Thật may mắn khi đúng ngày 14.2, ngày lễ tình nhân Valentine, tôi được gặp ông – nhà thơ Hải Như, đúng ra là vợ chồng ông ngay tại Quy Nhơn. Đó là một cặp tình nhân, tôi muốn gọi ông bà như thế, dù ông năm nay đã 89 tuổi, bà 84 tuổi và họ đã chung sống với nhau 66 năm, có với nhau 7 người con. Không là tình nhân sao được khi trông ông bà, bề ngoài trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi và tâm hồn thì tươi trẻ như đôi mươi.
|
89 tuổi, nhà thơ Hải Như vẫn rất trẻ trung.
|
Vợ chồng nhà thơ Hải Như đến Bình Định theo lời mời của Tỉnh ủy Bình Định, với lý do ghi trong giấy mời: “...Thời gian qua đã sáng tác nhiều thơ, có bài đã phổ thành nhạc phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam ca ngợi quê hương Bình Định, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương Bình Định trên mọi miền đất nước”. Họ đến Quy Nhơn với lời mời đó nhưng với tôi, nét tươi trẻ của họ đáng chú ý hơn nhiều. Vợ chồng nhà thơ có nguyên một kho bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng như duy trì sự trẻ trung, vui vẻ đến hài hước… sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Thỉnh thoảng họ vẫn gọi nhau là anh - em, họ có nhau trên những chặng đường dài, khi Sapa, lúc Nha Trang, Đồ Sơn... ngay cả những lúc ông được mời đi nói chuyện thơ, bà cũng ngồi bên dưới...
Bình Định là quê hương thứ hai
Chuyến du xuân đầu năm Nhâm Thìn của nhà thơ Hải Như cùng vợ ông, bà Nguyễn Thị Tỉnh (nguyên phóng viên Báo Lao động, cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) bắt đầu từ ngày 13.2, ông bà có mặt tại TP Quy Nhơn và dự định lưu lại Bình Định khoảng một tuần.
Nhà thơ Hải Như hào hứng kể về mối duyên giữa ông và Bình Định: “Khoảng trước năm 2000, anh Mai Ái Trực khi đó là chủ tịch tỉnh, vốn đã biết một số tác phẩm tôi viết về Bác Hồ, mời tôi đóng góp với tỉnh. Khi đó, tôi đã viết bài thơ “Khúc tình ca Bình Định”, được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc. Năm 2001 tôi lại viết bài thơ “Quy Nhơn trang mới”, lấy cảm hứng từ con đường Quy Nhơn - Sông Cầu mới xây dựng, do nhạc sĩ Văn Lương phổ nhạc. Năm 2005, tôi lại được Chủ tịch tỉnh Vũ Hoàng Hà mời ra Quy Nhơn nhân dịp khởi công xây dựng cầu Thị Nại và tôi đã viết “Thơ viết bên Đầm Thị Nại”, được nhạc sĩ Vũ Trung phổ thành bài hát “Hát từ bán đảo Phương Mai”. Ra Quy Nhơn lần này, tôi muốn viết một bài mới. Có thể là Cảng Quy Nhơn. Tôi muốn mượn Cảng Quy Nhơn để nói về Bình Định.
Ông có nhiều bài thơ viết về các vùng đất, địa phương trong cả nước và được phổ nhạc. Với Bình Định, điều gì là dấu ấn đặc biệt?
- Theo tôi, nghệ sĩ phải ý thức đâu cũng là quê hương, mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam cũng là quê hương của mình. Bình Định được cả nước biết đến là quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung, con người Bình Định thì anh dũng, kiên cường trong chiến tranh bảo vệ đất nước, sống trung thực và khí phách. Các lãnh đạo tỉnh từ anh Mai Ái Trực, đến Vũ Hoàng Hà, rồi Nguyễn Văn Thiện đều mời tôi đến Bình Định và tôi dường như đã trở thành “công dân danh dự” của Bình Định. Cùng với Hải Phòng, tôi cũng coi Bình Định như quê hương thứ hai của tôi.
Vợ chồng là phải … cãi nhau
Nhân ngày lễ Valentine, ông bà có thể chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình không, khi đã cùng nhau đi gần trọn cuộc đời?
