Hồi sinh một di tích
19:24', 18/2/ 2012 (GMT+7)

Hơn 1 thế kỷ (từ 1471 – 1611) vùng đất Bình Định là miền biên viễn của Đại Việt, có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với quá trình người Việt định cư lập làng sinh sống và hình thành các đô thị cổ, hầu hết các di tích ấy đã bị chiến tranh và thời gian làm mai một. Rất may, có một di tích xác định sự ra đời đô thị Quy Nhơn hiện còn, đã được xếp hạng và đang hồi sinh: Di tích chùa Ông Nhiêu (tức đền Quan Thánh).

Chùa Ông  Nhiêu thuộc thôn Vĩnh Khánh, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn (ngày nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn). Thôn Vĩnh Khánh là một làng cổ lâu đời của thành phố Quy Nhơn. Không có tài liệu nào nói về năm ra đời và quá trình phát triển của thôn Vĩnh Khánh, nhưng di vật còn lại cổ xưa nhất của thôn Vĩnh Khánh là chiếc Khánh của chùa Long Khánh làm năm Kỷ Mùi (1739). Từ thôn Vĩnh Khánh đã thành lập nên làng hai làng Chánh Thành và Cẩm Thượng, cư dân thành phố Quy Nhơn được khởi đầu từ đó.

 

Tấm bia ghi công đức chùa Ông Nhiêu năm 1837.

Dấu ấn một đô thị cổ

Bảo tàng tổng hợp Bình Định hiện đang lưu giữ tấm bia ghi công đức những người đóng góp tiền xây dựng chùa Ông Nhiêu năm 1837, bằng gỗ (1,35m x 0,6m), khắc chìm chữ Hán. Tấm bia ghi công đức của 141 đơn vị, cá nhân cúng dường với số tiền 415 quan. Trong đó 91,5% là thuyền hộ và 8,5% là các viên chức nhà nước và hiệu buôn. Và không như nhiều ngwòi vẫn nghĩ, phần đóng góp của thuyền hộ người Hoa chỉ chiếm tỷ lệ 8% mà thôi. Hiệu buôn Phát Tài cúng 2 quan tiền, các xí nghiệp (nghiệp chủ) như Lê Văn Thu cúng 3 quan, Lê Văn Chẩn cúng 5 quan, quan Tổng Đốc Bộ đường cúng 100 quan, Cai trưởng Ngô Văn Phóng cúng 100 quan và là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng.

Tấm bia công đức mở đầu như sau: “Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ lãnh binh Bình - Phú Tổng đốc họ Võ, cùng Phố trưởng Trần Đức Hiệp, Cai trưởng Ngô Văn Phóng ở ấp Chánh Lộc, thôn Vĩnh Khánh, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn thành tâm ăn chay niệm Phật để xây miếu Quan Thánh đế quân. Ngày mồng một tháng ba năm Đinh Dậu (1837) bắt đầu khởi công xây dựng…”.

Từ những thông tin cho chúng ta biết rằng: Nơi đây đã diễn ra một quá trình tụ cư lâu dài hàng trăm năm trước đó, thuở còn địa danh thôn Vĩnh Khánh. Đầu thế kỷ XIX, thôn Vĩnh Khánh trở thành vùng đất quan trọng của Bình – Phú (Bình Định, Phú Yên), điều đó thể hiện bởi sự có mặt của quan Tổng đốc Bình - Phú họ Võ (Võ Xuân Cẩn nhậm chức Tổng đốc Bình – Phú năm 1833 đến năm 1839 về kinh nhậm chức Thượng Thư Bộ Hình, quản Đô Sát Viện, kiêm Tổng tài Quốc Sử quán, soạn Đại Nam thực lục) trong việc xây dựng ngôi đền Quan Thánh đế quân tại thôn Vĩnh Khánh vào năm 1837.

Mặt khác, nội dung tấm bia cho chúng ta biết được thời điểm năm 1837, ở Quy nhơn đã hình thành đô thị thương nghiệp với nhiều hiệu buôn, nhiều chủ thuyền và nhiều quan chức Nhà nước tham gia hoạt động thương mại ở Quy Nhơn lúc bấy giờ.Tất cả các luồng thuyền buôn đều quy tụ về đây đã tập trung một đội ngũ thương nhân đông đảo, phố chợ ra đời, đô thị Quy Nhơn cũng được xác lập bởi chức danh Phố trưởng mà viên thị trưởng lúc đó có tên là Trần Đức Hiệp.

Như vậy, đây không phải là một ngôi đền bình thường do các viên chức và bô lão của một thôn làng đóng góp xây dựng mà là ngôi đền mang tầm vóc của Tổng Bình – Phú, do đó viên quan Tổng đốc Đại thần đại diện của triều đình đứng ra tổ chức xây dựng cùng quan phụ trách thuyền bè, buôn bán là Cai trưởng Ngô Văn Phóng. Đặc biệt có Phố trưởng người Việt là Trần Đức Hiệp của đô thị này chịu trách nhiệm chính việc xây dựng đền. Chức danh phố trưởng ở Quy Nhơn là chức danh đặt cho một cơ chế quản lý đô thị dưới Triều Nguyễn lần đầu tiên tìm thấy ở Quy Nhơn và cũng là chức danh duy nhất trong cơ chế quản lý Nhà nước triều Nguyễn. Điều đó chứng tỏ rằng vào đầu thế kỷ XIX, Quy Nhơn đã xác lập đô thị với một cơ chế quản lý đặc biệt của triều Nguyễn đặt cho vùng này với chế độ tự trị, tự lập trong quản lý Nhà nước, xã hội và kinh doanh.

 

Nhân dân tham gia đóng góp tu bổ chùa.

