Đào Duy Từ sinh năm 1572 và mất năm 1634. Tại tỉnh Thanh Hóa, quê hương ông, 24 năm trước, Hội Sử học Việt Nam và UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học ghi nhận công lao và sự nghiệp của ông đối với lịch sử, văn hóa dân tộc. Nhân kỷ niệm 440 năm năm sinh của ông, xin nói về gia thế của ông qua hai cuốn gia phả họ Đào tại làng Cự Tài, huyện Hoài Nhơn.
Đào Duy Từ không chỉ là ông tổ lập nên họ Đào ở Hoài Nhơn và Bình Định mà còn có thể xem là người góp công khai phá nên vùng đất Bình Định trong những buổi đầu tiến về phía Nam định cư theo chỉ dụ của vua Lê, rồi chúa Nguyễn sau này. Trước cổng đền thờ ông đề chữ “Khai quốc công nguyên huân” (người có công mở nước) nhưng gia thế của ông ra sao ít ai được biết. Hai cuốn gia phả họ Đào chúng tôi có được dưới đây cho biết khá tường tận về gia thế của ông.
|
Gia phả họ Đào niên hiệu Thành Thái năm thứ 3 (1891) - một trong những tài liệu ghi chép rất tỉ mỉ, cụ thể về gia thế Đào Duy Từ. |
Cuốn thứ nhất chép năm Tự Đức 30 Đinh Sửu (1872) và cuốn thứ hai chép năm Thành Thái thứ 3, vào tháng 2 năm Tân Mão (1891), tháng được xem là rất tốt cho việc trùng tu gia phả. Về nội dung, hai cuốn gia phả đều chép giống nhau về các đời của họ Đào, trong cùng một khung niên đại, từ đời viễn tổ Đào Duy Trung đến mốc soạn tu gia phả. Bản năm Tự Đức bị mất một số trang phần liệt kê các chi phái. Bản Thành Thái do trùng tu trên cơ sở của bản trước nên văn phong sáng sủa, ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Về phương pháp biên soạn, cả hai bản đều thiên về liệt kê tên họ các chi phái, không nêu chi tiết hành trạng, công danh của từng người, nhất là từ đời bát thế tổ Đào Duy Phần trở về sau này. Kết thúc gia phả, bản Thành Thái lưu ý những quy định của dòng họ: “Về sau, người nào trong họ thuộc hệ nào không lo việc sản nghiệp, không hòa thuận trong họ hàng, hoặc dâm dục, hoặc nghiện thuốc phiện, say sưa chè rượu, cờ bạc, những hạng người như thế nên xem là bất hiếu. Sau khi chết không được ghi tên thờ tự, khiến cho biết để răn bảo, thì đối với gia giáo không thể không bổ ích vậy”.
Vấn đề đáng chú ý của hai bản gia phả này là những uẩn khúc trong cuộc đời Đào Duy Từ, rơi vào khoảng thời gian “ở ẩn” của ông. Về lai lịch họ Đào, kể từ Đào Duy Từ và vợ ông là Cao Thị Nguyên trở về trước, cả hai bản đều ghi là ở Thanh Hóa. Về vợ Đào Duy Từ, sử sách về ông đều chép, ông được khám lý Trần Đức Hòa gả con gái cho. Vậy nên có cơ sở để nói rằng Đào Duy Từ có hai vợ.
Về bà Cao Thị Nguyên, gia phả họ Đào ghi bà là vợ Đào Duy Từ. Về bà Trần Thị (không nói rõ tên) cả chính sử và dã sử đều chép là vợ của Lộc Khê hầu. Ở Hoài Nhơn, cách đền thờ Đào Duy Từ 300 m có đền thờ bà Trần Thị, trước cổng đề biển “Quốc ông phu nhân tự”. Theo con cháu họ Đào, vì bà không có con nên đi tu. Khi bà mất, dòng họ thờ bà tại nơi bà tu; theo quy định “tam tòng tứ đức”, phụ nữ không có con bị quy vào tội “bất hiếu”, có thể vì lẽ này bà không được chép vào gia phả. Con cháu họ Đào cũng cho biết, không hiểu từ bao giờ tại vùng này, trai gái hai họ Trần và Đào không được lấy nhau mà coi nhau như anh em ruột thịt. Hiện nay tục này vẫn giữ tuy không còn nghiêm ngặt.
Theo hai bản gia phả, bà Cao Thị Nguyên là vợ của Đào Duy Từ. Như vậy, Đào Duy Từ và vợ cả đều là người Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Ông lấy bà Cao Thị Nguyên trước khi vào Đàng Trong. Tài liệu chính sử và dã sử đều ghi Đào Duy Từ vào Đàng Trong năm 1625, lúc này đã 53 tuổi. Năm 1627, Đào Duy Từ gặp Trần Đức Hòa, được ông gả con gái và tiến cử lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Điểm đáng lưu ý khác, các tài liệu ghi năm 1631 Đào Duy Từ gả con gái cho Nguyễn Hữu Tiến, không nói rõ con bà vợ nào nhưng chắc chắn là con bà Cao Thị Nguyên. Trong khi đó tài liệu cũng chép, bà Cao Thị Nguyên không theo ông vào Đàng Trong mà ở quê nhà phụng dưỡng cha mẹ Đào Duy Từ, ông chỉ mang các con vào sau khi đã thành danh.
|