- Nhà thơ Hải Như: Chúng tôi cưới nhau năm 1946, tính đến nay là đã 66 năm. Vợ tôi là người Hà Nội gốc, khi ấy tham gia hoạt động phụ nữ xã tại Nam Định. Sau khi cưới, tôi đi bộ đội. Tôi nhớ vợ bằng thơ thế này: Người yêu tôi, cô gái quê nghèo, cưới mùa thu cách mạng/ 12 năm rồi vẫn đằm thắm chiếc hôn/ Đêm kháng chiến hành quân nằm bãi, ngủ cồn/ Gặp mắt người yêu trong giấc ngủ...
Tôi quan niệm, vợ chồng là phải bổ sung cho nhau, phải cãi nhau (cười). Cãi nhau nhưng vẫn phải làm lành. Chúng tôi có 7 người con, hai đứa đã mất, trong đó có con trai thứ hai là liệt sĩ, hy sinh 40 năm rồi mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Con gái đầu của chúng tôi năm nay 65 tuổi, cháu nội tôi cũng đã 40 tuổi. Còn tôi mới có 89 tuổi, bà ấy thì mới 84 thôi.
Là nhà thơ, hẳn ông rất lãng mạn? Vào những dịp lễ như hôm nay, ông có tặng quà cho bà không?
- Chưa chắc (cười). Lúc trước tôi hay tặng hoa cho bà ấy vào kỷ niệm ngày cưới. Nhưng cũng có năm nhớ năm không. Còn bà ấy tặng tôi một bữa … đánh chén (lại cười). Chuyến đi này cũng coi như là một món quà Valentine tôi tặng bà ấy đấy.
Bà ơi (Bà Nguyễn Thị Tỉnh, vợ nhà thơ Hải Như), khi giận nhau, ai sẽ làm hòa trước?
- Ông ấy phải làm hòa trước. Phải cãi nhau mới vui, mới khỏe!
- Nhà thơ Hải Như: Vợ chồng là phải hiểu nhau, nhường nhau. Bà ấy thích thắng thì tôi cho bà ấy thắng. Phụ nữ nói chung đều thích thắng. Bà ấy biết là tôi nhường, nhưng bà ấy thích bị lừa! (cười).
- Bà Nguyễn Thị Tỉnh: Vợ chồng, dù tuổi nhiều hay ít thì cũng phải coi nhau như thuở mới yêu nhau, gần gũi, trọng nhau. Cuộc sống luôn thay đổi và có nhiều phức tạp, khó khăn nhưng người phụ nữ phải biết điều hòa. Lương chồng ít thì tiêu ít, có nhiều thì tiêu nhiều. Vợ phải là người biết điều hòa, tạo thêm nguồn lợi khác, quan trọng nhất là dạy dỗ con cái. Phụ nữ phải dịu dàng, lời ăn tiếng nói phải khéo để giữ hạnh phúc, vui vẻ, chứ mặt sưng mày sỉa thì thôi. Chồng về khuya, hỏi: anh về khuya thế, rồi lấy mì cho ăn, thế đấy! Chồng tôi làm thơ nên phải làm cho chồng vui vẻ, thoải mái thì mới có sáng tác hay được
Còn bí quyết để luôn trẻ trung thì sao, thưa ông bà?
- Nhà thơ Hải Như: Để trẻ trung, đừng bao giờ dạy dỗ người khác. Bởi khi có tư tưởng đó thì luôn thấy mình già. Còn phải tự mình rèn luyện, trau dồi tri thức, đọc sách để trang bị kiến thức. Mình dốt, khi khám phá ra được điều gì thì thấy thích, vậy là vui, thấy mình trẻ ra thôi.
- Bà Nguyễn Thị Tỉnh: Chúng tôi đang sống với con gái ở quận 12, TP Hồ Chí Minh. Sáng dậy tôi tập thể dục 20 phút, sau đó đi bộ 30 phút, và tắm. Ông ấy cũng tập thể dục, nhưng mỗi người mỗi kiểu phù hợp với sức khỏe. Trí nhớ ông ấy vẫn còn tốt, nhớ tỉ mỉ từng tí một.
Có khỏe thì gia đình mới vui vẻ, hòa nhã. Vợ chồng là phải chiều nhau một chút.
|
Bí quyết để sống hạnh phúc và vui vẻ dài lâu của vợ chồng nhà thơ Hải Như là vợ chồng phải biết chiều nhau, tương kính như tân, lạt mềm buộc chặt...
|
“Kỹ thuật” giữ chồng
Thơ tình Hải Như được khá nhiều phụ nữ ngưỡng mộ, rồi mến mộ luôn cả người làm thơ. Trong số đó đáng kể có người đẹp, diễn viên nổi tiếng miền Nam những năm 1950 - 1970 Thẩm Thúy Hằng. Đã có lần nhà thơ và người đẹp đàm đạo với nhau tại nhà ông cả ngày, và vợ ông rất vui vẻ làm cơm mời người đẹp.