Phủ mờ bụi thời gian

Chùa Ông Nhiêu ngoài giá trị văn hóa, tín ngưỡng còn có giá trị lớn về mặt lịch sử, tuy nhiên đối mặt với bao thăng trầm lịch sử qua suốt gần 200 năm, sau nhiều lần tu sửa, hiện nay, chùa không còn tư liệu, di vật nào ghi lại ngoài tấm bia công đức nêu trên, nhưng theo các cụ cao niên trong vùng cho biết: Chùa đã có vài lần tu sửa, lần tu sửa gần đây là vào những năm 1960. Đầu những năm 1980, khuôn viên chùa bị thu hẹp, sân trước chùa giao cho Xí nghiệp đông lạnh, một phần đất sau chùa xây nhà làm việc của Xí nghiệp nước ngọt (nay là Xí nghiệp nước khoáng Chánh Thắng).

Đến năm 1985, chùa không còn sinh hoạt tín ngưỡng, các tượng thờ, đồ thờ tự tế khí trong chùa thất tán, chùa gần như bị hư hại hoàn toàn. Năm 2002, chùa Ông Nhiêu được xếp hạng di tích cấp tỉnh, với diện tích khu vực bảo vệ I là 922,32m2. Tuy nhiên, di tích chùa Ông Nhiêu hiện nay chỉ quản lý và sử dụng khu vực Chánh điện với diện tích 176m2. Bia đá di tích lịch sử - văn hóa Chùa Ông Nhiêu được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh khắc năm 2005, đến nay vẫn chưa xây dựng được vì không có đất. Được biết, trong những năm qua, phòng Văn hóa – Thông tin và UBND thành phố Quy Nhơn đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở ngành liên quan thông qua thiết kế chi tiết qui hoạch tổng thể khu di tích chùa Ông Nhiêu trước mắt và lâu dài một cách bài bản, khoa học. Thế nhưng, sau 10 năm di tích được xếp hạng, khu vực bảo vệ I (khu vực bất khả xâm phạm) vẫn giữ nguyên hiện trạng di tích bị xâm phạm trước đó.

 

Di tích chùa Ông Nhiêu hồi sinh.

Hồi sinh cho di tích

Trong những năm 2008, 2009 và 2011, UBND thành phố Quy Nhơn đã đầu tư gần 300 triệu đồng chống mối mọt, tu bổ, gia cố chống xuống cấp di tích và di dời một số tượng thờ ở di tích Quảng Đông Hội quán (bị xuống cấp) về chùa Ông Nhiêu (hai di tích này có hệ thống tượng thờ và niên đại tương đồng). Hiện nay, không gian tâm linh chùa Ông Nhiêu đã được phục hồi về cơ bản và đang tiếp tục tu sửa, bổ sung hoàn thiện bằng nguồn công đức và công sức của bà con địa phương hảo tâm, đồng thời nhân dân tổ chức ban tự quản, chăm sóc, bảo vệ chùa. Và hàng ngày thường xuyên có khách đến chùa thăm viếng.

Đây là một thành quả lớn của Phòng Văn hóa – Thông tin và UBND thành phố Quy Nhơn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt công tác khắc phục tư tưởng bao cấp trong nhân dân đối với việc bảo vệ và tu bổ, tôn tạo di tích, đặt di tích vào thiết chế văn hóa xã hội truyền thống xóm làng, thực hiện nhân dân có quyền quản lý, bảo vệ và tham gia đóng góp tu bổ di tích dưới sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chức năng.

Di tích chùa Ông Nhiêu không đơn giản là nơi thờ phụng thần thánh, mà còn là nơi tôn thờ những biểu tượng của đạo đức lý tưởng, của cái đẹp, của tự nhiên vĩnh hằng, là nơi con người thỏa mãn khát vọng hướng đến chân – thiện – mỹ, một khát vọng ngàn đời của nhân loại.

Về mặt kiến trúc, chùa Ông Nhiêu là một công trình kiến trúc cổ dân gian truyền thống của người Việt điển hình ở miền Trung; đồ sộ nhất, hoàn chỉnh nhất và cổ xưa nhất đến bây giờ chúng ta còn tìm thấy trên đất Quy Nhơn.

Nếu di tích lịch sử - văn hóa chùa Ông Nhiêu được quy hoạch thoáng hơn, không gian tâm linh tôn nghiêm hơn, có lẽ đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho cả người chiêm bái cũng như du khách muốn tìm hiểu về đô thị cổ Quy Nhơn.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đập Văn Phong xứng tầm một di tích  (16/02/2012)
Một địa chỉ văn hóa năng động và đa dạng  (16/02/2012)
Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ   (15/02/2012)
Thêm một đơn vị du lịch lữ hành hoạt động  (15/02/2012)
Nhà thơ Hải Như, đôi tình nhân và chuyện tình yêu  (14/02/2012)
Gia thế Đào Duy Từ qua hai cuốn gia phả   (13/02/2012)
Thêm sắc cho văn nghệ phong trào   (13/02/2012)
Adele thắng lớn với 6 giải Grammy  (13/02/2012)
Diva Whitney Houston đột tử ở tuổi 48  (12/02/2012)
Nghệ sĩ của đại ngàn  (12/02/2012)
Giếng ngọt  (11/02/2012)
Biển đảo trên đồi Thi Nhân  (09/02/2012)
NSNA Đào Tiến Đạt (Bình Định) đoạt 2 bằng Danh dự, 1 HCV và 1 HCB  (09/02/2012)
Tình yêu và một liên tưởng thú vị  (09/02/2012)
Gắn kết sự kiện với nghệ thuật  (08/02/2012)