Bước qua tuổi 50, tài sản nghệ thuật là vài chục bức sơn dầu, vài chục tranh cổ động và vài chục bìa sách… Lê Duy Khanh không tự nhận mình là người có thành tựu mỹ thuật song giới hội họa vẫn nể trọng bởi lĩnh vực nào anh cũng tạo được dấu ấn.
|
Họa sĩ Lê Duy Khanh
|
Cùng tuổi Tân Sửu, Duy Khanh giống tôi ở chỗ không thể theo đuổi tới cùng niềm đam mê mà phải lận đận cơm áo gia đình. Khanh là “con nhà nòi” được sản sinh từ “lò vẽ” chân dung - quảng cáo vang bóng một thời ở Quy Nhơn: Phòng vẽ Thạc Đức! Cha của Khanh, ông Lê Thước, chủ hiệu vẽ, sinh thời là người tài hoa, giỏi “cầm, kỳ, thi, họa”. Hàng chục năm trước và sau giải phóng, trên khắp các con đường, góc phố ở Quy Nhơn xuất hiện rất nhiều biển hiệu, biển quảng cáo với nét chữ thảo mềm mại của “lò vẽ” Thạc Đức, không lẫn với bất cứ đâu. Ông bà Lê Thước sinh 8 người con thì đã có 5 theo nghiệp vẽ và đều đã tốt nghiệp đại học mỹ thuật. Ngoài họa sĩ Lê Duy Khanh, 4 người còn lại đều có những thành tựu nghệ thuật, nhất là người anh cả - họa sĩ Lê Duy Hồng (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định) và người em kế - họa sĩ Lê Sa Long (giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh).
Năm 1980, Lê Duy Khanh là sinh viên đầu tiên của Trường Mỹ thuật Huế vào khoa Hội họa bậc đại học không phải qua trung cấp mỹ thuật mà chính từ tấm bằng tốt nghiệp cấp 3. Sống trong một ngôi nhà mà xung quanh chỉ có cọ màu, biển hiệu và những bức tranh, Khanh đã có niềm đam mê và bộc lộ năng khiếu vẽ từ năm học lớp 8. Để giúp đỡ gia đình, sau giờ học, Khanh phải cầm cọ vẽ chân dung, vẽ phong cảnh… Lên lớp 11, Khanh đã nhận vẽ các panô phim cho Rạp 31.3. Điện ảnh thời bao cấp rất sôi động nên các panô quảng cáo phim rất được chăm chút nhưng Khanh lại được tín nhiệm trao cho công việc này. Khanh nhớ lại: “Với mỗi panô phim, mình phải cố tạo bố cục ấn tượng mà nêu bật được chủ đề của phim và ý đồ đạo diễn”.
Tốt nghiệp đại học, Lê Duy Khanh về nhận công tác ở phòng Thông tin - Cổ động Sở VH-TT Nghĩa Bình, rồi “chân trong chân ngoài” lo kế mưu sinh. Giờ anh đang phụ trách phòng Nghiệp vụ thông tin thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Từ những thôi thúc công việc, một thời Khanh chuyên vẽ tranh cổ động. “Cái khó của loại tranh này là phải thoát ra khỏi lối mòn, nếu không dễ bị trùng lặp”, Khanh tâm sự. Và anh đã vượt thoát được ngay từ những bức vẽ đầu tiên. Năm 1982, khi còn học đại học, bức vẽ Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, đã đạt giải thưởng. Đến năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Khanh lại đạt giải Ba toàn quốc trong cuộc thi tranh cổ động về chủ đề này. Mới đây, Khanh lại tiếp tục thành công khi đoạt giải Ba và giải Khuyến khích tại Cuộc thi vẽ tranh cổ động “Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011 do Hội VHNT Quảng Ngãi và Phòng VHTT thành phố này tổ chức.
|
Tác phẩm Nỗi đau đại ngàn.
|
Công việc của cơ quan rồi cái xưởng in quảng cáo đã ngốn hết thời gian của Duy Khanh. Trong lúc nhiều họa sĩ trong tỉnh đã dần có thành tựu, bạn bè sốt ruột thì Khanh vẫn điềm nhiên: “Tác phẩm lớn của đời mình chính là cái gia đình rất ổn với những đứa con ngoan ngoãn”. Nói vậy thôi, Khanh vẫn không thể rứt khỏi niềm đam mê. Từ năm 2002, Khanh tiếp nối mạch vẽ sơn dầu. Những hoài niệm, trăn trở về nhân sinh; niềm khát khao bứt thoát khỏi những lề thói ràng buộc, trở về bản ngã là điều Duy Khanh thường gửi gắm qua các tác phẩm. Sau 10 năm để tâm đến niềm đam mê, Duy Khanh lập tức gây được sự chú ý. Năm nào anh cũng có tranh tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực và được tặng thưởng. Năm 2010, Duy Khanh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam!
Tôi thích xem tranh của Khanh bởi ý nghĩa biểu hiện của nó. Duy Khanh quan niệm hội họa là đặt đối tượng vào một không gian mới. Những chuyến đi và sự cảm nhận cuộc sống chỉ cho Duy Khanh ý tưởng để rồi ý tưởng ấy phải đi qua một trường cảm xúc nhiều và tinh chắc trước khi được thể hiện bằng mảng và màu.
Duy Khanh mê đề tài dân tộc thiểu số. Trong số những tranh đẹp của anh có cả chục bức cho đề tài này. Từ bức “Khóc trâu”, thể hiện sự dằn vặt trước tình yêu thương một loài vật gần gũi với sự tồn tại một lễ hội linh thiêng; rồi “Cõi về” thấm đẫm triết lý về sự sống và cái chết; “Ngày và đêm” bộc lộ triết lý sống hồn nhiên “cuộc đời là một ngày hội”… Song ấn tượng nhất về đề tài này, với tôi, vẫn là bức “Nỗi đau đại ngàn”. Bức tranh là một dự báo về hiểm họa môi trường. Trên nền đỏ thẳm của lửa rừng, những chú voi con bị treo cổ, gục chết; những bức tượng nhà mồ xộc xệch, thiểu não và tiếng thét gào của con người…
Phố xá cũng là đề tài Duy Khanh để nhiều tâm sức. Dưới mắt Khanh, phố xá là không gian đầy hoài niệm (“Phố xưa”), cũng là nơi bí ẩn với sự phô phang giả tạo và ô nhiễm (“Đô thị”)…
“Bao giờ Duy Khanh mở triển lãm tranh?”; “Mình còn chưa nghĩ đến điều này. Nhưng mấy anh em cũng có dự định sẽ làm một triển lãm chung nhân một ngày giỗ của ba mình!”
Ý tưởng ấy cũng thật hay, bởi cái lò vẽ Thạc Đức ở thành phố Quy Nhơn vẫn còn đó trong ký ức biết bao người!
|