Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (tập 3, trang 35 và 46) và “Đại Nam thực lục”, ông Văn Phong là người ở làng Mỹ Đức, xã Tây An, huyện Tây Sơn, được nhà Nguyễn giao đào mương, khơi ngòi từ hạ nguồn sông Côn - Trinh Tường, Phú Lạc (quê ngoại của ba anh em Tây Sơn) để tưới tiêu cho vùng tả ngạn sông Côn, thuộc huyện Tây Sơn vào đầu thế kỷ XVIII. Ông được quyền đào, vét bất kỳ nơi nào trong 7 xã có mương nước đi qua. “Giới hạn Tây cận Sơn, Nam cận Giang”.
|
Miếu thờ ông Văn Phong ở xã Tây An.
|
“Địa chí Bình Định”, tập Kinh tế, trang 34 có ghi: Dưới thời Chúa Nguyễn, đặc biệt là thời Tây Sơn, các công trình Thủy lợi ở Phủ Quy Nhơn được chú trọng thực hiện. Các đập Lộc Đổng, xã Đồng Hươu, cách thị trấn Phú Phong 8 km về phía Đông, đập Kiền Kiền ở xã Bình Phú, đập Văn Phong ở thôn Phú Lạc (quê ngoại của gia đình nhà Tây Sơn) là những công trình thủy lợi lớn từ đầu thế kỷ XVIII...
Trải qua gần bốn thế kỷ, đập Văn Phong vẫn tồn tại. Không người dân nào trong vùng lại không biết đến lợi ích của công trình này. Đó là một dòng nước khởi nguồn từ sông Côn chảy qua Phú Lạc, uốn khúc theo những con mương rộng chừng 5-6 m, qua các đồng ruộng, mương gò chạy dài trên 10 km, dẫn nước tưới cho các đồng ruộng miền Đông Nam Tây Sơn, từ thôn Phú Lạc đổ xuống Kiên Mỹ (xã Bình Thành) qua Kiên Luông, Kiên Ngãi, Trường Định, Vân Tường đến Mỹ Yên, Mỹ Đức và đổ xuống Bính Đức. Những mùa nắng hạn, đất đai các vùng khác nứt nẻ, nhưng riêng những cánh đồng ăn nước đập Văn Phong mương nước chảy rung rinh, ruộng lúa xanh tươi đến lúc ngả vàng gié lúa nặng trĩu. Suốt mấy thế kỷ qua, cứ mỗi năm một lần người dân tổ chức nạo vét lòng mương để khơi thông dòng chảy. Người chịu trách nhiệm trông nom công việc này là ông Cả Yển - ngang hàng với chức sắc Hương Lý. Vì ông Văn Phong là người dân Mỹ Đức nên chức Cả Yển trong suốt mấy thế kỷ qua đều giao cho chính dân làng Mỹ Đức đảm nhiệm.
Để ghi nhớ công đức của ông Văn Phong, người dân đã xây dựng miếu thờ ông ở làng Mỹ Đức. Sách “Đại Nam thực lục” có ghi: “Vùng hạ lưu sông Côn, từ Kiên Mỹ đến Thị Nại cũng có hơn 30 đập lớn nhỏ. Hiện nay vùng này vẫn còn một số di tích miếu thờ các bậc tiên hiền có công đắp đập, khai thông mương máng như: Miếu Văn Phong ở xã Tây An; miếu bà Châu Thị Ngọc Me và bà Trần Thị Ngọc Lan ở Đập Đá...”. Hàng năm, dân làng Mỹ Đức tổ chức ngày giỗ ông vào mùng một tháng 11 âm lịch.
Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh, miếu Văn Phong bị tàn phá. Người dân trong làng đã tự nguyện góp công, góp của, khôi phục, trùng tu để có chỗ thờ tự vị tiên hiền có công đào mương, đắp đập, dẫn nước tưới tiêu. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, sức dân không đủ nên nơi tôn thờ có phần chưa xứng đáng với công đức của vị tiền nhân này. Trải qua bao mưa nắng và thời gian, miếu thờ cũng đã xuống cấp.
Bởi vậy, người dân làng Mỹ Đức nói riêng và người dân các xã hưởng lợi từ nguồn nước đập Văn Phong nói chung mong ngành Văn hóa quan tâm làm các thủ tục đề nghị công nhận đập Văn Phong là di tích lịch sử - văn hóa và quan tâm hỗ trợ nâng cấp miếu Văn Phong cho xứng tầm với sự nghiệp và công đức của ông Văn Phong.
|