Tiến sĩ Phan Phương Anh, Viện Văn hóa - Nghệ thuật:
“Chúng tôi vui mừng trước sức sống của di sản bài chòi Bình Định”
19:23', 20/2/ 2012 (GMT+7)

Đoàn công tác của Viện Văn hóa- Nghệ thuật (VH-NT) vừa thực hiện kiểm kê khoa học di sản văn hóa bài chòi tại tỉnh ta. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn trưởng đoàn kiểm kê- tiến sĩ Phan Phương Anh, Phó trưởng ban nghiên cứu lý luận và lịch sử VH-NT thuộc Viện VH-NT- quanh vấn đề này.

* Bà có thể cho biết vì sao có cuộc kiểm kê khoa học di sản văn hóa bài chòi này?

- Bộ VH-TT&DL vừa có chủ trương tiến hành tổng kiểm kê di sản bài chòi trên diện rộng, bao gồm các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, giao cho Viện VH-NT là cơ quan chuyên môn thực hiện. Không riêng Bình Định, cả 8 tỉnh Nam Trung Bộ từ Huế đến Bình Thuận, các đoàn công tác của Viện và các phân viện thuộc Viện đang khẩn trương thực hiện kiểm kê khoa học về di sản bài chòi của từng địa phương.

 
Hội đánh bài chòi cổ dân gian, một bộ phận của nghệ thuật bài chòi, được Bình Định nghiên cứu phục hồi và tổ chức diễn xướng trong vài năm gần đây.
- Trong ảnh: Bình Định tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn

8 tỉnh Nam Trung Bộ được khoanh vùng kiểm kê có thể hiểu là “bản đồ” phân bố của bài chòi, nói theo thuật ngữ chuyên môn là những không gian văn hóa của di sản này. Mục đích trước tiên của việc kiểm kê là nhằm xác định, đánh giá hiện trạng, đưa ra cái nhìn tổng thể, toàn diện về nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam.

* Có thông tin kết quả kiểm kê sẽ giúp cho việc xây dựng hồ sơ, trình UNESCO xét duyệt, công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bà có thể xác tín được không?

- Có thể đó là mục tiêu lớn, hướng đi lâu dài của Bộ, còn hiện tại, ở cấp độ Viện, yêu cầu chúng tôi đặt ra là thực hiện và hoàn thành tốt công tác kiểm kê khoa học về di sản này. Tuy nhiên, đặt giả thuyết chúng ta đang bắt tay xúc tiến mọi điều kiện theo quy trình để bài chòi có cơ hội đón nhận vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì kết quả kiểm kê lần này sẽ tác động lớn đến việc có quyết định xây dựng hồ sơ đề nghị, đủ điều kiện đề nghị và khả năng được công nhận hay không.

* Bà có thể tiết lộ kết quả ban đầu về cuộc kiểm kê tại Bình Định được không?

- Chúng tôi tiến hành kiểm kê theo 3 phương thức: kiểm kê theo khu vực, kiểm kê trên số lượng nghệ nhân và kiểm kê theo nhóm sinh hoạt. Ở phương thức kiểm kê thứ nhất, địa bàn thực hiện thấp nhất là cấp thôn, phường. Có thể nói, chúng tôi đã đi qua những khu vực đậm đặc nhất về bài chòi ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn. Ở phương thức thứ 2, gặp những nghệ nhân đang nắm giữ di sản bài chòi, từ đó chúng tôi càng bất ngờ và vui mừng trước sức sống của di sản bài chòi Bình Định. Con số ít nhất 100 nghệ nhân nắm vững bài bản, phong phú về bài chòi cổ dân gian, chưa kể rất nhiều cán bộ văn hóa, cộng đồng có hiểu biết tương đối, thuộc nhiều câu thai, trích đoạn bài chòi cổ là con số ngoài mong đợi của chúng tôi. Còn hội đánh bài chòi hoặc nhóm bài chòi sinh hoạt biểu diễn theo quy mô nhỏ ở cộng đồng dân cư, gia đình, bạn bè tuy ít nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm, vì đó chính là sự tồn tại của di sản trong cộng đồng.

