Hội thi Tiếng hát giáo viên, học sinh ngành GĐ-ĐT - 2012 được tổ chức từ ngày 9 - 11.2 đã thành công tốt đẹp, cả về mặt số lượng đơn vị tham gia lẫn chất lượng chương trình.
chất lượng nâng cao
Chủ đề “thời sự” biển đảo được nhiều đoàn quan tâm khai thác để dàn dựng các tiết mục tham gia hội thi. Trường THPT Chu Văn An xây dựng chương trình có chủ đề “Biển đảo quê hương” với các tiết mục Khúc quân ca Trường Sa, Khúc hát đảo xa, Đảo chân mây được biểu diễn một cách sinh động, thể hiện tình cảm của thầy cô và học sinh đến những người chiến sĩ phương xa đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Tiết mục tam ca Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến, nhạc Quỳnh Hợp) của Phòng GD-ĐT Hoài Nhơn (đoạt giải ba) mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe.
|
Chương trình của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh mang đậm bản sắc truyền thống. |
Bên cạnh những giọng ca quen thuộc tiếp tục “tỏa sáng” như Nguyễn Thị Thanh Hà (THPT chuyên Lê Quý Đôn) với ca khúc Người con gái sông La (giải Nhất đơn ca), Trần Thị Việt Hoa (THPT Hùng Vương) với ca khúc Mẹ Âu Cơ (giải Nhất đơn ca), Đoàn Mạnh Dũng (Phòng GD-ĐT Quy Nhơn) với ca khúc Âm vang từ dòng sông (giải Nhì)… đã có thêm những gương mặt mới nổi bật như Lê Duy Sang (26 tuổi, Phòng GD-ĐT Hoài Nhơn) thể hiện rất hay và cảm xúc ca khúc Tháng Năm nhớ Bác (giải Nhất), Lê Thị Tường Vy (23 tuổi, Phòng GD-ĐT Tuy Phước) chinh phục người nghe khi thể hiện ca khúc Vỗ bến lam chiều (giải Nhất), La Thị Huyền Giang (25 tuổi, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp Vân Canh) (giải Nhì) với ca khúc Điệp khúc tình yêu được khán giả yêu thích bởi giọng hát “có lửa” và kỹ thuật biểu diễn.
Nổi bật tại hội thi là có nhiều tiết mục giàu chất dân ca. Như, các tiết mục Gặt lúa đông xuân (dân ca Ba Na), Sông Đăkrông mùa xuân về, Hát mừng anh hùng Núp trong chương trình biểu diễn của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh. Các tiết mục gây được nhiều ấn tượng, nhờ có các loại nhạc cụ dân tộc phong phú tham gia biểu diễn trên sân khấu. Thầy Trương Thanh Bình, giáo viên âm nhạc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi xây dựng chương trình mang đậm bản sắc truyền thống để góp phần nâng cao hơn ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những di sản phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số…”.
Phong trào sâu rộng
Tham gia Hội thi Tiếng hát giáo viên, học sinh ngành GD-ĐT năm nay có gần 1.500 diễn viên là học sinh, giáo viên, cán bộ của 69 đoàn văn nghệ đến từ 11 Phòng GD-ĐT, 9 Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, 49 trường học trên địa bàn tỉnh. Nhạc sĩ Chung Thế Nghiệp, Trưởng Ban giám khảo hội thi, nhận xét: “Chương trình dự thi của nhiều đơn vị đã thể hiện rõ sự quan tâm đầu tư xây dựng chủ đề nội dung, dàn dựng một cách bài bản để có được những tiết mục đặc sắc, công phu, đi vào lòng người như chương trình của các phòng GD-ĐT Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Trường THPT Hùng Vương…”.
Trong số 12 giải toàn đoàn, đã có 7 giải cao nhất thuộc về các đơn vị ở TP Quy Nhơn. Điều này khẳng định được vai trò đi đầu và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào văn nghệ quần chúng ngành giáo dục Quy Nhơn. Việc Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn đoạt giải Ba toàn đoàn là một điểm nhấn đặc sắc của hội thi. Không nghe được điệu nhạc, không hát được cùng với mọi người, nhưng chúng em đến với hội thi bằng tình yêu văn nghệ, bằng trái tim nồng cháy tình yêu quê hương, đất nước, cuộc sống. Đó là nội dung lời bày tỏ “qua động tác” của các em học sinh khuyết tật Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn tại hội thi, đã gây xúc động cho đông đảo khán giả…
Hội thi đã tạo điều kiện cho các đơn vị trao đổi kinh nghiệm để xây dựng phong trào văn hóa – văn nghệ ở cơ sở, tiếp cận và mở rộng sự hiểu biết về nghệ thuật âm nhạc, sân khấu cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong ngành giáo dục. Phong trào văn nghệ quần chúng trong ngành đã có sự phát triển đều hơn, khi các giải toàn đoàn còn lại được rải đều ở các vùng trong tỉnh.
Ông Đào Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nhận xét: “Đáng trân trọng và phấn khởi là sự cố gắng đầu tư và góp mặt của các đơn vị ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, các đơn vị mới được thành lập có nguồn nhân lực còn mỏng. Điều đó chứng tỏ sau khi triển khai xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào văn nghệ trong ngành đã có sự phát triển ngày càng sâu rộng hơn…”.
|