ ngẫu hiện: “Đêm về nằm ngủ bên em/ Đôi bầu vú lép vẫn thèm được hôn” (Nguyễn Tấn Hải), “Nhạt là nắng nhạt là sương/ Nhạt là cái cõi vô thường xa xăm/ Nhạt là chồng vợ ăn nằm/ Người xưa bỗng hiện mắt đầm đầm mưa” (Quang Vĩnh Khương).

Trở lại một chút với kỹ thuật bài thơ. Không thể không ghi nhận cách miên man làm nhòe câu chữ- hình thức yêu thích của nhà thơ Mai Thìn lâu nay, với bài này, hiệu quả nghệ thuật đã thật cao. Thơ gợi và lan tỏa hơn, các hình ảnh, xúc cảm day dưa mê dụ hơn.

Nhưng quan trọng nhất, là cuộc nhòa mờ lằn ranh giữa đối tượng và phương tiện, giữa hình thức và nội dung, giữa tình yêu và mông lung nỗi nhớ…, bài thơ là một dẫn chứng hoàn hảo cho sự thành công của tạng thơ hiện đại mà thấm đẫm cảm xúc, khơi vơi, sự hòa trộn còn nhiều chông chênh thường thấy hiện nay.

Thiên đương thơm rèm cửa nhà mình hay là nỗi nhớ

Trăng xuyên vào da thịt em tái sinh ánh sáng đường cong thẳng đường mềm… những chiếc rèm đu đưa xoắn xuýt tiếng mèo máng xối ngằn ngặt vòng nhau

khỏa bông lau những chiếc rèm mơn miết xoãi mình vồ vạp sóng bình minh

những chiếc rèm xinh xinh những chiếc rèm tâm tưởng cận kề bầu vú em bên má con thơ thở cũng khẽ việc gì cũng nhẹ thiên đường thơm rèm cửa nhà mình

thiên đường thơm rèm cửa nhà mình lay

lay mãi trăng

đêm

nỗi nhớ…

Thơ Mai Thìn

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gắn kết sự kiện với nghệ thuật  (08/02/2012)
Cao Duy Thảo với “Sóng vỗ mạn thuyền”  (08/02/2012)
Tưởng nhớ và tôn vinh  (08/02/2012)
Ngôi sao cuối cùng của “tứ đại danh ca” đã tắt  (08/02/2012)
Theo tiếng gọi của thơ  (06/02/2012)
Con người của hành động, ý chí và nghị lực…  (07/02/2012)
Trường ĐH Quy Nhơn đạt giải Nhất   (06/02/2012)
Loạn “thần đồng”, sao ca nhạc  (06/02/2012)
Xương rồng, chành rành và một nỗi nhớ  (06/02/2012)
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ X  (05/02/2012)
Bóng ma dưới gốc cừa  (04/02/2012)
Nhiệt huyết Lê Trọng Nghĩa  (04/02/2012)
Tháp cổ mùa nắng vàng  (04/02/2012)
Bạn bè một thuở  (04/02/2012)
Đầu tư 24 tỉ đồng bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số  (03/02/2012)