Nghệ sĩ của đại ngàn
11:46', 12/2/ 2012 (GMT+7)

Ở làng Kon –Tơlok (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) có một ông già người dân tộc Bana luôn nhiệt tình, hăng hái sưu tầm, truyền dạy cách làm các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana và diễn tấu các bài cồng chiêng cổ cho lớp trẻ... Đó là bok Nhâm (tên thật là Đinh Kim) - một nghệ sĩ của đại ngàn, năm nay đã ngoài tuổi 70.

Để duy trì sinh hoạt và tìm cách khôi phục những bài cồng chiêng đã mất, từ năm 1999, bok Nhâm đã đề xuất với xã và huyện cho thành lập câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của làng để sinh hoạt và giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngày đầu thành lập, CLB chỉ có một vài thành viên sinh hoạt, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sự động viên của bok Nhâm, số thành viên tham gia CLB đông dần lên. Những người biết đánh chiêng trong làng nhiệt tình tham gia CLB đã đành, cả những người dù không biết diễn tấu cũng vào đội chiêng để học hỏi và sinh hoạt. Đến nay, số lượng thành viên của CLB đã lên tới 30 người, chia làm hai đội, tham gia sinh hoạt thường xuyên. Từ khi thành lập CLB Cồng chiêng, phong trào văn nghệ ở làng đã khởi sắc, cuộc sống tươi vui hơn.

 

                       CLB Cồng chiêng làng Kon-Tơlok sinh hoạt tại nhà rông.

 

Sau hơn 10 năm thành lập cũng chừng ấy thời gian bok Nhâm, Chủ nhiệm CLB, đã nỗ lực duy trì sinh hoạt, luyện tập cho CLB rất đều đặn, kể cả những ngày mưa gió. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, đánh cồng chiêng không còn nhanh nhẹn nữa nhưng ngày ngày bok Nhâm vẫn hăng say, miệt mài truyền đạt cho con cháu những điệu chiêng, điệu múa. Hàng tháng, vào ngày 16 âm lịch, CLB Cồng chiêng của làng lại sinh hoạt. Các thành viên của CLB tập trung tại nhà rông của làng để luyện tập, điệu xoang uyển chuyển xoay tròn trước nhà rông; tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên rộn rã cả một góc làng.

Bok Nhâm cho biết: “Điệu múa, tiếng cồng chiêng là những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp đời sống văn hóa tinh thần của bà con nơi đây thêm khởi sắc. Bà con vui vẻ mới hăng say lao động, sản xuất”.

Nhờ thường xuyên tập luyện, tiếng cồng chiêng của CLB Cồng chiêng Kon-Tơlok trở nên nhuần nhuyễn. Vì vậy, thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã luôn chọn CLB này mỗi dịp tham gia hội thi, hội diễn trong huyện và tỉnh. Các thành viên CLB rất vui vì luôn hiểu rằng, đây là điều kiện để khơi nguồn, làm sống lại tiếng cồng chiêng trầm hùng - nét văn hóa truyền thống của cha ông lưu truyền lại từ bao đời nay.

Bá Khin - một thành viên trong CLB - nhận xét: “Dù bok Nhâm lớn tuổi nhưng luôn hướng dẫn, chỉ bảo thanh niên trong làng đánh cồng chiêng. Mình sẽ cố gắng theo học bok để sau này hướng dẫn lại cho lớp trẻ”.

 

       Bok Nhâm đánh chiếc trống do mình làm ra.

Để CLB Cồng chiêng của làng duy trì việc sinh hoạt không phải dễ. Những gì mà các thành viên CLB đã làm được là một điều đáng quý, đáng trân trọng và có công lớn của bok Nhâm. Bok Nhâm tâm sự: “Vì bà con làm nông, mỗi người một việc nên để tập luyện và tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt thường kỳ như thế là một sự cố gắng lớn”.

Bên cạnh việc tổ chức thành công và phát huy tốt CLB Cồng chiêng, bok Nhâm còn chế tác, lưu giữ và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ độc đáo của người Bana. Từ những vật liệu đơn giản, sẵn có trong rừng như những cây gỗ, ống mò o, cây giang, cây nứa, vỏ bầu khô, sừng trâu… ông đã mày mò làm ra các loại nhạc cụ truyền thống như trống, pơ-lơn-khơn, tờ-lia, sáo, kèn, tơ-rưng... và chỉ dạy những người mê thích chơi các loại nhạc cụ này.

Ngoài ra, bok Nhâm còn tích cực sưu tầm những đĩa phim về các lễ hội, phong tục của các dân tộc. Tranh thủ thời điểm trước và sau những buổi hội họp, sinh hoạt ở làng, bok mở cho bà con xem. Bok Nhâm tâm sự: “Giờ đây, nhà nào cũng có ti vi nhưng ít ai xem các phim về văn hóa của các dân tộc. Mình tranh thủ mở cho bà con xem để học hỏi. Cái gì tốt thì làm theo, cái gì xấu và lạc hậu thì bỏ đi”.

Với lòng say mê nghệ thuật, nhiều năm nay, bok Nhâm vẫn âm thầm, bền bỉ làm nhiệm vụ của một người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc theo chủ trương của Đảng. Năm nay, tuy tuổi đã ngoài 70, nhưng bok Nhâm chưa lúc nào chịu ngưng nghỉ công việc của CLB Cồng chiêng và phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao của làng.

Thật đáng quý, đáng trân trọng.

  • Bài, ảnh: LONG VŨ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giếng ngọt  (11/02/2012)
Biển đảo trên đồi Thi Nhân  (09/02/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt (Bình Định) đoạt 2 bằng Danh dự, 1 HCV và 1 HCB  (09/02/2012)
Tình yêu và một liên tưởng thú vị  (09/02/2012)
Gắn kết sự kiện với nghệ thuật  (08/02/2012)
Cao Duy Thảo với “Sóng vỗ mạn thuyền”  (08/02/2012)
Tưởng nhớ và tôn vinh  (08/02/2012)
Ngôi sao cuối cùng của “tứ đại danh ca” đã tắt  (10/02/2012)
Theo tiếng gọi của thơ  (06/02/2012)
Con người của hành động, ý chí và nghị lực…  (07/02/2012)
Trường ĐH Quy Nhơn đạt giải Nhất   (06/02/2012)
Loạn “thần đồng”, sao ca nhạc  (06/02/2012)
Xương rồng, chành rành và một nỗi nhớ  (06/02/2012)
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ X  (05/02/2012)
Bóng ma dưới gốc cừa  (04/02/2012)