Biển đảo trên đồi Thi Nhân
20:19', 9/2/ 2012 (GMT+7)

Tiết mục hát múa “Khúc hát biển đảo Tổ quốc tôi” mở đầu đêm thơ Nguyên tiêu. Ảnh: Trần Hoa Khá

Khác với mọi năm chỉ tổ chức trong ngày rằm tháng giêng, năm nay Bình Định đã thật tưng bừng và hoành tráng với ngày hội thơ trên đồi Thi Nhân từ chiều 14 đến khuya rằm, với bốn chương trình thơ. Đồi thắng cảnh Ghềnh Ráng- Tiên Sa, nơi yên nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, đã thành nơi tôn vinh thơ khi công chúng đã quan tâm tìm đến thưởng thức.

Không chỉ quy mô hơn về thời gian, với chủ đề “Biển đảo quê hương”, Hội VHNT và Sở VH-TT&DL đã phối hợp để khai thác tối đa lợi thế khu đồi du lịch nổi tiếng của đất Quy Nhơn thơ - nhạc bằng nhiều nội dung mới và độc đáo.

Ngoài các chương trình thơ, thi thơ, đố thơ, thả thơ, thư pháp, chấm trại thơ các câu lạc bộ… quen thuộc, năm nay ngày hội thơ thêm đa sắc màu với các nội dung: nghệ thuật sắp đặt, tranh cát, bút lửa… Tác phẩm “Biển của niềm chắt chiu” của họa sĩ Lê Trọng Nghĩa và Lê Hoàng Phi đã thu hút sự chú ý của nhiều người vì nghệ thuật sắp đặt lâu nay còn khá xa lạ với Bình Định. Bằng chất liệu tổng hợp (đất nung, muối trắng, nước biển xanh…), vùng không gian trưng bày hơn 50 m2 trên cỏ là nơi mọi người đều phải dừng lại ngắm, ngẫm. Bút lửa Dzũ Kha, tranh cát Võ Khắc Phục và thư pháp Bình Tuy cũng là những điểm nhấn ấn tượng.

Và điểm nhấn chính: chủ đề biển đảo quê hương. Vốn là tỉnh có cả trăm cây số bờ biển, văn nghệ sĩ Bình Định xưa nay mỗi người đều ít nhiều có những tác phẩm về biển đảo. Và đề tài muôn thuở này vốn rất phong phú về những triết lý, về tình yêu, về lòng mẹ… nay thật thiêng nghiêm khi biển đảo còn là chuyện chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, dân tộc. Có những tác phẩm được viết bằng những cảm nghiệm chân thật, xúc động. Có tác phẩm tươi rói cảm xúc và độc đáo những phát hiện từ các chuyến đi, gần là Nhơn Châu- đảo tiền tiêu Bình Định, xa là Trường Sa, Lý Sơn… Ngoài những tên tuổi thơ quen thuộc: Lệ Thu, Nguyễn Văn Chương, Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Trần Viết Dũng… đêm thơ biển đảo có sự góp mặt của nhà thơ Đồng bằng sông Cửu Long Bùi Văn Bồng. Và có những gương mặt thơ mới: Đặng Thiên Sơn, Nguyễn Thị Phụng… Tất cả tạo nên cuộc hòa âm và nối tiếp đa thanh trong ngày hội thơ.

Dưới chân đồi sóng vỗ, biển Quy Nhơn lộng lẫy ánh đèn, và xa kia, ngọn hải đăng Cù Lao Xanh miệt mài thức canh…, những bài thơ, nhạc trên đồi đã ngân lên cuốn hút.

Vùng đất thi ca Bình Định hiện nay có đến 15 câu lạc bộ (CLB) văn thơ, tuy năm nay điều kiện kinh phí chỉ có thể quy tụ về 8 trại, ngoài các CLB Xuân Diệu, Đại học Quy Nhơn, Sáng tác trẻ quen thuộc, năm nay có sự góp mặt của CLB Bình Minh, CLB phường Bùi Thị Xuân và CLB Nghệ thuật Cao đẳng Bình Định. Có thể thấy tuy lần đầu tham gia, các đơn vị này đã tạo được ấn tượng rất tốt: toàn Ban giám hiệu trường Cao đẳng đã thay nhau đến với trại để động viên; lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Bùi Thị Xuân đến chung tay trang hoàng trại phường… Ngày thơ đã thực sự là mối quan tâm của cộng đồng.

  • LÊ HOÀI LƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NSNA Đào Tiến Đạt (Bình Định) đoạt 2 bằng Danh dự, 1 HCV và 1 HCB  (09/02/2012)
Tình yêu và một liên tưởng thú vị  (09/02/2012)
Gắn kết sự kiện với nghệ thuật  (08/02/2012)
Cao Duy Thảo với “Sóng vỗ mạn thuyền”  (08/02/2012)
Tưởng nhớ và tôn vinh  (08/02/2012)
Ngôi sao cuối cùng của “tứ đại danh ca” đã tắt  (08/02/2012)
Theo tiếng gọi của thơ  (06/02/2012)
Con người của hành động, ý chí và nghị lực…  (07/02/2012)
Trường ĐH Quy Nhơn đạt giải Nhất   (06/02/2012)
Loạn “thần đồng”, sao ca nhạc  (06/02/2012)
Xương rồng, chành rành và một nỗi nhớ  (06/02/2012)
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ X  (05/02/2012)
Bóng ma dưới gốc cừa  (04/02/2012)
Nhiệt huyết Lê Trọng Nghĩa  (04/02/2012)
Tháp cổ mùa nắng vàng  (04/02/2012)