Qua các buổi gặp mặt, trao đổi chuyên môn, tập huấn kiểm kê ngắn hạn, có thể nói giữa người làm công tác bảo vệ, phát huy di sản bằng khoa học chúng tôi với những người nắm giữ di sản đã có được một “cam kết”: lay thức lòng tự hào về di sản trong lòng cộng đồng, nhân dân.

* Bài chòi là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh Nam Trung Bộ. Tìm về lịch sử phát triển của bài chòi, nhiều tài liệu cho rằng Bình Định là mảnh đất cội nguồn, phát tích của di sản này. Một trong những mục tiêu của việc kiểm kê lần này có nhằm tìm ra nguồn gốc, chủ thể văn hóa đầu tiên của bài chòi không, thưa bà?

- Khi nhận diện di sản, bao giờ cũng có sự khoanh vùng. Nếu đó là di sản trải dài, lan tỏa trên một khu vực rộng lớn thì giữa các địa phương trong khu vực đó, sự tồn tại của di sản đều mang những đặc trưng riêng. Việc kiểm kê khoa học di sản bài chòi có ở cả 8 tỉnh Nam Trung Bộ cũng thế, cùng với những kết quả mang về của các nhóm đồng nghiệp, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu, đánh giá về điểm tương đồng, khác biệt của di sản này tại mỗi vùng. Tôi cho rằng, xác định nguồn gốc, khẳng định chủ nhân đầu tiên của bài chòi không phải là điều quá cần thiết. Với di sản văn hóa bài chòi, tính lan tỏa của di sản trong cộng đồng đã trở thành giá trị quan trọng nhất.

* Công tác kiểm kê khoa học di sản bài chòi nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung còn khá mới mẻ với các địa phương, bà có lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng công tác kiểm kê?

- Quả thật, đây là điều chúng tôi rất lưu tâm. Kiểm kê khoa học di sản văn hóa là công việc mang tính khoa học, khá chuyên môn, đòi hỏi nhận thức về giá trị di sản, trình độ nghiệp vụ lẫn tâm huyết trong quá trình thực hiện. Với di sản bài chòi nói riêng, Bình Định có lợi thế là di sản cư trú rộng và đậm nét ở nhiều vùng, đội ngũ nghệ nhân đông đảo, tâm huyết. Trên nền lợi thế đó, sự quan tâm, phối hợp giữa các ngành, cấp địa phương; tâm huyết, nỗ lực của cán bộ kiểm kê cơ sở sẽ càng mang lại kết quả kiểm kê đầy đủ, toàn diện hơn nữa.

* Xin cám ơn bà!

  • SAO LY (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ca sĩ mặc trang phục phản cảm sẽ bị cấm biểu diễn  (20/02/2012)
Sao chẳng nói cùng em  (19/02/2012)
Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình  (18/02/2012)
Hồi sinh một di tích  (18/02/2012)
Đập Văn Phong xứng tầm một di tích  (16/02/2012)
Một địa chỉ văn hóa năng động và đa dạng  (16/02/2012)
Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ   (15/02/2012)
Thêm một đơn vị du lịch lữ hành hoạt động  (15/02/2012)
Nhà thơ Hải Như, đôi tình nhân và chuyện tình yêu  (14/02/2012)
Gia thế Đào Duy Từ qua hai cuốn gia phả   (13/02/2012)
Thêm sắc cho văn nghệ phong trào   (13/02/2012)
Adele thắng lớn với 6 giải Grammy  (13/02/2012)
Diva Whitney Houston đột tử ở tuổi 48  (12/02/2012)
Nghệ sĩ của đại ngàn  (12/02/2012)
Giếng ngọt  (11/02/2012)