|
Trang phục của ca sĩ Minh Hằng quá phản cảm. |
Quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp còn bất cập, sơ hở; công tác định hướng về tư tưởng, thẩm mỹ có dấu hiệu buông lỏng. Một số lĩnh vực, khuynh hướng sáng tác, biểu diễn, thưởng thức có biểu hiện lệch lạc, suy đồi... Đó là nhận định về lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn được đưa ra trong hội nghị triển khai công tác ngành vừa được tổ chức. Trước thực trạng này, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định sẽ mạnh tay với những hành vi được coi là lệch chuẩn trong hoạt động biểu diễn.
* Phóng viên: Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, những tồn tại gây bức xúc dư luận đều ở những chương trình do tư nhân thực hiện và có tính xã hội hóa cao. Những trường hợp này có nằm trong phạm vi quản lý của cục?
* Ông VƯƠNG DUY BIÊN: Rất nhiều hồ sơ xin cấp phép có yếu tố tốt như ca sĩ uy tín, những bài hát có nội dung tốt, ban tổ chức có uy tín. Dựa trên những thông tin này thì không thể không cấp phép cho họ. Tuy nhiên, trong quá trình biểu diễn mới nảy sinh những vướng mắc. Cũng như đá bóng vậy. Đây là môn thể thao lành mạnh, không ai cổ vũ cho việc đá vào chân nhau nhưng điều đó vẫn xảy ra và trọng tài sẽ là người đứng ra xử phạt. Dù đó là hình ảnh đầy tiêu cực trong bóng đá nhưng cũng không phải vì việc đó mà cấm bóng đá. Điều này cũng tương tự với việc quản lý biểu diễn nghệ thuật.
* Phạt tiền có phải là giải pháp khi mà nhiều người lại sẵn sàng chịu phạt để gây sự chú ý từ dư luận...?
* Theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất là đình chỉ biểu diễn. Tiền phạt dù có gấp 10 lần hiện nay cũng chưa chắc đem lại hiệu quả như mong muốn. Cũng như cầu thủ, việc treo giò tùy theo hành vi có thể kéo dài 1 - 2 trận, thậm chí cả năm không chỉ đánh mạnh vào kinh tế mà cả uy tín. Thêm nữa, tôi cho rằng cùng với việc không cho hành nghề còn phải cấm không cho xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giả sử như trường hợp nghệ sĩ đó bị phạt nhưng vì có các mối quan hệ riêng nên báo chí, truyền hình vẫn đưa hình ảnh, thông tin của họ lên thì hiệu quả của việc xử phạt chưa thực sự triệt để. Đôi lúc các phương tiện truyền thông không hiểu vô tình hay hữu ý đưa những thông tin mang tính PR thái quá cho những nghệ sĩ mặc phản cảm.
Trong nghị định mới về quản lý hoạt động biểu diễn có thể được thông qua trong năm nay, chúng tôi cũng đưa ra đề nghị sẽ đình chỉ biểu diễn nếu nghệ sĩ có sử dụng những trang phục hoặc chương trình biểu diễn phản cảm chứ không chỉ dừng lại ở phạt tiền.
* Cùng với việc sử dụng trang phục phản cảm, hành vi hát nhép của nghệ sĩ dường như chưa có giải pháp chấn chỉnh?
* Hành vi hát nhép trong nghị định tới được quy định khá khắt khe. Nếu trước kia, với đặc thù của mình, hầu hết các chương trình truyền hình đều sử dụng hát nhép nhưng sắp tới điều này không còn nữa. Với chương trình biểu diễn truyền hình trực tiếp, có công chúng xem trực tiếp phải biểu diễn trực tiếp. Trực tiếp là phải thật và điều này cũng đồng nghĩa với việc không được hát nhép.
* Trong vài năm qua, đã có trường hợp hát nhép nào được ghi nhận là bị xử phạt?
* Hiện thì chưa nhưng tôi nghĩ việc xử phạt hát nhép cũng không quá phức tạp. Tuần tới, cục sẽ có văn bản gửi các đơn vị nghệ thuật, sở VH-TT-DL các địa phương nhằm chấm dứt hành vi hát nhép và chấn chỉnh về trang phục của ca sĩ.
Xung quanh bộ ảnh Áo dài khoe nét xuân thì của hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ VH-TT-DL nói rõ: “Sau khi xem xét bộ ảnh của hoa hậu Mai Phương Thúy, chúng tôi thấy đây là những tác phẩm đang gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Có luồng ý kiến cho rằng ê kíp thực hiện những tác phẩm này đã lạm dụng hình ảnh chiếc áo dài để khoe vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ một cách phản cảm.
Bên cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã lên tiếng bảo vệ, cho rằng bộ ảnh chỉ dừng ở mức gợi cảm chứ chưa phải là gợi dục và không nên hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ… Những dư luận xung quanh bộ ảnh lần này cũng là một bài học quý cho các hoa hậu, người đẹp trong việc sử dụng tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam để sáng tạo các bộ ảnh nghệ thuật”. |
. Theo SGGP |