Bà nghĩ như thế nào về những chuyện như thế này?
- Bà Nguyễn Thị Tỉnh: Lấy người làm văn nghệ thì phức tạp lắm, phải chiều cơ, nhưng tôi có nguyên tắc, kỹ thuật. Nhiều năm chúng tôi chưa có cãi nhau, chỉ giận dỗi tí thôi. Phải có “kỹ thuật” để giữ giá trị người chồng, cũng là giữ giá trị cho mình. Mình tin chồng mình, vì đó là công việc.
Đã có khi nào ông “lung lay” vì một bóng hồng nào đó không, và bà ứng xử như thế nào?
- Có lần ông ấy lung lay rõ ràng đấy (bà nói và nhìn về ông, vẫn cười). Nhiều cô thích thơ, thích luôn ông ấy. Từng có cô đẹp, giỏi và giàu, trước khi xuất cảnh đã ngỏ ý với tôi cho ông ấy đi cùng, đổi lại bà ấy đưa tôi vàng. Tôi bảo là cho đi ngay, bao nhiêu năm cũng được, đưa vàng đây! Thế là bà ấy biết tôi là cao thủ (cười). Lần sau, khi sắp đi, bà ấy lại ngỏ ý muốn “mượn” ông nhà tôi một đêm đi chơi, sáng mai trả. Tôi bảo một đêm thì ít quá, hai ba đêm cũng được. Rút cuộc bà ấy chẳng làm gì cả.
Thế nếu bà ấy đưa vàng cho bà thật và ông đi thì sao?
- Đố đi! Nói vậy chứ thời con gái tôi cũng thuộc loại đẹp và hiền.
Nếu thế thật thì ông có đi không?
- Tôi biết là bà ấy cho bà kia vào tròng mà!
Sau bao nhiêu năm hạnh phúc, bà hài lòng ở ông ấy điểm nào?
- Cuộc sống và xã hội phức tạp, nhưng ông ấy không hề quan tâm đến danh lợi, địa vị, vật chất. Ông ấy còn biết chiều vợ và hài hước. Về nhà, ông ấy làm thơ trêu vợ nữa. Người ngoài còn thích thơ ông ấy nữa là, mình là vợ, sao không thích!
Còn điểm bà không thích?
- Nhiều lắm (cười). Bừa bộn, không gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng mình làm vợ thì phải biết điều hoà, phải biết hy sinh một chút. Chỉ bấy nhiêu thôi, chứ nhiều nữa thì cãi nhau to.
Xin cảm ơn vợ chồng nhà thơ Hải Như. Chúc ông bà luôn vui khỏe và hạnh phúc!
* Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923. quê quán: Bái Dương, Nam Trực, Nam Định. Trước cách mạng Tháng 8.1945, ông hoạt động truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội. Năm 1946 ông tham gia quân đội. Từng là thư ký tòa soạn báo Sông Lô (Quân khu 10), biên tập viên văn nghệ Báo Vệ quốc quân, biên tập viên văn nghệ Báo Cứu quốc, Báo Đại Đoàn kết, Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ TP Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm chính đã xuất bản: Trái đất mai này còn lại tình yêu (tập thơ, 1985), Bài thơ trên bến Nhà Rồng (tập thơ, 1990), Nỗi buồn hoa bất tử (tập thơ, 1990), Trò chuyện với người xưa (dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, 1994), Xin ai chớ phụ hoa ngâu (văn xuôi, 1996), Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (kịch bản văn học, 1990).
Ông có hơn 40 bài thơ viết về Bác Hồ và nhiều thơ tình.
Ông có trên 100 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những bài được nhiều người biết như: Thành phố hoa phương đỏ (nhạc: Lương Vĩnh), Hoa hướng dương (nhạc: Tô Vũ), Chuẩn bị sẵng sàng chiến đấu (nhạc: lưu Hữu Phước), Cả Hà Nội hành quân (nhạc: Lê Lôi) Thành phố tiếng thoi (nhạc: Huy Thục), Chào bình minh thời đại (hợp xướng, nhạc: Nguyễn Đình Tấn)... Với Bình Định, ông là tác giả thơ, phần lời của những ca khúc: Khúc tình ca Bình Định (nhạc: Trương Quang Lục), Hát từ bán đảo Phương Mai (nhạc: Vũ Trung), Quy Nhơn trang mới (nhạc: Văn Lương) |
|